Viện Khổng Tử đang bị phản đối tại các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Do quan ngại về mối đe dọa đối với nền tự do học thuật, ngày càng có nhiều trường đại học và cao đẳng ở Hoa Kỳ đóng cửa các Viện Khổng Tử.

Mặc dù được quảng cáo là trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa, các Học viện Khổng Tử do Bắc Kinh tài trợ tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác bị chỉ trích vì đã đàn áp tự do ngôn luận, thúc đẩy tuyên truyền và ảnh hưởng của Trung Quốc trong các trường đại học - cao đẳng của Hoa Kỳ.

Từ năm 2004, có hơn 100 Học viện Khổng Tử đã được thành lập tại các trường đại học trên khắp Hoa Kỳ. Tuy nhiên số lượng các viện này đã đang giảm ở đất nước này. Nhiều viện bị đóng cửa do có nhiều vấn đề gây tranh cãi, nhưng cũng nhiều viện bị đóng cửa do Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2018 đã cấm các trường đại học có Viện Khổng Tử không được nhận tài trợ từ Lầu năm góc.

Theo Hiệp hội học giả quốc gia (NAS) - một tổ chức giáo dục của Hoa Kỳ, tính đến tháng 5/2020, có 38 trường đại học đã và đang đóng cửa Viện Khổng Tử tại trường của họ. Dự kiến đến tháng 9/2020, Hoa Kỳ sẽ chỉ còn 80 Viện Khổng Tử.

Bà Rachelelle Peterson, giám đốc chính sách NAS nói với The Epoch Times trong một email rằng: “Viện Khổng Tử đã du nhập chính sách kiểm duyệt vào nền giáo dục đại học Hoa Kỳ. Họ có quan điểm chống lại tự do trí tuệ [học thuật] vốn là điều không thể thiếu trong môi trường đại học Hoa Kỳ”.

Du nhập chính sách ‘kiểm duyệt’

Bà Peterson mô tả các viện Khổng Tử “là bộ dụng cụ giảng dạy của chính quyền Trung Quốc”. Họ cung cấp cán bộ giảng dạy, trả lương bổng, cung cấp tài liệu giảng dạy, và các khoản tài trợ công tác điều hành.

Năm 2017, bà Peterson đã thay mặt NAS viết một báo cáo đề nghị đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử ở Hoa Kỳ, nhấn mạnh rằng vai trò trọng yếu của các viện này là để tô vẽ hình ảnh tích cực về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

“Họ tránh đề cập đến các chủ đề liên quan đến lịch sử chính trị Trung Quốc và lạm dụng nhân quyền, tuyên bố Đài Loan và Tây Tạng là lãnh thổ không thể tranh cãi của Trung Quốc, và truyền giáo cho thế hệ sinh viên trẻ của Hoa Kỳ những kiến thức về lịch sử ĐCSTQ thay vì cung cấp cho họ vốn hiểu biết về lịch sử và văn hóa Trung Hoa”.

Các Viện Khổng Tử nhận tài trợ và chịu sự điều hành từ Hanban - Văn phòng Hội đồng Ngôn ngữ Trung Quốc trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc.

Tòa nhà Học viện Khổng Tử trong khuôn viên Đại học Troy ở Alabama vào ngày 16/3/2018 (Kreeder13 qua Wikimedia Commons)

Theo một báo cáo điều tra của tiểu ban Thượng viện Hoa Kỳ năm 2019, kể từ năm 2006, Hanban đã bơm hơn 158 triệu đô la vào gần 100 trường đại học Hoa Kỳ để thành lập các Viện Khổng Tử. Từ năm 2008 đến 2016, Hanban đã chi hơn 2 tỷ đô la để thành lập các viện này tại các trường đại học trên khắp thế giới.

Ngoài giáo dục đại học, các trường phổ thông ở Hoa Kỳ đang có 512 lớp học Khổng Tử [từ mẫu giáo đến lớp 12] hoạt động, báo cáo cho biết.

Bản thân các quan chức Trung Quốc đã nhận xét rằng hệ thống Viện Khổng Tử là một ván bài quan trọng trong chiến dịch mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của ĐCSTQ.

