TT Trump lên án chính sách kiểm duyệt tự do ngôn luận của Big Tech

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Trump đã viết: “Twitter đang trở nên điên cuồng với những cảnh báo, cố gắng hết sức để ngăn chặn sự thật. [Việc này] chỉ càng cho thấy mức độ nguy hiểm của họ, cố tình bóp nghẹt tự do ngôn luận".

Vào đêm Giáng sinh 24/12 tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã lặp lại những lo ngại của ông về việc các chính sách kiểm duyệt nội dung của Big Tech, chỉ một ngày sau khi ông phủ quyết dự luật chi tiêu quốc phòng NDAA 2021. Lý do ông phủ quyết dự luật này là vì, Quốc hội Mỹ đã không loại bỏ các biện pháp bảo vệ những công ty mạng xã hội ở Thung lũng Silison khỏi phải chịu trách nhiệm đối với các chính sách về đăng tải và kiểm duyệt nội dung trên nền tảng của họ.

Trong một bài đăng trên Twitter vào tối ngày 24/12, Tổng thống Trump đã viết: “Twitter đang trở nên điên cuồng với những cảnh báo của họ, cố gắng hết sức để ngăn chặn sự thật. [Việc này] chỉ càng cho thấy mức độ nguy hiểm của họ, cố tình bóp nghẹt tự do ngôn luận. Rất nguy hiểm cho Đất nước chúng ta. Quốc hội có biết rằng đây là cách mà Chủ nghĩa Cộng sản bắt đầu không?".

Ông nhấn mạnh: “Hủy diệt Văn hóa ở mức tồi tệ nhất. Chấm dứt mục 230!".

Những lời này khiến người ta liên tưởng đến chiến dịch Đại Cách mạng Văn hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào những thập niên 50 và 60 của thế kỷ 20.

Tổng thống Trump và chính quyền của ông đã nhiều lần nhấn mạnh những rủi ro của việc kiểm soát nội dung người dùng thiếu công bằng trên các trang mạng xã hội. Họ tuyên bố, các công ty này đang thực hiện hành vi hạn chế quan điểm của các nhà chính trị theo quan điểm truyền thống, và ngăn cản quyền tự do ngôn luận.

Đương kim Tổng thống Hoa Kỳ và Bộ Tư pháp Mỹ đã thúc giục Quốc hội loại bỏ các biện pháp bảo vệ pháp lý theo Mục 230 của Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông (Communications Decency Act) vào năm 1996 đối với các công ty đã tham gia kiểm duyệt hoặc có hành vi chính trị.

Mục 230 hầu như miễn trừ toàn bộ trách nhiệm pháp lý cho các nền tảng trực tuyến đối với nội dung do người dùng của họ đăng tải, mặc dù họ có thể phải chịu trách nhiệm về nội dung vi phạm luật sở hữu trí tuệ hoặc chống buôn bán tình dục.

Luật này cho phép các công ty mạng xã hội chặn hoặc sàng lọc nội dung "một cách thiện chí" nếu họ coi đó là nội dung "tục tĩu, dâm ô, khiêu dâm, bẩn thỉu, bạo lực quá mức, quấy rối hoặc phản cảm". Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ không nhằm mục đích áp dụng cho các nhà cung cấp dịch vụ muốn hoạt động như thể là một nhà xuất bản hơn là các nền tảng trực tuyến, Tổng chưởng lý mãn nhiệm William Barr cho biết trong một bài phát biểu hồi tháng Năm.

Trước và sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11, Twitter đã tăng cường kiểm soát các bài đăng của Tổng thống và những người dùng khác vì các cáo buộc gian lận bầu cử. Trong bản cập nhật ngày 12/11, gã trùm mạng xã hội cho biết đã áp dụng nhãn đánh dấu, cảnh báo và các hạn chế khác cho khoảng 300.000 bài đăng từ ngày 27/10 đến ngày 11/11, đối với nội dung mà họ phân loại là “gây tranh cãi và có khả năng gây hiểu lầm”. Con số này chiếm khoảng 0,2% tất cả các bài đăng liên quan đến bầu cử Hoa Kỳ đăng tải trong khoảng thời gian đó.

Một loạt bài đăng của Tổng thống Trump về gian lận bầu cử đều có dán nhãn: "Tuyên bố này về gian lận bầu cử còn đang tranh cãi". Ví dụ: cảnh báo của Twitter cho bài đăng ngày 22/11 của Tổng thống Trump nêu rõ: “Ở một số bang nhất định, số phiếu bầu còn nhiều hơn số người đi bỏ phiếu, và [khác biệt] với số lượng lớn. Điều đó không thực sự nghiêm trọng sao? Ngăn chặn quan sát viên bầu cử, bỏ phiếu thay cho những người không nhận thức rõ [tình huống], lá phiếu giả và nhiều hơn thế nữa. Hành vi nghiêm trọng như vậy. Chúng ta sẽ thắng!".

Sau ngày 14/12, gã khổng lồ mạng xã hội đã dán nhãn một số bài đăng với nội dung rằng: "Các quan chức bầu cử đã xác nhận ông Joe Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ", mặc kệ việc một số tranh chấp pháp lý chống lại kết quả bầu cử năm 2020 còn đang chờ giải quyết, một số đã được đệ trình lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

Hôm 23/12, Tổng thống Trump đã thực hiện lời hứa sẽ phủ quyết dự luật chi tiêu quốc phòng, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA), vì nó không thực hiện thay đổi đối với mục 230, kèm nhiều lý do khác. Ông nhận định, dự luật này giống như một "phần quà" dành cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và Nga.

Tuyên bố hôm 23/12 của ông nêu rõ: “Thật không may, Đạo luật không kèm theo các biện pháp an ninh quốc gia quan trọng, bao gồm các điều khoản không tôn trọng các cựu chiến binh và lịch sử quân đội của chúng ta, và còn mâu thuẫn với những nỗ lực của Chính quyền của tôi nhằm đặt nước Mỹ lên hàng đầu trong các hành động thuộc chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của chúng tôi”.

Bộ Tư pháp cũng tích cực khuyến khích các nhà lập pháp xem xét việc sửa đổi những gì họ mô tả là đạo luật “lỗi thời”. Bộ này đã đưa ra một loạt các đề xuất vào đầu năm 2020 nhằm hạn chế các biện pháp bảo vệ pháp lý trên diện rộng đối với các nền tảng trực tuyến, nhằm nỗ lực thúc đẩy các công ty công nghệ giải quyết nội dung bất hợp pháp và khiến họ phải kiểm duyệt nội dung một cách có trách nhiệm.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng thúc giục các nhà lập pháp xem xét đề xuất cập nhật Mục 230 vào tháng Mười, khi Twitter bắt đầu ngăn chặn một loạt bài của New York Post tiết lộ về các giao dịch kinh doanh với ngoại quốc của Hunter Biden, con trai của ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden.

Trong một bức thư mà giới truyền thông có được, Trợ lý Tổng chưởng lý Stephen E. Boyd đã viết: “Những sự kiện xảy ra trong những ngày gần đây khiến việc cải cách càng trở nên cấp thiết hơn. Các nền tảng trực tuyến lớn ngày nay có quyền lực to lớn đối với thông tin và quan điểm tiếp cận người dân Mỹ. Do đó, điều quan trọng là họ phải trung thực và minh bạch với người dùng về cách họ sử dụng quyền lực đó. Và khi họ không làm như vậy, điều cấp thiết là họ phải chịu trách nhiệm”.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

TT Trump lên án chính sách kiểm duyệt tự do ngôn luận của Big Tech