Vụ 'không tặc' ở Belarus làm dấy lên lo ngại Trung Quốc sẽ học theo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 23/5, chính phủ Belarus đã buộc máy bay dân sự hạ cánh và bắt giữ nhân vật phe đối lập. Vụ việc khiến những người đang ở nước ngoài và bị chính quyền Hong Kong truy nã lo ngại rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ học theo Belarus và bắt giữ những người bất đồng chính kiến ​​ở hải ngoại bằng cách này.

Belarus là quốc gia ở phía Đông Âu, giáp Nga ở phía Đông Bắc, Ukraina ở phía Nam, Ba Lan ở phía Tây, với Latvia và Litva ở phía Tây Bắc.

Ngày 23/5, Belarus đã buộc một máy bay của hãng Ryanair - đang trong hành trình từ thủ đô Athens của Hy Lạp bay đến thủ đô Vilnius của Litva - phải chuyển hướng đến thủ đô Minsk của Belarus khi bay qua không phận của nước này. Mục đích là để bắt một nhà báo bất đồng chính kiến người Belarus ​​trên máy bay.

Tờ Washington Post chỉ ra, đây là điều gần như chưa từng có tiền lệ. Các nhà lãnh đạo Châu Âu bày tỏ cân nhắc sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Belarus; một số nhà lãnh đạo chỉ trích đây là một vụ không tặc quốc gia. Hoa Kỳ một lần nữa lên án chính phủ Lukashenko quấy rối và giam giữ tùy tiện các nhà báo.

Sau sự kiện này, nhiều nhân vật chính trị hay nhà bất đồng chính kiến ở nước ngoài bị chính quyền Hong Kong truy nã cũng trở nên lo ngại. Vì rất có thể chính quyền Bắc Kinh sẽ dùng cách tương tự để bắt giữ họ.

Chính trị gia Đan Mạch bị Hong Kong truy nã

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), ông Thomas Rohden, Chủ tịch Hiệp hội Phê bình Trung Quốc của Đan Mạch (Danish China Critical Society), lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ áp dụng cách tiếp cận của Belarus, và thậm chí gây áp lực buộc nước thứ ba cử máy bay chiến đấu để đánh chặn máy bay chở khách và sau đó áp giải ông đến Trung Quốc.

Ông Rohden là một trong những chính trị gia Đan Mạch đã hỗ trợ cựu Ủy viên Hội đồng Lập pháp Hong Kong Ted Hui Chi-fung (Hứa Trí Phong) đến thăm Đan Mạch vào năm ngoái. Sau khi ông Hứa hoàn thành chuyến thăm vào đầu tháng 12/2020, đã công khai tuyên bố sống lưu vong và sẽ không trở lại Hong Kong. Hiện tại, ông Hứa đã sang Úc định cư.

Từ trái sang phải: Ted Hui Chi-fung (Hứa Trí Phong), Anders Storgaard, Thomas Rohden. (Ảnh từ Twitter Anders Storgaard)
Từ trái sang phải: Ted Hui Chi-fung (Hứa Trí Phong), Anders Storgaard, Thomas Rohden. (Ảnh từ Twitter Anders Storgaard)

Vào tháng 1 năm nay, truyền thông Hong Kong đưa tin ông Rohden bị tình nghi tham gia lên kế hoạch và dàn xếp chuyến thăm Đan Mạch của ông Hứa Trí Phong, tạo ra hành trình giả và vi phạm Luật An ninh Quốc gia Hong Kong. Ông Rohden đang bị chính quyền Hong Kong truy nã. Ông nói rằng sau khi chủ động liên lạc với cơ quan tình báo Đan Mạch, trong tương lai mỗi khi rời khỏi đất nước ông sẽ đều phải chuẩn bị trước để tránh rủi ro.

Về vụ máy bay chở khách bị buộc hạ cánh ở Belarus, ông Rohden cho rằng đó là điều khó tin và nằm ngoài sức tưởng tượng của người bình thường. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nền dân chủ phương Tây, không nên chỉ lên án bằng lời nói, nếu không các chế độ độc tài khác như Trung Quốc sẽ noi gương Belarus. Ông lo lắng rằng việc bắt giữ như vậy sẽ trở thành điều thường thấy trong tương lai.

Trung Quốc bị cáo buộc đứng sau các vụ bắt giữ người dân ở nước ngoài

Vụ việc mới nhất trong đó ĐCSTQ bị cáo buộc gây áp lực lên nước ngoài để dẫn độ công dân Trung Quốc về Trung Quốc xảy ra vào ngày 20/5. Vương Tịnh Du (Wang Jingyu), một thanh niên 19 tuổi người Trùng Khánh, bị cảnh sát Dubai tạm giữ khi đang quá cảnh ở Dubai để đến Hoa Kỳ.

