TNS Tom Cotton chất vấn vì sao Coca-Cola 'không dám' lên án ĐCS Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Đã quá lâu các công ty như Nike, Apple, Amazon và Coca-Cola vẫn sử dụng lao động cưỡng bức. Họ đang hưởng lợi từ lao động cưỡng bức hoặc tìm nguồn cung ứng từ các nhà cung cấp bị nghi ngờ sử dụng lao động cưỡng bức. Thật đáng buồn, những công ty này đang khiến tất cả chúng ta đồng lõa với những tội ác này” của ĐCSTQ.

Hôm 27/7, Coca-Cola đã có phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ về việc vì sao gã trùm nước giải khát này từ chối lên tiếng về tội ác diệt chủng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng lại can thiệp vào các vấn đề chính trị tại nội bộ nước Mỹ hồi đầu năm nay. Trong phiên điều trần này, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton (Arkansas) đã trực tiếp chất vấn Phó Chủ tịch toàn cầu của Coca-Cola là ông Paul Lalli về quan điểm của tập đoàn toàn cầu này về vấn đề nhân quyền, đặc biệt là những tội ác do ĐCSTQ gây ra, theo Daily Wire.

Trong bài đăng trên tài khoản Twitter của mình hôm 28/7, Thượng nghị sĩ Cotton đã đăng tải một video ghi lại những câu hỏi ông đã đặt ra cho ông Lalli trong phiên điều trần trực tuyến, đề cập đến việc Coca-Cola "không dám" lên án những tội ác diệt chủng phản nhân loại của ĐCSTQ, và sẵn sàng "ủng hộ Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh".

Trong video, vị thượng nghị sĩ Cộng hòa nêu rõ:

“Dưới sự chất vấn của Thượng nghị sĩ Merkley, Dân biểu McGovern, và Dân biểu Chris Smith, mỗi người trong số các vị đều từ chối nói bất kỳ một lời nào trong tất cả các lần xuất hiện [vì chúng] sẽ khiến các vị mất một chút thị phần tại nội địa Trung Quốc đại lục. Ông Lalli, chẳng hạn, ông được hỏi liệu Coca Cola có kêu gọi IOC (Ủy ban Olympic Quốc tế) hoãn Thế vận hội Trung Quốc để tạo cơ hội cho họ được [quyết định] lại, hay để Trung Quốc ngăn chặn hành động diệt chủng đối với chính người dân của mình, và theo trích dẫn ông đã nói rằng Coca Cola, tôi nghĩ là lời chính xác của ông, trích dẫn: '[Coca-Cola] không có lời nào để nói', hết trích dẫn. Vì vậy, ông có thể cho tôi biết tại sao Coca-Cola không có tiếng nói trong việc tập đoàn này tài trợ cho Thế vận hội Olympic diệt chủng vào năm tới, nhưng lại có tiếng nói về cách bang Georgia điều hành luật bầu cử của mình?".

Giải thích cho câu trả lời của mình, phó chủ tịch toàn cầu của Coca-Cola cho biết, câu nói của ông mang ý nghĩa rằng, Coca-Cola không thể có "tiếng nói trong việc lựa chọn thành phố đăng cai, hay là việc trì hoãn hoặc thay đổi địa điểm của một kỳ Olympic".

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Cotton nêu rõ, vấn đề không nằm ở việc họ có quyền thực hiện những việc đó hay không, mà nằm ở việc liệu gã trùm tập đoàn giải khát toàn cầu có muốn đưa ra một tuyên bố, để bày tỏ quan điểm rõ ràng về việc này hay không.

Người dân Trung Quốc ăn mừng trong buổi lễ Coca-Cola đánh dấu 100 ngày đếm ngược tới Thế vận hội Olympic London 2012 tại Sân vận động Quốc gia, còn được gọi là Tổ chim, vào ngày 18 tháng 4 năm 2012 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic London 2012 sẽ diễn ra vào ngày 27 tháng 7 năm 2012. (Ảnh của Feng Li / Getty Images)
Người dân Trung Quốc ăn mừng trong buổi lễ Coca-Cola đánh dấu 100 ngày đếm ngược tới Thế vận hội Olympic London 2012 tại Sân vận động Quốc gia, còn được gọi là Tổ chim, vào ngày 18 tháng 4 năm 2012 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic London 2012 sẽ diễn ra vào ngày 27 tháng 7 năm 2012. (Ảnh của Feng Li / Getty Images)

Ông Cotton đã nhắc đến việc giám đốc điều hành (CEO) James Quincy của Coca-Cola đã viện dẫn vấn đề đạo đức cao thượng như thế nào, khi ông chỉ trích việc tiểu bang Georgia thông qua điều luật cải cách bầu cử. Vị thượng nghị sĩ Cộng hòa nhắc nhở, vị CEO của tập đoàn hoàn toàn có thể dùng thái độ tương tự để viết một lá thư gửi đến IOC và yêu cầu họ đưa ra các biện pháp thích đáng, phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức thực sự.

