Truyền thông Đài Loan tóm tắt mô hình chống dịch toàn cầu: 'Phong thành' khiến tình hình thảm hại hơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời kỳ đầu khi dịch viêm phổi Vũ Hán mới bùng phát, đa phần mọi người đều tin rằng cách ly là phương thức hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng luôn cổ xuý các nước làm theo hình thức “phong thành" cực đoan của họ. Nhưng nửa năm sau, nhận thức của mọi người đã dần thay đổi. Truyền thông Đài Loan đã phân tích các mô hình phòng chống dịch bệnh điển hình được ba nước áp dụng, và cho rằng "cưỡng chế phong thành" sẽ phải trả bằng cái giá nặng nề hơn là “không phong thành".

Vào ngày 2/8, một bài bình luận đăng trên tờ UP Media của Đài Loan đã chọn ra ba ví dụ điển hình từ các mô hình phòng chống dịch bệnh được các quốc gia áp dụng để phân tích, gồm Trung Quốc, Thụy Điển và Hoa Kỳ.

Bài báo nói rằng ĐCSTQ đã áp dụng một "mô hình đình trệ kinh tế" điển hình là "phong hộ, phong thành, phong sản nghiệp" (tức là nhốt người dân trong nhà, phong tỏa thành phố và đóng cửa các ngành công nghiệp sản xuất). Chính quyền đã phong tỏa từ các hộ gia đình, tòa nhà, khu dân cư, cho đến cả thành phố, tạm ngưng các hoạt động giao thông, thậm chí đóng đinh cửa nhà dân và hàn chết kín cổng ra vào của tòa nhà;

ĐCSTQ tuyên bố đây là "phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn virus" và khoe khoang rằng nó "làm gương cho thế giới để chống lại dịch bệnh". Tuy nhiên, vào ngày 11/6, chỉ ba ngày sau khi chính quyền công bố Sách trắng tuyên truyền việc “chống dịch đại thắng", dịch bệnh lại bùng phát tại chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh. Điều này chứng tỏ rằng từ cuối tháng 1 đến tháng 3, việc toàn quốc ‘phong thành’ trong 2 tháng không hề đạt được mục đích.

Bài báo nói rằng, việc ĐCSTQ ‘phong thành' không những không loại bỏ được virus, mà còn đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn, cái giá phải trả về mạng người cũng không kém cạnh gì. Sau khi thành phố bị đóng cửa, không có xe cộ lưu thông, bệnh nhân đi bộ đến bệnh viện nhưng không được chữa trị y tế, không còn sức để trở về nhà, trong sự bất lực mà nhảy cầu tự vẫn;

Vì không thể đến bệnh viện, bệnh nhân tưởng rằng chữa bệnh vô vọng nên đã nhảy lầu tự sát; người già không mua được thực phẩm, hai vợ chồng cùng nhau nhảy lầu tự tử; có đứa trẻ tự kỷ vì không có người chăm sóc cho nên bị chết đói, v.v. Ngoài ra còn có bi kịch có thôn làng sau khi bị phong toả, người làng có việc nhất thiết phải ra ngoài nên đã giết người canh gác. Còn chưa kể đến những người bị mắc bệnh tâm lý do việc phong thành gây ra.

Ngoài ra, việc đóng cửa các thành phố và ngành công nghiệp sản xuất cũng dẫn đến một làn sóng thất nghiệp và lượng người thất nghiệp cực kỳ lớn, mà thất nghiệp số lượng lớn là một nhân tố chính dẫn đến bất ổn xã hội.

Bài báo nói rằng, dữ liệu chính thức của ĐCSTQ cho thấy, hiện nay số người lây nhiễm ở Trung Quốc tăng "cực kỳ chậm", nhưng không có quốc gia nào sẵn sàng áp dụng mô hình phòng chống dịch bệnh của ĐCSTQ vì hai lý do: Một là có khả năng không tin vào con số mà ĐCSTQ công bố, hai là căn bản không tiếp nhận cách làm của ĐCSTQ.

Bài báo tiếp tục phân tích rằng mô hình được chính phủ Thụy Điển áp dụng hoàn toàn trái ngược với mô hình của ĐCSTQ, về cơ bản họ vẫn duy trì cuộc sống bình thường trong thời gian dịch bệnh. Mặc dù có cấm các cuộc tụ họp trên 50 người và các công ty được yêu cầu sắp xếp cho nhân viên làm việc tại nhà, nhưng Thụy Điển không ban hành lệnh bắt buộc ở nhà, các cửa hàng, nhà hàng, sân vận động và trường học vẫn mở cửa bình thường.

