Truyền‌ ‌thông‌ ‌Mỹ:‌ ‌Nếu‌ ‌Trung‌ ‌Quốc‌ ‌là‌ ‌một‌ ‌doanh‌ ‌nghiệp,‌ ‌'CEO'‌ ‌Tập‌ ‌Cận‌ ‌Bình‌ ‌đã‌ ‌sớm‌ ‌bị‌ ‌sa‌ ‌thải‌ ‌

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dịch bệnh virus Corona Vũ Hán bùng phát đã làm dấy lên một làn sóng đòi truy cứu trách nhiệm của chính phủ Trung Quốc trên toàn cầu. Bên cạnh đó, việc Bắc Kinh thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong cũng khiến các nước phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, liên tục đưa ra các lệnh trừng phạt mạnh mẽ. Một liên minh quốc tế chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang dần được hình thành. Trong bài viết đăng trên truyền thông Mỹ, Giáo sư tài chính định lượng George Calhoun đã nói rằng nếu ông Tập Cận Bình là CEO của một công ty, ông đã bị sa thải từ lâu.

Gần đây, tạp chí Forbes đã xuất bản một bài viết của Giáo sư tài chính định lượng Calhoun, thuộc Viện Công nghệ Stevens. Trong bài viết, ông nói rằng ĐCSTQ luôn có ý đồ thúc tiến chiến lược “hai bàn tay”: dốc sức trở thành một siêu cường và cố gắng thiết lập một thể chế tài chính cùng nền kinh tế hiện đại.

Bài báo nói rằng sau nhiều thập kỷ phát triển, Trung Quốc đã trở thành "công xưởng thế giới". Trước đây, các nhà lãnh đạo Mỹ không coi ĐCSTQ là mối uy hiếp và sẵn sàng ủng hộ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Họ cũng tin rằng sự thịnh vượng của nền dân chủ Trung Quốc sẽ được cải thiện và cuối cùng trở nên văn minh, cởi mở như các nước phương Tây. Nhưng mọi thứ đã đi ngược lại.

Sau khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi từ suy giảm, Bắc Kinh đã “cắn trả” lại cộng đồng quốc tế vốn đã nuôi dưỡng ĐCSTQ, và liên tục củng cố vũ khí quân sự và gia tăng tính uy hiếp.

Giáo sư Calhoun nói rằng sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, ông đã có thái độ quyết liệt hơn về địa chính trị. Ông Tập bỏ qua tác động đến phát triển kinh tế, bao gồm sử dụng các phương pháp vụng về để xử lý sự cố Huawei, áp thuế chống bán phá giá đối với Úc sau khi nước này đề xướng điều tra độc lập nguồn gốc virus Corona Vũ Hán, tranh chấp biên giới gần đây với Ấn Độ…, những sự việc này đều là trở ngại đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Bài báo cho rằng ĐCSTQ đã phạm phải những sai lầm tồi tệ nhất trong 10 năm qua, đặc biệt là trong việc đàn áp luật pháp và kinh tế của Hong Kong. Hong Kong có thể trở thành trung tâm tài chính quốc tế lớn thứ ba toàn cầu là nhờ vào sự tín nhiệm của các cơ quan quản lý và chế độ công bằng của Hong Kong. Đây cũng là nền tảng cho sự thành công của Hong Kong trong nhiều năm qua.

Hong Kong xử lý hơn 70% giao dịch quốc tế bằng nhân dân tệ, là kênh chính để dòng vốn chảy vào và ra khỏi Trung Quốc. Hơn 60% vốn đầu tư nước ngoài vào đại lục đều phải thông qua Hong Kong. Hong Kong cũng là điểm mấu chốt cuối cùng quyết định đồng Nhân Dân Tệ có thể trở thành tiền tệ chủ yếu sánh ngang với đồng đô-la Mỹ hay Euro hay không. Nếu Hong Kong - vốn như là "huyết mạch của Trung Quốc" phá hủy hệ thống tài chính của chính họ hoặc làm đồng Nhân dân tệ mất giá, việc ấy sẽ đe dọa giá trị của đồng đô-la Hong Kong, hoặc thậm chí làm đô-la Hong Kong biến mất hoàn toàn.

Kể từ khi chủ quyền của Hong Kong được chuyển giao cho Bắc Kinh, các công ty đại lục đã huy động được hơn 350 tỷ USD vốn thông qua công khai phát hành cổ phiếu lần đầu ở Hong Kong. Hong Kong rất quan trọng đối với các doanh nghiệp đại lục, hơn nữa sáng kiến ‘một vành đai, một con đường’ mà Trung Quốc chủ trương trong những năm gần đây cũng được kết toán bằng USD, vậy nên nếu ĐCSTQ kiểm soát hoàn toàn Hong Kong, nó có thể có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến ngành tài chính của đại lục.