Năm 2009, Trưởng Ban tuyên giáo của ĐCSTQ Lý Trường Xuân cho biết Viện Khổng Tử “đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập hoạt động tuyên truyền ở nước ngoài của Trung Quốc”.

Trong một bài phát biểu năm 2011, ông Lý đã khoe khoang rằng các viện này là “thương hiệu hấp dẫn để bành trướng văn hóa của Trung Quốc ra nước ngoài”.

Ông Lý nói: “Đây là một đóng góp quan trọng trong việc cải thiện quyền lực mềm của Trung Quốc. Thương hiệu ‘Khổng Tử’ có sức hấp dẫn tự nhiên, và việc lấy lý do là để giảng dạy ngôn ngữ Trung Quốc cũng rất hợp lý và logic”.

“Tài trợ có điều kiện”

Báo cáo của tiểu ban Thượng viện cho thấy một số hợp đồng giữa các trường đại học Hoa Kỳ và Hanban có các điều khoản quy định việc áp dụng luật pháp của cả hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Trong khi đó, báo cáo cho biết, các giáo viên người Trung Quốc phải ký hợp đồng với Hanban, trong đó tuyên bố rằng hợp đồng của họ sẽ bị chấm dứt nếu họ “vi phạm luật pháp Trung Quốc”, “tham gia vào các hoạt động gây bất lợi cho lợi ích quốc gia”, hoặc “tham gia vào các tổ chức bất hợp pháp”. Các điều khoản này cũng yêu cầu các cán bộ giảng dạy “phải có ý thức bảo vệ lợi ích quốc gia” và trong vòng một tháng sau khi nhập cảnh Hoa Kỳ phải báo cáo với Đại sứ quán Trung Quốc.

Sonia Zhao, một cựu giáo viên người Trung Quốc tại Viện Khổng Tử Đại học McMaster của Canada, đã đào tẩu sang nước này vào năm 2011. Theo The Epoch Times đưa tin vào thời điểm đó, trước khi đến Canada, bà Zhao đã phải ký hợp đồng cam kết không tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện đã và đang bị ĐCSTQ đàn áp. Tuy là người tu luyện Pháp Luân Công, bà Zhao đã phải ký thỏa thuận vì sợ rằng nếu từ chối ký, bà có thể bị bắt giữ.

Học viên của Viện Khổng Tử thuộc Indianapolis trong cuộc diễu hành kỷ niệm 100 năm Indianapolis 500 vào ngày 28/5/2011 trên đường phố Indianapolis, Indiana. (Ảnh của Robert Laberge / Getty Images)
Học viên của Viện Khổng Tử thuộc Indianapolis trong cuộc diễu hành kỷ niệm 100 năm Indianapolis 500 vào ngày 28/5/2011 trên đường phố Indianapolis, Indiana. (Ảnh của Robert Laberge / Getty Images)

Năm 2013, Đại học McMaster trở thành trường đại học đầu tiên ở Bắc Mỹ đóng cửa Viện Khổng Tử sau khi bà Zhao nộp đơn khiếu nại tại Tòa án Nhân quyền Ontario về các hoạt động tuyển dụng phân biệt đối xử của Viện Khổng Tử. Người phát ngôn của trường nói rằng quyết định này xuất phát từ việc “tuyển dụng tiến hành ở Trung Quốc không được thực hiện phù hợp với cách tuyển dụng của trường sở tại”.

Bà Zhao tiết lộ rằng trong quá trình đào tạo nghiệp vụ tại Bắc Kinh, họ được yêu cầu tránh đề cập đến các chủ đề nhạy cảm như vụ thảm sát Thiên An Môn, Tây Tạng, Đài Loan và Pháp Luân Công trong lớp học. Tuy nhiên, nếu học sinh khăng khăng yêu cầu trả lời câu hỏi, thì giáo viên phải trích dẫn đường lối của ĐCSTQ về vấn đề này, chẳng hạn như: Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc, và Tây Tạng đã được Trung Quốc “giải phóng”.

