Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lập pháp Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 10/8, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông báo rằng họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 11 công dân Mỹ, bao gồm cả một số nhà lập pháp, để đáp trả các lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ áp đặt vào tuần trước.

Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, ĐCSTQ “kiên quyết phản đối” và “kịch liệt lên án” các hành động của chính quyền Tổng thống Trump.

“Trước những hành động sai trái của Hoa Kỳ, chính phủ Trung Quốc đã quyết định áp dụng lệnh trừng phạt, có hiệu lực từ hôm nay, với những người có hành vi không tốt trong các vấn đề liên quan đến Hong Kong,” ông Triệu nói.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany nói với các phóng viên trong một cuộc họp ngắn sau đó vào ngày 10/8 rằng, chính quyền Washington đã biết về các lệnh trừng phạt.

Thư ký báo chí McEnany nói: “Thay vì thực hiện những hành động có ý nghĩa như lập tức bãi bỏ luật an ninh quốc gia và ngăn chặn sự đàn áp có hệ thống đối với người Duy Ngô Nhĩ, ĐCSTQ đã lựa chọn đáp trả bằng một hành động tượng trưng và một hành động không hiệu quả”.

“Ngày càng nhiều quốc gia đang yêu cầu Bắc Kinh có hành động thực sự. Quả bóng đang ở trên sân của ĐCSTQ".

Trung Quốc đang ra lệnh trừng phạt Hạ nghị sĩ Chris Smith, cũng như các Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Ted Cruz, Josh Hawley và Pat Toomey.

Tất cả nghị sĩ Hoa Kỳ này đều từng lên tiếng về các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm cả việc ĐCSTQ đàn áp khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung. Người Duy Ngô Nhĩ là một nhóm dân tộc thiểu số người Thổ Nhĩ Kỳ sống ở Tân Cương, khu vực mà ĐCSTQ đã tiếp quản vào năm 1949.

Chính quyền độc tài này cũng nhắm vào ông Carl Gershman, chủ tịch Tổ chức Dân chủ Quốc gia Hoa Kỳ; ông Derek Mitchell, chủ tịch Viện Dân chủ Quốc gia Hoa Kỳ; ông Ken Roth, giám đốc điều hành của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền; ông Daniel Twining, chủ tịch Viện Cộng hòa Quốc tế; và ông Michael Abramowitz, chủ tịch của Freedom House.

Hôm 7/8, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh trừng phạt bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) - Trưởng đặc khu Hong Kong, và 10 quan chức khác của ĐCSTQ vì phá hoại quyền tự trị của thành phố.

Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phát biểu tại cuộc họp báo hàng tuần của bà tại trụ sở chính phủ ở Hong Kong vào ngày 30/6/2020. (Anthony Wallace / AFP qua Getty Images)
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phát biểu tại cuộc họp báo hàng tuần tại trụ sở chính phủ ở Hong Kong vào ngày 30/6/2020. (Nguồn ảnh: Anthony Wallace / AFP / Getty Images)

11 quan chức này đã hỗ trợ việc áp đặt luật an ninh quốc gia được thông qua hồi tháng Bảy, giúp chính quyền Bắc Kinh thắt chặt “gọng kìm" kiểm soát độc tài đối với Hong Kong.

“Hoa Kỳ đứng về phía người dân Hong Kong và chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ và cơ quan chức năng của mình để nhắm vào những kẻ phá hoại quyền tự chủ của họ”, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho biết trong một tuyên bố liên quan đến các lệnh trừng phạt.

Trong tháng Bảy, Tổng thống Trump đã chấm dứt ưu đãi đặc biệt của Hoa Kỳ dành cho Hong Kong, vì các quan chức hàng đầu cho rằng đặc khu này không còn đủ quyền tự trị tách biệt khỏi Trung Quốc đại lục. Cùng ngày, ông đã ký ban hành một dự luật sẽ xử phạt các quan chức và ngân hàng liên quan đến việc phá hủy các quyền tự do của Hong Kong.

Trong một phân tích gần đây, giời chức tình báo Mỹ cho biết, ĐCSTQ không muốn ông Trump chiến thắng nhiệm kỳ thứ 2 trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng Mười Một này.

Trong những tháng gần đây, chính quyền ông Trump đã liên tục có những hành động cứng rắn chống lại chính quyền Trung Quốc và ĐCSTQ đã đưa ra nhiều biện pháp để đáp trả.

Vào ngày 13/7, ĐCSTQ tuyên bố sẽ trừng phạt 4 quan chức Mỹ, bao gồm cả 2 Thượng nghị sĩ Rubio và Cruz, và một tổ chức của Hoa Kỳ là Ủy ban Hành pháp Quốc hội về Trung Quốc. Đây rõ ràng là một động thái nhằm đáp trả lại việc Hoa Kỳ thực hiện các lệnh trừng phạt đối với các quan chức của ĐCSTQ liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

“Tháng trước Trung Quốc cấm tôi [nhập cảnh]. Hôm nay họ trừng phạt tôi. Tôi không muốn tỏ ra mình bị hoang tưởng nhưng tôi bắt đầu nghĩ rằng họ không thích tôi,” ông Rubio, quyền Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, viết trên Twitter vào ngày 10/8.

Ông Roth là quan chức thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, các biện pháp trừng phạt của ĐCSTQ “chỉ là một nỗ lực nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi cuộc đàn áp dữ dội của [ĐCSTQ] đối với quyền của người dân Hong Kong”.

“Bắt giữ các nhà xuất bản, cấm các ứng cử viên ủng hộ dân chủ, hoãn vô thời hạn các cuộc bầu cử — đó là những dấu mốc quan trọng của ĐCSTQ. Xử phạt tôi chỉ là một phần phụ lục nhỏ”, ông cho biết trong một tuyên bố trên mạng xã hội.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lập pháp Hoa Kỳ