Vương từng chỉ trích quân đội ĐCSTQ trong vụ xung đột Trung - Ấn trên Internet. Ông Quách Bảo Thắng (Guo Baosheng), một nhà bất đồng chính kiến ​​người Hoa tại Mỹ, nói rằng chính quyền Dubai đã bị Đại sứ quán Trung Quốc thao túng và bắt giữ Vương Tịnh Du hòng dẫn độ thanh niên này về Trung Quốc.

Theo thông tin mới nhất do Vương đăng tải trên Twitter cá nhân, sau khi được Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ giúp đàm phán, Vương đã được trả tự do vào lúc 1h51 chiều ngày 27/5 theo giờ địa phương và bay đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Vương Tịnh Du đăng ảnh trên máy bay đến Thổ Nhĩ Kỳ sau khi được thả khỏi Dubai. (Ảnh Twitter @WANGJINGYU2001)
Vương Tịnh Du đăng ảnh trên máy bay đến Thổ Nhĩ Kỳ sau khi được thả khỏi Dubai. (Ảnh Twitter @WANGJINGYU2001)

Ngoài trường hợp trên, còn có vụ việc nhà sách Causeway Bay năm 2015 gây chấn động Hong Kong. Theo báo cáo, do nhà sách Causeway Bay bán sách cấm về ông Tập Cận Bình, nên một số ông chủ của hiệu sách, dù đang ở Hong Kong hay ở nước ngoài, đều đã bị bắt cóc về Trung Quốc đại lục. Trong đó có ông Quế Dân Hải (Gui Minhai), người Hong Kong mang quốc tịch Thụy Điển đã mất tích ở Thái Lan, và ông Lý Ba (Li Bo), người Hong Kong mang quốc tịch Anh đã mất tích ở Hong Kong. Cuối cùng, cả 2 đã xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc và nhận tội.

Ông Rohden chỉ ra rằng, dựa trên những sự việc trên, sau này khi xuất cảnh ông cần hết sức thận trọng. Khi mua vé máy bay, ngoài việc quan tâm đến hãng máy bay của quốc gia nào, địa điểm chuyển tiếp ở đâu, còn phải để ý xem máy bay có bay qua vùng trời của Trung Quốc hay không. Ông hy vọng rằng các nước phương Tây sẽ cảnh giác với diễn biến của tình trạng này.

Thành công của Belarus sẽ cổ xúy cho các nước độc tài lặp lại thủ đoạn này

Ông La Quán Thông (Nathan Law Kwun-chung), cựu nhà lập pháp Hong Kong sống lưu vong tại Vương quốc Anh, nói rằng loại hình gần như là không tặc và bắt cóc này, trước kia các nhà độc tài không dám sử dụng cho lắm, nhưng sau khi Belarus tạo ra tiền lệ, e rằng nó sẽ cổ xúy cho các nước độc tài lặp lại thủ đoạn này và đối phó với các nhà bất đồng quan điểm. "Các hình phạt và lệnh trừng phạt mà Belarus phải đối mặt trong tương lai sẽ ít nhiều xác định liệu các quốc gia độc tài khác có sử dụng các chiêu thuật tương tự để bỏ tù những người chống lại chế độ hay không".

Ông La Quán Thông (Nathan Law Kwun-chung), cựu Chủ tịch Đảng Demosisto Hong Kong. (Public Domain)
Ông La Quán Thông (Nathan Law Kwun-chung), cựu Chủ tịch Đảng Demosisto Hong Kong. (Public Domain)

Ông La cũng chỉ ra rằng trước mối đe dọa từ Bắc Kinh, ông đã tránh đi đến tất cả các quốc gia kết thân với nó, trong tương lai, ông có thể phải kiểm tra ký đường bay và tránh ngồi trên các chuyến bay đi qua không phận lãnh thổ của Trung Quốc để được an toàn.

Ông La Quán Thông nói rằng trước những phương thức đàn áp thay đổi theo từng ngày của những kẻ độc tài, dù ông đang ở nước ngoài nhưng không có giờ phút nào có thể thả lỏng. Ông hy vọng rằng nhà hoạt động 26 tuổi người Belarus - Roman Protasevich hiện đang bị giam giữ có thể sớm được cấp quy chế tị nạn của Cộng hòa Litva, đồng thời hy vọng rằng nhà độc tài Belarus sẽ bị trừng phạt thích đáng.

Diễn biến vụ bắt giữ Roman Protasevich

Hôm Chủ nhật vừa rồi (23/5) theo giờ địa phương, một chiếc máy bay Boeing 737-8AS mang số hiệu FR4978 của hãng hàng không Ryanair chở 171 hành khách bay từ Hy Lạp đến Litva. Khi sắp kết thúc hành trình, phi hành đoàn nhận được cảnh báo từ bộ phận kiểm soát không lưu Belarus rằng có bom trên máy bay. Chiến cơ MiG-29 của Belarus được lệnh chặn chiếc máy bay chở khách này và ra hiệu nên hạ cánh xuống thủ đô Minsk của Belarus.

