Úc xem xét Báo cáo thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc của Tòa án độc lập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thượng nghị sĩ Úc, ông Eric Abetz kêu gọi Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) có phản hồi đối với phán quyết của Tòa án độc lập xét xử Trung Quốc khẳng định rằng chính quyền Trung Quốc đang tiến hành mổ cướp nội tạng công dân nước mình.

Ông Abetz, Thượng nghị sĩ thuộc Đảng tự do đại diện cho vùng Tasmania, nói với Đài phát thanh ABC ngày 19/11 rằng DFAT đang xem xét báo cáo cuối cùng của Toà án độc lập xét xử Trung Quốc và ông đang chờ phản hồi của cơ quan này.

“Rõ ràng là những vấn đề này nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ và Ngoại trưởng Úc là bà Marise Payne. Họ có một bộ hồ sơ theo dõi hoàn chỉnh tất cả các vấn đề liên quan đến nhân quyền”, ông Abetz chia sẻ.

Ông Geoffrey Nice QC, Chủ tọa của Tòa án độc lập đã kết luận rằng việc mổ cướp nội tạng cưỡng bức hiện đang diễn ra với các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Pháp Luân Công là môn tu luyện Phật gia thượng thừa, bao gồm các bài tập thiền định và các bài giảng dựa trên nguyên lý Chân, Thiện, Nhẫn. Pháp Luân Công đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp tàn bạo một cách vô cớ trong suốt hai thập kỷ qua. Các học viên Pháp Luân Công bị bỏ tù bất hợp pháp, bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức và các trung tâm tẩy não nơi nhiều người bị tra tấn tàn bạo và bị ép từ bỏ đức tin của mình.

Tòa án cũng phát hiện ra rằng người Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương cũng có “nguy cơ” bị mổ cướp nội tạng trong khi bị giam tại các trại cải tạo của chính quyền Trung Quốc.

Ông Nice cho biết, Tòa án đã đưa ra kết luận sau khi xem xét tất cả các bằng chứng có sẵn, bao gồm cả lời khai từ hơn 50 nhân chứng tại hai phiên điều trần. Ông Nice trước đây đã từng đứng đầu trong việc truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự quốc tế.

Tham gia cùng ông trong phiên điều trần là sáu chuyên gia quốc tế về lĩnh vực luật pháp, phẫu thuật cấy ghép, chính trị quốc tế, lịch sử Trung Quốc và kinh doanh. Trung Quốc đã từ chối khi được mời tham gia phiên điều trần này.

“Chắc chắn báo cáo đó là chính xác”, ông Abetz nói, “Tôi tin rằng chính phủ Úc và cộng đồng quốc tế cần có lập trường mạnh mẽ và tuyên bố với chính quyền Trung Quốc rằng những gì họ đang làm là bất hợp pháp, đó là hành vi vi phạm mọi quyền cơ bản của con người”.

Theo kết luận của Tòa án, hàng năm ước tính khoảng 60.000 đến 90.000 ca phẫu thuật cấy ghép được thực hiện tại các bệnh viện Trung Quốc, vượt xa con số mà chính quyền Trung Quốc thông báo là từ 10.000 đến 20.000 mỗi năm.

Anh Matthew Robertson, nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Úc (ANU), vừa công bố báo cáo nghiên cứu trên tạp chí BMC Medical Ethics vào ngày 14/11 rằng số lượng hiến tạng mà Bắc Kinh báo cáo là không tăng và có chứng cứ rất thuyết phục rằng con số mà họ đưa ra là sai.

Đồng tác giả của báo cáo nghiên cứu, ông Jacob Lavee, giáo sư phẫu thuật tại Đại học Tel Aviv, nói với The Epoch Times qua email rằng bằng cách áp dụng pháp y thống kê trên các bộ dữ liệu hiến tạng chính thức của Trung Quốc, nghiên cứu phát hiện ra các số liệu gần như chính xác với công thức toán học - hàm bậc hai.

Thượng nghị sĩ Abetz nói rằng việc vi phạm nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc là sự biểu hiện của tội ác diệt chủng và việc vi phạm này còn mở rộng sang các nhóm tôn giáo khác ở Trung Quốc.

“Bằng chứng rõ rành rành ở đó là Pháp Luân Công dường như là mục tiêu chính, các tín đồ Phật giáo, người Ngô Duy Nhĩ, Kitô hữu, và các tù nhân khác, là các đối tượng bị mổ cướp nội tạng. Đó là một tội ác cực kỳ dã man, cần phải bị lên án”, ông nói.

Quan hệ đối tác nhân quyền Trung Quốc bị đóng lại

Vào tháng 8, DFAT lặng lẽ đình chỉ quan hệ đối tác nhân quyền kéo dài hai thập kỷ với Trung Quốc vì Bắc Kinh giam giữ hàng loạt người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ.

Quan hệ này được thiết lập giữa DFAT, Ủy ban Nhân quyền Úc và Bộ Ngoại giao Trung Quốc để thúc đẩy việc cải cách nhân quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thủ tướng Úc, ông Scott Morrison nói với Đài phát thanh FiveAA rằng “Chương trình hợp tác chưa đạt được kết quả như mong muốn”.

Trong khi đó, hai chính trị gia thuộc Đảng Tự do Úc, Nghị sĩ Tây Úc Andrew Hastie và Thượng nghị sĩ bang Victoria James Paterson đã bị từ chối nhập cảnh vào Bắc Kinh để tham dự khóa học ba ngày.

Ông Hastie đã lên tiếng chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ tại Úc khi so sánh phản ứng của phương Tây về sự trỗi dậy của Trung Quốc với sự thất bại của Pháp trong việc cản trở các bước tiến của Đức Quốc xã. Vào tháng 8, ông đã bị chính quyền Trung Quốc chỉ trích.

Ông Paterson đã lên tiếng về các nguy cơ do ảnh hưởng của nước ngoài tại các trường đại học Úc và vấn đề bạo lực leo thang ở Hồng Kông. Ông nói ông sẽ tiếp tục lên tiếng với những hành động tương tự của Bắc Kinh.

“Nếu việc thẳng thắn nêu ra các quan ngại của chúng tôi về mối quan hệ với Trung Quốc phải trả giá bằng việc bị cấm nhập cảnh, thì đó là cái giá mà tôi và Andrew sẵn sàng trả”, ông Paterson nói với hãng tin ABC.

Thùy Minh

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Úc xem xét Báo cáo thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc của Tòa án độc lập