Úc bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh về Biển Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vừa qua, chính phủ Úc chính thức tuyên bố các yêu sách hàng hải chính của Trung Quốc tại Biển Đông “không có cơ sở pháp lý” và không hợp lệ.

Động thái này được đưa ra sau khi Hoa Kỳ chính thức bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh đối với Biển Đông hồi đầu tháng này.

Trong một tuyên bố đệ trình tại Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York vào ngày 23/7, chính phủ Úc bác bỏ bất kỳ yêu sách nào của chính quyền Trung Quốc đối với các khu vực quan trọng của Biển Đông không phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) (pdf).

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra yêu sách đối với hầu hết các khu vực thuộc Biển Đông, gọi tên khu vực đó là “đường chín đoạn”. Đó là một đường phân định hình chữ U mơ hồ, đi sâu vào các khu vực lãnh hải nơi họ tuyên bố “quyền lịch sử” đối với các tài nguyên biển ở đây.

Trong tuyên bố chính thức (pdf), Đại sứ Úc tại LHQ khẳng định nước này “phủ nhận các yêu sách của Trung Quốc về ‘quyền lịch sử’, hay ‘quyền và lợi ích hàng hải’ được thiết lập trong ‘quá trình dài của lịch sử thực tiễn’ ở Biển Đông”.

Tương tự như Hoa Kỳ, Úc đã viện dẫn phán quyết năm 2016 bởi một tòa án trọng tài ở The Hague cho thấy, các tuyên bố của ĐCSTQ về các quyền lịch sử đối với tài nguyên ở Biển Đông trong vùng biển có tranh chấp với Philippines là “không có cơ sở pháp lý”. Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã không thừa nhận quyết định của tòa án, nói rằng điều đó là “vô nghĩa và không có giá trị”.

Tuyên bố của Úc cho biết: “Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc vẽ đường phân định nối các điểm ngoài cùng của các khu vực lãnh hải hoặc 'nhóm đảo' ở Biển Đông, bao gồm cả Trường Sa, Hoàng Sa, Đông Sa (Pratas Islands) và bãi Macclesfield hoặc 'lục địa' hoặc các quần đảo 'xa xôi hẻo lánh'”.

“Nước Úc bác bỏ mọi yêu sách [của ĐCSTQ] đối với vùng biển nội địa, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên các đường phân định này”.

Chính phủ Úc cũng phủ nhận các yêu sách chủ quyền của ĐCSTQ đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa mà chính quyền này tự nhận là “được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi”. Đại sứ Úc tại LHQ trích dẫn các cuộc biểu tình gần đây của Việt Nam và Philippines đối với các tuyên bố của ĐCSTQ tại khu vực này.

Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã xây dựng các đảo nhân tạo được trang bị các căn cứ hải quân và không quân ở các khu vực xung quanh quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa, trong một nỗ lực rõ ràng để khẳng định yêu sách của mình đối với các khu vực, bên cạnh việc tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Biển Đông.

Bức ảnh này được chụp vào ngày 14/7/2016 cho thấy một người đàn ông đi ngang qua một tấm áp phích treo hình bản đồ Trung Quốc với “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò”, đánh dấu khu vực lãnh hải mà ĐCSTQ cố tình tuyên bố chủ quyền xâm lấn ở Biển Đông trên một con phố ở Weifang, phía đông tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. (Ảnh bởi STR / AFP qua Getty Images)
Bức ảnh này được chụp vào ngày 14/7/2016 cho thấy một người đàn ông đi ngang qua một tấm áp phích treo hình bản đồ Trung Quốc với “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò”, đánh dấu khu vực lãnh hải mà ĐCSTQ cố tình tuyên bố chủ quyền xâm lấn ở Biển Đông trên một con phố ở Weifang, phía đông tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. (Ảnh bởi STR / AFP qua Getty Images)

Các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại khu vực Biển Đông giàu tài nguyên bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

“Chính phủ Úc khuyến khích tất cả các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm cả Trung Quốc, làm rõ các ranh giới lãnh hải của họ và giải quyết các mâu thuẫn một cách hòa bình, tuân theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là bộ luật UNCLOS”, trích tuyên bố của Úc.

Bàn tuyên bố này được đưa ra trước cuộc hội đàm cấp cao “AUSMIN” giữa Úc và Hoa Kỳ tại Washington vào ngày 28/7, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynold và Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne của Úc sẽ gặp Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper của Hoa Kỳ.

“Úc và Hoa Kỳ có chung một quyết tâm kiên định để giữ cho vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương an toàn, cởi mở, thịnh vượng, bao quát và dựa trên các quy tắc chung. Chưa bao giờ điều này lại quan trọng như vậy khi chúng ta, với tư cách là đồng minh, cần tìm mọi cách có thể để thúc đẩy lợi ích chung”, ông Pay Payne và Reynold đã viết trong một tuyên bố khen ngợi mối quan hệ của Úc và Hoa Kỳ trước cuộc đàm phán.

Họ nhấn mạnh rằng đã có những “hành động cưỡng chế ở Biển Đông”, điều này “tiếp tục tạo ra những căng thẳng gây bất ổn cho khu vực”.

Không công khai đề cập tới chính quyền ĐCSTQ, hai Bộ trưởng Úc Payne và Reynold cũng nhấn mạnh các vấn đề an ninh quan trọng khác ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như: luật an ninh mới áp đặt tại Hong Kong gần đây, các cuộc tấn công mạng gia tăng và “hành vi bóp méo thông tin từ các tác nhân vụ lợi... những kẻ đã lợi dụng cuộc khủng hoảng [đại dịch] COVID-19 để phá hoại các hệ thống dân chủ và gây ra sự phân cực xã hội”.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Úc bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh về Biển Đông