TT Trump tiếp tục chỉ trích Trung Quốc, hàm ý muốn ‘tách rời’ kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Càng gần đến cuộc bầu cử, Tổng thống Donald Trump càng nhắm mục tiêu vào chính quyền Bắc Kinh, nhấn mạnh sự cần thiết của việc “tách rời” - thuật ngữ mà ông thường sử dụng gần đây khi nhắc đến việc “chia tay” với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

"Cho dù đó là tách rời hay áp đặt các mức thuế cao như tôi đã làm, chúng ta sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, vì chúng ta không thể dựa vào Trung Quốc", ông Trump nói vào ngày 7/9 trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng.

Ông cho biết thêm: “Và tôi không muốn họ xây dựng một quân đội giống như họ đang xây dựng ngay bây giờ, [khi mà] họ đang sử dụng tiền của chúng ta để xây dựng nó”.

Theo một báo cáo mới của Lầu Năm Góc, quân đội Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ trong lĩnh vực đóng tàu, phòng không và phát triển tên lửa đất đối đất. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh đối với chính quyền Washington.

Theo thông tin trước đó từ Fox News, Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc có kế hoạch tăng gấp đôi kho dự trữ đầu đạn hạt nhân trong vòng 10 năm tới, với khả năng những đầu đạn được thiết kế cho tên lửa đạn đạo có thể bay đến Mỹ. Lầu Năm Góc cho biết dự báo tăng trưởng dựa trên các yếu tố, như Bắc Kinh có đủ nguyên liệu để tăng gấp đôi kho dự trữ mà không cần sản xuất nguyên liệu phân hạch mới.

Báo cáo nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tìm cách tạo ra một môi trường quốc tế “thuận lợi” cho quá trình “trẻ hóa” quốc gia. Họ đã quyết định các lực lượng vũ trang của họ nên đóng một vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại của họ. Việc mở rộng lực lượng hạt nhân của Trung Quốc là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm khẳng định sức mạnh vượt trội trên trường quốc tế, với mục tiêu sánh ngang hoặc vượt qua Mỹ trong tư cách là siêu cường toàn cầu vào năm 2049.

Trong cuộc họp báo ngày 7/9, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Bạn có thể thấy họ đang xây dựng một quân đội hùng mạnh”. Ông cũng nói thêm rằng nguồn tiền khổng lồ mà ĐCSTQ đầu tư cho quốc phòng được tài trợ thông qua hàng tỷ USD bị mất trong các giao dịch thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc.

“Nếu chúng ta không giao thương với họ, chúng ta sẽ không mất hàng tỷ USD. Có nghĩa là chúng ta cần ‘tách rời’. Vì vậy, bạn nên bắt đầu suy nghĩ về nó", ông Trump nói.

Chính sách đối ngoại với Trung Quốc là một chủ đề lớn trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020, khi thiện cảm của dư luận Mỹ đối với ĐCSTQ đạt mức thấp kỷ lục. Các mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đã rạn nứt sâu sắc do căng thẳng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại, nhân quyền, Hong Kong và sự bùng phát virus Corona Vũ Hán.

Tổng thống Trump cam kết chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và mang lại 1 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Để làm được điều đó, ông ấy đề xuất cung cấp các khoản tín dụng thuế cho các công ty và cho phép "chiết khấu 100% cho các ngành thiết yếu như dược phẩm và robot". Ông cũng không cung cấp hợp đồng liên bang cho các công ty thuê nhân lực tại Trung Quốc.

Cũng trong cuộc họp báo này, ông Trump đã nêu ra tương phản giữa mình với đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden và khẳng định ông Biden là "con tốt" của Trung Quốc.

Mỹ tước thị thực hơn 1.000 người Trung Quốc do dính líu đến quân đội
Tổng thống Donald Trump yêu cầu hạn chế việc nhập cảnh của một số sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc. Ảnh: White House.

Ông nhấn mạnh: “Nếu Biden thắng, [thì] Trung Quốc thắng, vì Trung Quốc sẽ làm chủ đất nước này”.

Trong một nỗ lực nhằm vượt mặt Tổng thống Trump và các đảng viên Cộng hòa về chính sách đối ngoại với Trung Quốc, ông Biden cũng đang cố gắng hạn chế các mối quan hệ kinh tế.

Trong một phần của chương trình nghị sự nhiệm kỳ đầu tiên của mình, cựu Phó Tổng thống Biden hứa hẹn sẽ đầu tư 400 tỷ USD (hơn 9,27 triệu tỷ VNĐ) từ nguồn vốn liên bang để mua thêm các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ. Chính sách của ông chủ yếu dựa vào sức mua của liên bang để kích cầu và tạo ra thị trường nội địa để hỗ trợ các nhà sản xuất Hoa Kỳ. Chiến dịch của ông Biden tuyên bố rằng chiến lược của ông có thể giúp tăng thêm 2 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất.

'Tách rời chỉ là cường điệu'

Theo nhà kinh tế châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ Derek Scissors, tuy khái niệm phân tách kinh tế đã nhận được rất nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây, nhưng bản thân nó “lại không có tiến triển gì”.

Bản thân ông Scissors là một trong những người ban đầu ủng hộ việc tách rời kinh tế Mỹ-Trung. Nhưng tới nay, ông nhận định rằng chính sách hiện tại của Mỹ vẫn gắn liền vào mối quan hệ kinh tế sâu sắc với Trung Quốc, thông qua thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" được ký kết hồi tháng Một năm nay.

