Trung Quốc yêu cầu ông Biden đảo ngược 'hành động nguy hiểm' hỗ trợ Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ đã khẩn thiết yêu cầu tân chính quyền Mỹ từ bỏ các chính sách cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc, tập trung vào những hợp tác song phương trong các vấn đề như biến đổi khí hậu và không “can thiệp” vào những gì mà chế độ gọi là các vấn đề “lằn ranh đỏ”.

Ngày 7/3, nhà ngoại giao hàng đầu của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cảnh báo chính quyền ông Biden phải hủy bỏ "hành vi nguy hiểm" của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong việc ủng hộ Đài Loan. Tuy Đài Loan là một quốc đảo dân chủ, nhưng Bắc Kinh lại luôn tuyên bố hòn đảo này là lãnh thổ của riêng mình.

Bộ trưởng Ngoại giao của ĐCSTQ là ông Vương Nghị cũng kêu gọi tân chính quyền Hoa Kỳ loại bỏ các hạn chế “bất hợp lý” để 2 cường quốc có thể hợp tác càng sớm càng tốt.

Ông Vương đưa ra những tuyên bố này tại một cuộc họp báo trong cuộc họp thường niên của cơ quan lập pháp bù nhìn của ĐCSTQ. Những lời này lặp lại những yêu cầu trước đó của Bắc Kinh kể từ khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

Các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ đã khẩn thiết yêu cầu tân chính quyền Mỹ từ bỏ các chính sách cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc, tập trung vào những hợp tác song phương trong các vấn đề như biến đổi khí hậu và không “can thiệp” vào những gì mà chế độ gọi là các vấn đề “lằn ranh đỏ”. Những vấn đề này bao gồm cả việc lạm dụng nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đàn áp ở Hong Kong, và xâm lược quân sự đối với Đài Loan.

Bộ trưởng Vương gọi yêu sách của ĐCSTQ đối với Đài Loan là “lằn ranh đỏ không thể vượt qua”, một vấn đề mà chế độ “không có chỗ cho sự thỏa hiệp.” Chế độ Trung Quốc đã thề sẽ chiếm lại Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết, dù quốc đảo này đã tách khỏi đại lục khi ĐCSTQ lên nắm quyền tại Trung Quốc vào năm 1949.

Ông Vương thúc giục chính quyền ông Biden “thay đổi hoàn toàn các hoạt động nguy hiểm ‘vượt quá ranh giới’ và ‘đùa với lửa’ của chính quyền tiền nhiệm", liên quan đến Đài Loan.

Chính quyền cựu Tổng thống Trump đã tăng cường sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan, bằng cách tăng cường bán vũ khí cho lực lượng tự vệ và cử các quan chức Nội các tới thăm quốc đảo này.

Đầu tuần này, cựu cố vấn an ninh quốc gia HR McMaster đã mô tả mối đe dọa từ việc Trung Quốc xâm lược Đài Loan là "tâm điểm quan trọng nhất" của thế giới, có thể dẫn đến một "cuộc chiến quy mô lớn". Ông kêu gọi Hoa Kỳ tiếp tục giúp Đài Loan củng cố khả năng phòng thủ của quốc đảo này để chống lại một cuộc tấn công có thể xảy ra.

Chính quyền ông Biden trước đây đã mô tả cam kết của họ đối với Đài Loan là “cực kỳ vững chắc”.

Ông Vương cũng cho biết, trong mối quan hệ Mỹ - Trung, song phương đều cần phải xác định tuân thủ “nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.

Ông nói: "Người ta hy vọng rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại điểm giữa, và dỡ bỏ các hạn chế bất hợp lý khác nhau được đặt ra đối với hợp tác Trung - Mỹ cho đến nay càng sớm càng tốt, và không cố gắng tạo thêm những trở ngại mới".

Đầu tuần trước, chính quyền ông Biden tuyên bố, “sự cạnh tranh ngày càng gia tăng với Trung Quốc” là mối đe dọa chính mà Hoa Kỳ phải đối mặt. Ngoại trưởng Antony Blinken cũng mô tả Trung Quốc là “thử thách địa chính trị lớn nhất” trong thế kỷ này.

Ngày 3/3, tân ngoại trưởng Mỹ nói: “Mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc sẽ mang tính cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể, và bất lợi khi phải có".

Bộ trưởng Vương bảo vệ đề xuất kế hoạch của ĐCSTQ để thay đổi hệ thống bầu cử của Hong Kong nhằm thắt chặt hơn nữa quyền kiểm soát của chế độ này đối với đặc khu kinh tế. Đề xuất này sẽ trao quyền lực mới cho một ủy ban thân Bắc Kinh để đề cử các nhà lập pháp Hong Kong. Ngày 5/3, phía Hoa Kỳ đã chỉ trích động thái này là “một cuộc tấn công trực tiếp vào quyền tự trị… tự do và các tiến trình dân chủ của Hong Kong".

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết, những thay đổi này sẽ bảo vệ “quyền của người dân Hong Kong và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài”.

Cũng trong ngày 7/3, ông đã bác bỏ những lời lên án ngày càng tăng về các hành vi vi phạm nhân quyền của họ đối với người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương.

Hơn 1 triệu người thuộc dân tộc thiểu số Hồi giáo bị giam giữ trong một mạng lưới các trại giam giữ trong khu vực, tại đó họ bị cưỡng bức lao động, tra tấn, hãm hiếp và phải tiếp nhận tuyên truyền chính trị. Vào tháng Giêng, chính quyền Tổng thống Trump đã xác định hành động của ĐCSTQ đối với các dân tộc này là tội ác diệt chủng. Trong những tuần gần đây, Quốc hội Canada và Hà Lan cũng tiếp bước để đưa ra những tuyên bố tương tự.

Ông Vương phản bác: "Cái gọi là sự tồn tại của nạn diệt chủng ở Tân Cương là vô lý. Đó hoàn toàn là một lời nói dối bịa đặt với những động cơ thầm kín".

Ngày 5/3, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ là ông Ned Price cho biết, chính quyền Mỹ đang “kích hoạt động thái toàn diện, để làm rõ rằng những hành vi vi phạm nhân quyền kiểu này ở Tân Cương và những nơi khác sẽ không được dung thứ”.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc yêu cầu ông Biden đảo ngược 'hành động nguy hiểm' hỗ trợ Đài Loan