Giáo sư Calhoun nói, nhưng đánh giá sai lầm của ông Tập đối với Hong Kong sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài không còn tín nhiệm Hong Kong như một báu vật vô giá, và nó cũng sẽ mang lại những tác động kinh tế tiêu cực dài hạn cho Trung Quốc.

Việc vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ không chỉ khiến hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Hoa Kỳ hợp lực đối kháng, mà còn khiến các nước phương Tây đoàn kết chống lại ĐCSTQ và coi ĐCSTQ là "thế lực xấu xa trên thế giới".

Bài báo nói rằng, ông Tập không hiểu về hoạt động tài chính. Để đạt được lợi ích quốc tế, cần phải có được tôn trọng và công bằng với nhau. Nếu Trung Quốc là một doanh nghiệp và ông Tập là Giám đốc Điều hành (CEO) nhưng lại phạm các sai lầm liên tiếp, ban giám đốc có thể đã bãi nhiệm từ lâu. Bài báo cũng cho rằng ngay cả khi ông Tập thoái vị, tất cả những thiệt hại mà Hong Kong phải hứng chịu là không thể vãn hồi được. Một khi "nền tài chính kỳ diệu" của Hong Kong phải trải qua 2 thế kỷ mới kiến lập được mất đi, nó sẽ không thể lấy lại được.

Nhà báo Hong Kong Phan Tiểu Đào (Pan Xiaotao) đã có bài bình luận rằng, hầu hết những gì giáo sư Colhoun nói là chính xác. Sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức, ông đã thay đổi cách làm ‘không để lộ tài năng’ của người lãnh đạo đảng tiền nhiệm Đặng Tiểu Bình. Ông đã giương cờ ở khắp mọi nơi và tạo ra kẻ thù xung quanh, từ đó đặt dấu chấm hết cho sự phát triển và vươn lên một cách hoà bình của Trung Quốc trên trường quốc tế. Ngoài ra, quan hệ Trung Mỹ rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Những điều này hoặc ít hoặc nhiều đều có liên quan tới chính sách của Trung Quốc.

Còn về Hong Kong, tầm quan trọng của Hong Kong đối với các công ty Trung Quốc và thậm chí đối với nền kinh tế Trung Quốc là điều hai năm rõ mười. Từ Dự luật dẫn độ tới Luật an ninh quốc gia hiện nay, đều đang biến Hong Kong trở thành một thành phố bình thường của Trung Quốc, mất đi giá trị và sự tôn trọng đáng có của cộng đồng quốc tế. Đây là một sự thật rõ ràng và nó cũng do quyết sách của ĐCSTQ gây ra.

Tuy nhiên, nhà báo Phan Tiểu Đào không đồng ý với tuyên bố rằng ông Tập Cận Bình sẽ bị sa thải nếu là CEO của công ty.

Ông Phan nói rằng vì ông Tập Cận Bình không chỉ là Giám đốc Điều hành (CEO) mà còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Tập cũng kiêm các vị trí quan trọng như COO (cũng là Giám đốc Điều hành, nhưng là cấp dưới của CEO), CFO (Giám đốc Tài chính), Tổng giám đốc, Giám đốc Nhân sự và Giám đốc Quan hệ Công chúng v.v., hầu hết các vị trí quan trọng khác trong công ty ông đều nắm giữ, bao gồm cả các thành viên hội đồng quản trị cũng là người của ông ấy. Vậy thì ai có thể sa thải ông? Các công ty khác có thể có cơ hội sa thải chứ công ty Trung Quốc thì không!

Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, Trung Quốc đi tới bước ngày hôm nay chủ yếu là do chính quyền của ông Tập Cận Bình đang cố bảo vệ ĐCSTQ đến chết, dẫn đến những động thái khó hiểu thường xuyên xảy ra, từ đó dấy lên làn sóng chống ĐCSTQ rộng khắp cả trong và ngoài nước. Nguyên nhân căn bản của vấn đề là nằm ở thể chế ĐCSTQ này. Chừng nào ĐCSTQ chưa tan rã, đưa ai lên làm ‘ông chủ’ của Trung Quốc thì cũng sẽ như nhau. Chỉ khi ĐCSTQ giải thể, Trung Quốc mới có thể có lối thoát.

Minh Thanh

Theo NTDTV



BÀI CHỌN LỌC

Truyền‌ ‌thông‌ ‌Mỹ:‌ ‌Nếu‌ ‌Trung‌ ‌Quốc‌ ‌là‌ ‌một‌ ‌doanh‌ ‌nghiệp,‌ ‌'CEO'‌ ‌Tập‌ ‌Cận‌ ‌Bình‌ ‌đã‌ ‌sớm‌ ‌bị‌ ‌sa‌ ‌thải‌ ‌