Phát biểu trong chương trình “NTD Business”, ông cho biết: “Cho đến khi chúng ta có thể nhìn nhận rằng [thỏa thuận] ‘Giai đoạn 1’ là một ý tưởng tồi từ phía chúng ta, việc tách rời chỉ là sự cường điệu”.

Ông Scissors nhấn mạnh, đã có một số bước hướng tới việc tách rời công nghệ giữa Mỹ và Trung thông qua quy trình thiết lập danh sách đen các thực thể Trung Quốc, trong đó yêu cầu các công ty Mỹ phải có giấy phép của chính phủ trước khi xuất khẩu cho các công ty Trung Quốc có tên trong danh sách này.

Danh sách hiện có hơn 275 công ty có trụ sở tại Trung Quốc, bao gồm Huawei, ZTE và Hikvision. Theo ông Scissors, chính quyền Tổng thống Trump đang tăng cường sử dụng công cụ này để trừng phạt các thực thể Trung Quốc nhưng các bước này “chưa cho kết quả cụ thể nào”.

“Chúng ta chưa biết kết quả của quá trình đó. Chúng ta biết là phải đăng ký giấy phép, nhưng có thể tất cả mọi người đều nhận được giấy phép, chúng ta đều không biết”, ông nói.

Hoa Kỳ cũng chưa có bất kỳ sự tách rời tài chính nào khỏi Trung Quốc.

Hạn mức đầu tư của các công ty Hoa Kỳ vào Trung Quốc “đạt kỷ lục vào tháng 12 năm ngoái trước [đại dịch] COVID và đạt mức cao thứ 2 vào tháng Năm năm nay,” nhà kinh tế cho biết.

Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 không giải quyết các khoản trợ cấp nhà nước và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ (IP) của ĐCSTQ. Đây là những mối quan tâm hàng đầu của chính quyền ông Trump, cũng là động lực kích thích chiến tranh thương mại. Những vấn đề quan trọng này trong quan hệ Mỹ - Trung đã bị bỏ qua trong các cuộc đàm phán tương lai.

Đảng Dân chủ là thực thể chủ nghĩa cộng sản, và con đường xã hội chủ nghĩa dân chủ mà họ nỗ lực che đậy và theo đuổi hàng thập kỷ qua, giờ đây đang bộc lộ rộng rãi. (Getty)
Đảng Dân chủ là thực thể chủ nghĩa cộng sản, và con đường xã hội chủ nghĩa dân chủ mà họ nỗ lực che đậy và theo đuổi hàng thập kỷ qua, giờ đây đang bộc lộ rộng rãi. (Getty)

Ông Scissors nhận định sẽ không có vấn đề hóc búa nào được giải quyết. Trong một bài báo gần đây, ông đưa ra trường hợp tách một phần khỏi Trung Quốc và vạch ra các khuyến nghị của mình.

Bài báo viết: “Tách rời là một hành động thừa nhận rằng Mỹ nên từ bỏ nỗ lực mơ hồ để thay đổi ĐCSTQ, mà thay vào đó nên hạn chế và thu hẹp mối quan hệ kinh tế trong một thời gian vô định, bởi vì những phần có hại của nó”.

Trong thập kỷ qua, bằng cách sử dụng hàng trăm tỷ USD trợ cấp của chính phủ Liên bang Hoa Kỳ, Trung Quốc đã tạo ra các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn trong các ngành công nghiệp chủ chốt.

Theo báo cáo, 20 công ty trong danh sách Fortune 100 là các DNNN của Trung Quốc. 11 công ty trong số đó được hưởng các ưu đãi pháp lý cấm đối thủ cạnh tranh và 9 công ty còn lại được đảm bảo sẽ không bao giờ bị dừng kinh doanh. Do đó, các khoản trợ cấp của nhà nước Trung Quốc khiến quan hệ kinh tế Mỹ - Trung mất cân bằng vì những chi phí mà các công ty Mỹ phải chịu.

Bài báo cũng nhấn mạnh rằng, sự thịnh vượng của người Mỹ kết hợp với việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ tự nguyện và không tự nguyện đã giúp Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa lớn mạnh.

Bài báo cho biết: “Việc làm chậm dòng tiền và công nghệ sẽ làm giảm khả năng xảy ra một cuộc xung đột quân sự mang tính hủy diệt”.

Chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc Gordon Chang cũng thúc giục Tổng thống Trump cần nhanh chóng tách rời khỏi mối quan hệ kinh tế nhạy cảm với Trung Quốc, nhất là khi mối quan hệ ấy càng giúp cho chính quyền thù địch này tích lũy nguồn tài lực phục vụ mục đích “tái cơ cấu quân đội để giết người Mỹ”.

Ông khẳng định: “Chúng ta không nên dùng [tài nguyên] thương mại và đầu tư của chúng ta để làm giàu thêm cho một chính quyền thù địch. Tôi tin rằng chúng ta nhất định phải ‘chia tay’ [với Trung Quốc] trong năm nay”.

Nhà phân tích Chang đánh giá rằng ĐCSTQ sẽ tìm cách thúc đẩy mọi thứ theo tiến độ nhanh nhất có thể, và như vậy thế giới sẽ không cần chờ tới năm 2030 mà sẽ được “mục sở thị” các vấn đề ngay bây giờ. Trên thực tế, ông nhận định chính quyền độc tài này đang nỗ lực để “thay đổi hệ thống quốc tế, chứ không phải để cạnh tranh” với phần còn lại của thế giới.

Du Miên

Theo The Epoch Times

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

TT Trump tiếp tục chỉ trích Trung Quốc, hàm ý muốn ‘tách rời’ kinh tế