Ngay sau khi máy bay hạ cánh, Roman Protasevich - nhà báo phe đối lập 26 tuổi người Belarus đã bị nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia nước này bắt giữ.

Belarus nói rằng quả bom trên máy bay chỉ là một cái cớ, nguyên nhân thực sự là do Tổng thống Belarus Lukashenko đã buộc chuyến bay chuyển hướng nhằm bắt giữ nhà báo bất đồng chính kiến ​​Protasevich trên máy bay.

Hình ảnh Roman Protasevich xuất hiện trên TV và được cho là bị ép nhận tội sau khi bị bắt ở Belarus hôm 23/5. (SMERSCH SCG/WikiMedia Commons/CC BY 3.0)
Hình ảnh Roman Protasevich xuất hiện trên TV và được cho là bị ép nhận tội sau khi bị bắt ở Belarus hôm 23/5. (SMERSCH SCG/WikiMedia Commons/CC BY 3.0)

Nguyên nhân vụ bắt giữ

Protasevich bị cáo buộc tổ chức các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Alexander Lukashenko và có thể phải đối mặt với án tử hình. Ông Lukashenko, 66 tuổi, đã cai trị đất nước thuộc Liên Xô cũ trong 26 năm, là một nhà độc tài bị cộng đồng quốc tế cô lập kể từ khi ông ta ra lệnh trấn áp những người biểu tình phản đối việc ông thao túng cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 8 năm ngoái.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, sau khi tuyên bố chiến thắng áp đảo và tái đắc cử, ông Lukashenko đã đàn áp những người bất đồng chính kiến. Chiến thắng của ông Lukashenko không những bị phe đối lập trong nước và cộng đồng quốc tế phủ nhận mà còn gây ra làn sóng biểu tình ở Belarus trong nhiều tháng. Hiện nay phần lớn những người phe đối lập hoặc là sống lưu vong hoặc là đang trong tù.

Ông Alexander Lukashenko - Tổng thống Belarus. (Lintao Zhang/Pool/Getty Images)
Ông Alexander Lukashenko - Tổng thống Belarus. (Lintao Zhang/Pool/Getty Images)

Bà Svetlana Tikhanovskaya, thủ lĩnh phe đối lập Belarus, tin rằng bà mới là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái. Bà hiện đang sống lưu vong ở Litva.

Bà Tikhanovskaya đã yêu cầu chính quyền thả người ngay lập tức và yêu cầu Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) hành động ngay lập tức. ICAO cho biết, họ "nghiêm túc lo ngại" về sự cố cưỡng ép hạ cánh máy bay, và cho rằng nó có thể đã vi phạm Công ước Chicago (Chicago Convention) của Công ước Hàng không Dân dụng Quốc tế.

Bà Svetlana Tikhanovskaya, thủ lĩnh phe đối lập Belarus. (Arturas Morozovas/Getty Images)
Bà Svetlana Tikhanovskaya, thủ lĩnh phe đối lập Belarus. (Arturas Morozovas/Getty Images)

Roman Protasevich là ai?

Reuters chỉ ra rằng, Protasevich từng là Tổng biên tập của kênh Nexta Live ở Ba Lan vào năm ngoái. Nexta Live là một kênh sử dụng phần mềm Telegram để đăng tin và có hơn 1 triệu người đăng ký. Kênh này công khai lập trường đối địch với Tổng thống Belarus Lukashenko. Đây cũng là kênh chính giúp lan truyền thông tin khi phe đối lập phát động cuộc biểu tình chống lại ông Lukashenko vào năm 2020.

Belarus đã ngăn chặn truyền thông nước ngoài đưa tin về các cuộc biểu tình sau cuộc bầu cử. Khi đó Nexta Live đã quay những hình ảnh về việc cảnh sát đàn áp mạnh mẽ người biểu tình và được truyền thông quốc tế sử dụng rộng rãi.

Protasevich đã tiết lộ bản sao danh sách những người bị chính phủ Belarus công bố là phần tử khủng bố trên Twitter vào tháng 11 năm ngoái, và anh cũng có tên trong danh sách này. Nội dung danh sách cho thấy Protasevich bị buộc tội tổ chức bạo loạn quy mô lớn, gây rối trật tự xã hội và kích động thù hận trong xã hội trong thời gian làm việc tại Nexta Live. Protasevich cho rằng những cáo buộc này đủ khiến anh phải ngồi tù nhiều năm, nhưng đó đều là đàn áp chính trị vô căn cứ.

Theo Media Solidarity, Protasevich đã chạy sang Ba Lan dưới áp lực của chính quyền vào năm 2019. Anh cũng tweet rằng sau khi cha mẹ bị giám sát, anh đã sắp xếp để cha mẹ sang Ba Lan. Sau đó Protasevich chuyển đến sinh sống tại Vilnius, thủ đô của Litva.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Vụ 'không tặc' ở Belarus làm dấy lên lo ngại Trung Quốc sẽ học theo