Ông Cotton nhấn mạnh, đây là quyền mà mọi công dân Mỹ đều có, và được bảo vệ theo Hiến pháp Hoa Kỳ, ám chỉ tới Tu chính án đầu tiên về tự do ngôn luận của nước này.

Đáp lại lời chất vấn này, ông Lalli tuyên bố, Coca-Cola hầu như chỉ tham gia trực tiếp vào các vấn đề về quy định tại nước nhà, tức Mỹ quốc.

Trước câu trả lời này, Thượng nghị sĩ Cotton yêu cầu ông Lalli nêu rõ sự khác nhau giữa việc chỉ trích một đạo luật cải cách bầu cử được thông qua bằng biểu quyết dân chủ hợp pháp, với việc yêu cầu IOC cần cân nhắc thay đổi địa điểm đăng cai Thế vận hội Olympics, hay việc Coca-Cola có nên cân nhắc tài trợ cho kỳ Olympic "diệt chủng" sắp diễn ra tại Bắc Kinh hay không.

Cuối cùng, ông Cotton kết luận:

“Vậy, các vị đang tài trợ cho kỳ Thế vận hội Olympic diệt chủng, các vị đang chi hàng triệu USD để tài trợ cho Olympic diệt chủng. Tuy nhiên, các vị sẽ không nêu bất kỳ quan điểm nào về các vấn đề liên quan đến nó, rằng các vị sẽ chúi mũi vào luật cải cách bầu cử của cơ quan lập pháp Georgia. Các vị có thể giải thích cho tôi sự ngang trái này?

Tôi nghĩ câu trả lời là, các vị sợ Đảng Cộng sản Trung Quốc, các vị sợ những gì họ sẽ làm với công ty của các vị, nếu các vị nói một từ duy nhất, chẳng hạn như nói rằng cả chính quyền Biden và Trump đều đúng, khi họ nói rằng [ĐCSTQ] đang thực hiện một cuộc diệt chủng chống lại chính [người dân của] họ".

Trên thực tế, Coca-Cola không phải là tập đoàn đa quốc gia duy nhất của Mỹ có thái độ im lặng và nhắm mắt làm ngơ, hay thậm chí có góp phần vào những tội ác vi phạm nhân quyền, tội ác diệt chủng và tội ác phản nhân loại của ĐCSTQ. Hồi tháng Sáu, CEO mới của Nike là ông John Donahoe đã tuyên bố, hãng giày nổi tiếng này là một “thương hiệu của Trung Quốc và vì Trung Quốc”, bất chấp những cáo buộc gần đây về việc công ty có liên quan đến các vi phạm nhân quyền do ĐCSTQ tiến hành, theo hãng tin The Epoch Times.

Phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về việc ĐCSTQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở khu vực phía tây Tân Cương trong cùng tháng đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio cho biết, nhiều công ty Hoa Kỳ đã không tỉnh táo trước sự thật rằng, họ đang "thu lợi" từ sự ngược đãi của chính phủ Trung Quốc.

Hôm 10/6, ông Rubio tuyên bố: “Đã quá lâu các công ty như Nike, Apple, Amazon và Coca-Cola sử dụng lao động cưỡng bức. Họ đang hưởng lợi từ lao động cưỡng bức hoặc tìm nguồn cung ứng từ các nhà cung cấp bị nghi ngờ sử dụng lao động cưỡng bức. Thật đáng buồn, những công ty này đang khiến tất cả chúng ta đồng lõa với những tội ác này”.

Từ lâu, các tổ chức và luật sư nhân quyền uy tín, chính trực trên thế giới vẫn luôn lên án những tội ác của ĐCSTQ với chính người dân nước Trung Quốc. Họ luôn kêu gọi thế giới, đặc biệt là các chính phủ phương Tây tự do, các tập đoàn quy mô lớn đa quốc gia, và các thế lực có quyền lực có tiếng nói, cần thức tỉnh trước những cuộc đàn áp đẫm máu của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công, đối với nhóm người dân tộc thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương, đối với Phật giáo Tây Tạng hay người dân ủng hộ dân chủ tại Hong Kong, v.v.

Du Miên

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

TNS Tom Cotton chất vấn vì sao Coca-Cola 'không dám' lên án ĐCS Trung Quốc