Doris Liu là đạo diễn bộ phim tài liệu Canada năm 2017 có nhan đề “Dưới danh nghĩa Khổng Tử” (In the Name of Confucius) để minh họa câu chuyện của bà Zhao. Bà nói với The Epoch Times rằng khoản tiền ĐCSTQ bơm vào các trường đại học phương Tây “có điều kiện đi kèm”.

Bà Liu kể lại rằng, năm 2019, bà đã gặp ba đại diện của Viện Khổng Tử ở Đức. Họ kể rằng một điều kiện bất thành văn để thành lập các Viện Khổng Tử là cấm thảo luận trong lớp học những vấn đề mà ĐCSTQ coi là nhạy cảm.

Trong những bằng chứng cung cấp cho yêu cầu điều tra ở Vương quốc Anh năm 2019, bà Peterson cho biết: vào năm 2016, Yin Xiuli, giám đốc Viện Khổng Tử tại Đại học New Jersey đã nói với bà rằng viện Khổng Tử không được đề cập đến các vấn đề về Đài Loan, Tây Tạng và Pháp Luân Công.

Sự can thiệp của Trung Quốc

Ngoài ra còn có nhiều ví dụ đáng chú ý khác về việc các Viện Khổng Tử can thiệp vào các hoạt động bên ngoài lớp học.

Năm 2004, một vụ bê bối học thuật nổ ra sau khi một nhân viên của Viện Khổng Tử đã đánh cắp và xé các trang của quyển chương trình Hội nghị Tiếng Trung ở Bồ Đào Nha. Xu Lin, giám đốc Hanban toàn cầu đã ra lệnh cho họ làm như vậy vì trong chương trình hội nghị có bao gồm tài liệu về một nhà tài trợ khác của hội nghị là một tổ chức Đài Loan.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai trương một Viện Khổng Tử tại nước Úc. (Ảnh: WILLIAM WEST/AFP/Getty Images)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai trương một Viện Khổng Tử tại nước Úc. (Ảnh: WILLIAM WEST/AFP/Getty Images)

Nhà tổ chức hội nghị đã tuyên bố hành động đó là “sự can thiệp” tới một cơ quan học thuật độc lập và là điều “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Năm 2018, nhà báo Bethany Allen-Ebrahimian phát hiện rằng những kinh nghiệm trong nghề báo chí trong thời gian tác nghiệp tại Đài Loan đã bị xóa khỏi tiểu sử của cô khi cô có bài phát biểu tại Khoa Báo chí và Truyền thông đại chúng của Đại học Quốc gia Savannah. Sau đó, cô phát hiện ra rằng vị giám đốc người Trung Quốc của Viện Khổng Tử Đại học Savannah đã bị thay thế.

Năm 2018, buổi chiếu công khai bộ phim tài liệu của bà Doris Liu tại Đại học Victoria ở Úc đã bị hủy sau khi những người đứng đầu Viện Khổng Tử của trường có ý kiến rằng buổi chiếu sẽ là “vấn đề” đối với họ, và đó là vấn đề quan tâm của lãnh sự quán Trung Quốc, theo những email gửi tới một nhân viên người Úc của trường.

Giám đốc FBI Christopher Wray đã đưa ra quan ngại về các hoạt động ảnh hưởng của Viện Khổng Tử. Năm 2018, tại một phiên điều trần của Thượng viện, ông Wray xác nhận rằng “FBI đang theo dõi chặt chẽ các viện Khổng Tử và trong một số trường hợp nhất định, đã có các bước điều tra phù hợp”.

Hành động của chính phủ Hoa Kỳ

Kể từ tháng 7/2019, theo sáng kiến điều tra về ảnh hưởng của nước ngoài tới nền giáo dục đại học Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra hàng loạt các khoản tài trợ nước ngoài tại các trường đại học Hoa Kỳ.

Theo bộ luật liên bang, các trường đại học phải báo cáo các khoản quà tặng và hợp đồng với bất kỳ nguồn tài trợ nước ngoài nào vượt quá 250.000 USD/năm. Tuy nhiên, báo cáo của tiểu ban Thượng viện cho thấy, gần 70% các trường đại học không báo cáo đúng khoản tài trợ họ nhận được từ các viện Khổng Tử.