Trong thời gian dịch bệnh, tỷ lệ tử vong trên đầu người của Thụy Điển cao hơn nhiều so với các nước láng giềng và gần một nửa số ca tử vong xảy ra tại các viện dưỡng lão. Mặc dù vậy, chính phủ Thụy Điển vẫn kiên trì theo mô hình chống dịch này. Chính phủ cho rằng mô hình này là bền vững, có thể giải phóng xã hội khỏi nỗi sợ dài hạn, sẽ bảo vệ tính mạng và nền kinh tế trong dài hạn. Bởi vì nền kinh tế trong dịch bệnh cũng là một yếu tố chính liên quan trực tiếp đến nguồn thu nhập và cảm xúc của con người khi chống lại dịch bệnh. Người dân Thụy Điển hài lòng với sự tự do đi lại và trạng thái tâm lý hiện tại của họ, và họ luôn ủng hộ cách làm của chính phủ.

Bài báo cho rằng nỗi sợ hãi còn đáng sợ hơn cả virus, nếu như mỗi lần mở cửa trở lại đều có thể dẫn đến một trận bùng phát dịch bệnh, vậy thì ngay từ đầu đừng nên phong tỏa toàn diện. Tuy nhiên, rất ít quốc gia có được sự can đảm và sự sáng suốt như chính phủ Thụy Điển. Ví dụ, nếu Tổng thống Trump áp dụng mô hình Thụy Điển, truyền thông cánh tả và Đảng Dân chủ chắc chắn sẽ mắng chửi ông là "đao phủ". Một bộ phận người Mỹ đã bị truyền thông cánh tả tẩy não nhiều lần nên không có tầm nhìn xa và sự bình tĩnh như người Thụy Điển.

Bài báo nói rằng mô hình phòng chống dịch bệnh của Hoa Kỳ là sự kết hợp của ĐCSTQ và Thụy Điển. Trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, ông Trump đã lắng nghe ý kiến ​​chuyên gia và áp dụng chính sách "giãn cách xã hội" để bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và giảm bớt áp lực cho các bệnh viện. Kết quả cũng bao gồm thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Vào cuối tháng 4, Tổng thống Trump yêu cầu mở cửa trở lại đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình mở cửa nhiều tiểu bang đã hoãn lại nhiều lần vì số lượng xét nghiệm dương tính tăng mạnh và nỗi sợ hãi của mọi người tăng lên. Điều này cũng cho thấy "giãn cách xã hội" không chặn được virus. Mỗi lần mở cửa trở lại, virus sẽ lại xuất hiện.

Bài báo cho rằng việc cách ly ở nhà sẽ gây ra tác động tiêu cực về tâm lý vô cùng to lớn, thêm vào đó là hàng chục triệu người thất nghiệp, mọi người không thể tìm ra lối thoát và trở nên bất mãn. Đây cũng là một trong những lý do khiến cái chết của George Floyd gây ra sự hỗn loạn lớn.

Bài báo đề cập rằng tại bang New York, nơi ban đầu luôn trì hoãn việc “giãn cách xã hội", đã có một lượng lớn các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong. Tuy nhiên, trong quá trình mở cửa trở lại thì tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở đây lại luôn dưới 1%. Còn những tiểu bang thi hành lệnh ở nhà đầu tiên như California, v.v. thì số người nhiễm bệnh tăng mạnh sau khi mở cửa. Bởi vì virus không thể bị chặn, nó nhất định sẽ càn quét và gột rửa một lượt khu vực sinh sống của con người. New York đã được giội rửa qua nên hiện giờ số người nhiễm bệnh không tăng nhiều nữa. California đã đóng cửa ngay từ rất sớm nên khi mở cửa trở lại, virus cũng sẽ lại lây lan một lần nữa.

Bài báo cũng đề cập đến Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1919. Vào mùa thu và đông năm 1918, thành phố Philadelphia ở Mỹ không đóng cửa và có rất nhiều người chết. Thành phố San Francisco đóng cửa rất sớm nên khi đó lượng thương vong rất ít. Nhưng khi đợt dịch thứ hai xảy ra vào mùa xuân năm sau, tình hình kinh tế của San Francisco không thể tiếp tục đóng cửa được nữa, không có thu nhập kinh tế trong một thời gian dài và mọi người sẽ chết đói, vì vậy họ đành phải mở lại. Kết quả là tổng số người chết ở San Francisco cao hơn ở Philadelphia. Bởi vì làn sóng thứ hai của virus mạnh hơn làn sóng thứ nhất. Các cộng đồng đóng cửa ngược lại sẽ phải trả giá bằng thiệt hại về người và kinh tế nặng nề hơn những cộng đồng không đóng cửa.

Đông Phương

Theo NTDTV

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Truyền thông Đài Loan tóm tắt mô hình chống dịch toàn cầu: 'Phong thành' khiến tình hình thảm hại hơn