Ủy ban Tư Pháp Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn thẩm phán Amy Barrett vào Tối cao Pháp viện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 22/10, 12 thành viên của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc đề cử thẩm phán Amy Barrett vào Tối cao Pháp viện, trong khi đảng Dân chủ tẩy chay cuộc bỏ phiếu. 

Tại cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, bà Barrett nhận được 12 phiếu thuận, 0 phiếu chống, tạo tiền đề để toàn thể Thượng viện thảo luận và bỏ phiếu phê chuẩn việc bổ nhiệm bà vào Tối cao Pháp viện vào thứ Hai ngày 26/10, theo USA Today News.

Toàn bộ 10 thượng nghị sĩ đảng Dân chủ trong ủy ban đều từ chối tham gia bỏ phiếu với hy vọng có thể ngăn cuộc bầu chọn. Thay vào đó, họ tổ chức một cuộc họp báo và đặt ảnh của những người thụ hưởng Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng trên ghế của mình trong phòng họp của ủy ban.

Tuy nhiên, uỷ ban vẫn tiến hành bỏ phiếu.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, ông Lindsey Graham, cho biết, việc đảng Dân chủ tẩy chay cuộc bỏ phiếu là "lựa chọn của họ", đồng thời nói thêm "Chúng tôi sẽ không cho phép họ kiểm soát ủy ban" và "đây là thời điểm đột phá" đối với những người bảo thủ.

Khi tuyên bố tẩy chay cuộc bỏ phiếu, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer và các nghị sĩ Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp nói rằng, việc đề cử bà Barrett "ngay từ đầu đã là một tiến trình giả tạo".

Toàn bộ phiên điều trần kéo dài khoảng một tiếng, sau đó uỷ ban tiến hành bỏ phiếu. Sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã lần lượt chỉ trích đảng Dân chủ vì đã không tham gia bỏ phiếu.

Thượng nghị sĩ John Cornyn chỉ trích việc đảng Dân chủ đặt các bức tranh trên ghế của họ là hành xử như trong "rạp hát".

Amy Coney Barrett, 48 tuổi, hiện là thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang do Tổng thống Trump bổ nhiệm và là cựu giáo sư tại Trường Luật Notre Dame.

Vào chiều ngày 26/9 tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện, sau sự ra đi của Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg.

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ (hay còn gọi là Tối cao Pháp viện) là cơ quan quyền lực nhất trong nhánh Tư pháp tại Mỹ, quyết định chiều hướng về chính sách và xã hội cho đất nước (theo hướng bảo hiến hay cấp tiến).

Chín thẩm phán của Tòa án Tối cao sẽ giữ chức vụ này trọn đời, và các phán quyết của họ có thể định hình chính sách công về mọi lĩnh vực, và có ảnh hưởng rất lâu với xã hội.

Nếu được Quốc hội Mỹ chấp thuận, Amy Coney Barrett sẽ trở thành thẩm phán nữ thứ ba tại Tối cao Pháp viện, bên cạnh 2 nữ thẩm phán Sonia Sotomayor và Elena Kagan do cựu Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama đề cử.

Bà Barrett là người được đánh giá có “sự kết hợp hoàn hảo” để trở thành thẩm phán Tối cao Pháp viện với những quan điểm sắc bén, và có thể “đối trọng” với các nữ thẩm phán của đảng Dân chủ trong Tối cao Pháp viện hiện nay.

Nguyễn Minh



BÀI CHỌN LỌC

Ủy ban Tư Pháp Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn thẩm phán Amy Barrett vào Tối cao Pháp viện