Theo báo cáo điều tra của Bộ Ngoại giao, khoảng 6,5 tỷ đô la tiền tài trợ từ nước ngoài chưa được tiết lộ, bao gồm từ Trung Quốc, Qatar và Nga.

Trong một báo cáo tháng 11/2019 cho tiểu ban Thượng viện, Bộ Ngoại giao nói rằng các nhà tài trợ nước ngoài có thể đang tìm cách tạo quyền lực mềm, đánh cắp các công trình nghiên cứu nhạy cảm và thúc đẩy tuyên truyền trong hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ.

Theo báo cáo, một trường đại học có nhiều hợp đồng với Trung ương ĐCSTQ, một trường khác nhận được quà tặng từ một quỹ bị nghi ngờ là mặt trận gây ảnh hưởng của ĐCSTQ, và một trường nhận được tài trợ nghiên cứu từ một công ty phát triển công nghệ giám sát đa quốc gia của Trung Quốc.

Trong khi đó, một nhóm các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa gần đây đã gửi thư yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Betsy DeVos cung cấp thông tin về các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào các trường đại học Hoa Kỳ cho mục tiêu thúc đẩy tuyên truyền và chiến lược của họ. Lá thư của các nhà lập pháp lưu ý rằng các viện Khổng Tử là phương tiện để Bắc Kinh thúc đẩy tuyên truyền đối với giới sinh viên của Hoa Kỳ, cũng như là tay chân của cơ quan tình báo Trung Quốc.

Nỗ lực từ các cơ sở

Để hưởng ứng những nỗ lực của chính phủ, phong trào sinh viên đã lên tiếng chống lại sự xâm nhập chính quyền Trung Quốc vào các trường đại học của Hoa Kỳ.

Đại học bang New Mexico tuyên bố đóng cửa Viện Khổng Tử. Bức ảnh cho thấy những người biểu tình kêu gọi các trường đại học Mỹ đóng cửa các Học viện Khổng Tử. (Ảnh: Epoch Times)
Đại học bang New Mexico tuyên bố đóng cửa Viện Khổng Tử. Bức ảnh cho thấy những người biểu tình kêu gọi các trường đại học Mỹ đóng cửa các Học viện Khổng Tử. (Ảnh: Epoch Times)

Tuần trước, hàng chục lãnh đạo của Ủy ban Đại học Đảng Cộng hòa và Ủy ban Đại học Đảng Dân chủ, đại diện cho các trường đại học ở hơn 45 tiểu bang, cùng với các nhóm hoạt động nhân quyền đại diện cho cộng đồng Tây Tạng, Hong Kong và Đài Loan, đã ký một bức thư ngỏ kêu gọi đóng cửa toàn bộ hệ thống Viện Khổng Tử trong các cơ sở của Hoa Kỳ.

Bức thư viết: “Hành động của ĐCSTQ là mối đe dọa to lớn đối với tự do học thuật và nhân phẩm. Chúng ta cần phải phân biệt giữa chế độ toàn trị này với người dân Trung Quốc, những người mà chúng ta phải kiên quyết bảo vệ khỏi những hành vi xấu xa của chủ nghĩa bài ngoại, kỳ thị và thù hận”.

Bức thư do Viện Athenai, một tổ chức phi lợi nhuận mới thành lập đứng ra tổ chức. Giám đốc và đồng sáng lập Rory O’Connor nói với The Epoch Times rằng tổ chức này được thành lập sau khi có một nhóm sinh viên đứng lên chống lại cuộc tấn công chưa từng có trong tiền lệ của ĐCSTQ đối với quyền sinh viên và quyền tự do học thuật.

Giám đốc O’Connor cho biết kể từ khi phát hành, bức thư ngỏ này đã được quan tâm rộng rãi. Trong vài tuần tới, Viện Athenai sẽ ra mắt 25 chương Athenai.

Ông O’Connor nói: “Thế hệ của chúng ta đã chứng kiến ​​những người nắm quyền lực không hành động, có thể là không muốn hay vì lý do nào khác, và chúng ta đã chứng kiến bao nhiêu người đang phải chịu đựng và bị đàn áp bởi ĐCSTQ tàn bạo”.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Viện Khổng Tử đang bị phản đối tại các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