Vụ 11/9: Người đàn ông may mắn thoát chết từ tầng 105 kể lại ký ức kinh hoàng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đã 20 năm kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, cảnh tượng kinh hoàng khi đó vẫn in sâu trong tâm trí những người may mắn sống sót đến ngày nay. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, một người đàn ông may mắn sống sót - có mặt tại tầng 105 của tòa Tháp Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới vào thời điểm xảy ra vụ khủng bố, đã kể lại trải nghiệm kinh hoàng của ông và một quyết định quan trọng đã cứu mạng ông khi đó.

Theo AFP đưa tin, ông Joe Dittmar, 44 tuổi vào thời điểm đó là cha của 4 đứa trẻ. Vào ngày xảy ra vụ khủng bố, ông Dittmar đang tham gia một cuộc họp kinh doanh trên tầng 105 của tòa Tháp Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York.

Trước khi cuộc họp bắt đầu, chiếc máy bay bị khủng bố kiểm soát đã lao vào Tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới. Đèn trong phòng họp của ông Dittmar đột ngột tắt, vì đây là phòng không có cửa sổ nên những người tham gia cuộc họp đều không biết rằng đó là một vụ tấn công khủng bố. (Bấm để xem video liên quan)

Ngay sau đó, họ nhận được thông báo phải sơ tán bằng cầu thang bộ, mặc dù không biết lý do, nhưng mọi người đều nhanh chóng làm theo yêu cầu. Khi đến tầng 90, nhóm người sơ tán mới nhìn thấy cảnh tượng tấn công khủng bố kinh hoàng qua cửa sổ.

Ông Dittmar nói rằng, vào thời điểm đó, đường phố New York tràn ngập tiếng la hét của hàng nghìn người. Một hố đen khổng lồ xuất hiện ở toà Tháp Bắc bị tấn công. Ngọn lửa đỏ và khói cuồn cuộn không ngừng phụt ra từ hố đen đó. Đây là một cảnh tượng mà ông chưa từng chứng kiến trong đời.

Ngày 11/9/2001, hai chiếc máy bay bị khủng bố khống chế đã đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Mỹ. (Hình ảnh Spencer Platt / Getty)
Ngày 11/9/2001, hai chiếc máy bay bị khủng bố khống chế đã đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Mỹ. (Hình ảnh Spencer Platt / Getty)

Theo trực giác, ông Dittmar cho rằng phải nhanh chóng thoát khỏi tòa nhà này. Khi ông chạy đến tầng 78, có người muốn đi thang máy xuống thẳng tầng 1 và hỏi ông có muốn đi cùng không, ông Dittmar đã từ chối vì cho rằng không nên sử dụng thang máy trong lúc hỏa hoạn.

Chính quyết định quan trọng này đã cứu mạng Dittmar, “Đây là quyết định tốt nhất mà tôi từng làm trong đời”, ông Dittmar nói.

Khi ông chạy đến tầng 73, một chiếc máy bay khác bị không tặc kiểm soát đã lao vào giữa tầng 77 và tầng 85 của toà Tháp Nam nơi ông đang đứng. Ông Dittmar nhớ lại, tay vịn cầu thang gãy vụn trong tích tắc, tường nứt, những khối xi măng liên tục rơi xuống dưới, cầu thang dưới chân ông rung chuyển dữ dội như sóng biển, ông cảm thấy nóng hầm hập và nồng nặc mùi nhiên liệu.

Do điện thoại không hoạt động, ông Dittmar cùng những người chạy thoát khi ấy vẫn không rõ điều gì xảy ra và tiếp tục di chuyển xuống tầng dưới. Tại đây, ông thấy la liệt giày cao gót, túi xách, laptop bị bỏ lại, trong khi rất nhiều phụ nữ hoảng loạn chạy chân trần xuống phía dưới.

Trong quá trình chạy thoát, ông Dittmar không chỉ kinh qua trải nghiệm chấn động lòng người, mà ông còn nhìn thấy phía vinh quang của bản chất sinh mệnh: một người đàn ông đang cố gắng chạy thoát với một phụ nữ tàn tật trên lưng; một người bảo vệ hát to bài hát "Chúa phù hộ nước Mỹ" (God Bless America) để chấn an những người có mặt ở hiện trường.

Khi đến tầng 35, ông Dittmar và nhóm người đang chạy xuống đã gặp nhóm các cảnh sát, nhân viên cứu hỏa và nhân viên y tế của New York chạy lên phía trên. "Từ ánh mắt của họ, tôi thấy họ biết rằng một khi chạy lên sẽ không thể quay xuống nữa, nhưng họ vẫn dũng cảm chạy lên lầu. Họ biết mình đang tiến lên để chiến đấu với ngọn lửa mà họ không đủ sức dập tắt, tiến lên để cứu những người mà họ không thể cứu được. Tôi không rõ làm thế nào họ có thể dũng cảm như vậy", ông Dittmar bật khóc khi kể lại khoảnh khắc này.

Khoảng 50 phút sau, ông Dittmar và những người may mắn sống sót khác đã tiếp cận được mặt đất và thoát ra khỏi tòa nhà, không lâu sau đó tòa Tháp Nam sụp đổ hoàn toàn. Những tiếng la hét kinh hoàng của hàng nghìn người chứng kiến ​​vang vọng cả bầu trời.

"Tôi nghe thấy tiếng la hét của hàng trăm, hàng nghìn, hoặc có lẽ là hàng chục nghìn người, đồng loạt vang lên khắp đường phố New York", ông Dittmar kể. "Đó là âm thanh đầu tiên tôi nghe vào buổi sáng hôm ấy và cũng là âm thanh cuối cùng vẫn ám ảnh tôi vào mỗi đêm. Nó không thể biến mất".

Sau đó, ông Dittmar được điều trị tâm lý vì hội chứng Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) và bắt đầu đi diễn thuyết ở nhiều nơi, chia sẻ kinh nghiệm chạy thoát của ông với mọi người.

Vào ngày 11/9/2001, 4 chiếc máy bay bị không tặc khống chế, trong đó 2 chiếc đã đâm vào tòa Tháp Bắc và Tháp Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới; một chiếc đâm vào phía Tây Lầu Năm Góc; một chiếc khác trong khi đang trên đường bay đến Washington, đã bị các hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay cố gắng giành lại quyền kiểm soát máy bay và cuối cùng rơi xuống một cánh đồng ở Pennsylvania. Không ai trong 4 chiếc máy bay này sống sót.

Tính cả những kẻ không tặc tại hiện trường Trung tâm Thương mại Thế giới, tổng cộng 2.749 người đã chết hoặc mất tích trong vụ tấn công khủng bố này. Phần lớn những người thương vong là dân thường, trong đó có công dân của 87 quốc gia trên thế giới.

Mai Hạ

(t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Vụ 11/9: Người đàn ông may mắn thoát chết từ tầng 105 kể lại ký ức kinh hoàng