Trung Quốc triệu hồi đại sứ ở Litva, đây có phải là một chiêu cũ rích?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ Trung Quốc mới đây đã triệu hồi đại sứ của họ tại Litva (Lithuania) để phản đối việc thành lập văn phòng đại diện giữa Litva và Đài Loan. Tuy nhiên, một nghị viên quốc hội Litva đã thẳng thắn nói rằng, trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc thường triệu hồi các đại sứ ở nước ngoài bất cứ khi nào họ không bằng lòng, nhưng họ thường lặng lẽ trở lại sau nửa năm, mỗi lần đều như vậy.

Vào tháng 7, Đài Loan tuyên bố sẽ thành lập văn phòng đại diện tại Litva và dùng tên gọi "Đài Loan", điều này đã khiến Trung Quốc bất mãn. Để trả đũa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc quyết định triệu hồi đại sứ tại Litva vào ngày 10/8 và yêu cầu chính phủ Litva cũng triệu hồi đại sứ tại Trung Quốc.

Sau đó, Bộ Ngoại giao Litva ra thông cáo bày tỏ sự tiếc nuối, đồng thời nhắc lại rằng Litva quyết tâm theo đuổi mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với Đài Loan, giống như Liên minh Châu Âu (EU) và nhiều nước trên thế giới.

Tổng thống Litva Gitanas Nausėda nói với Baltic News Service (BNS) vào ngày 10/8 rằng mối quan hệ giữa Litva và Trung Quốc nên dựa trên “sự tôn trọng lẫn nhau”, nếu không cuộc đối thoại sẽ biến thành đơn phương ra thông điệp cuối cùng, mà đây là điều không thể chấp nhận được trong quan hệ quốc tế.

Ông Nausėda nhấn mạnh rằng với tư cách là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, Litva "có thể tự quyết định phát triển quan hệ với bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào trong các lĩnh vực kinh tế và văn hóa mà không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế".

Triệu tập đại sứ là chiêu trò cũ của Bắc Kinh?

Nghị viên Quốc hội Litva kiêm Chủ tịch Nhóm ủng hộ Đài Loan trong quốc hội - ông Matas Maldeikis thẳng thắn tuyên bố rằng, trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã triệu hồi các đại sứ ở nước ngoài bất cứ khi nào họ không bằng lòng, nhưng họ thường lặng lẽ trở lại sau nửa năm, mỗi lần đều như vậy.

Maldeikis nói rằng ông cảm kích vì Trung Quốc đã gây áp lực cho Litva, điều này giúp Litva nhận thức rõ ràng hơn trong việc nên hợp tác với những quốc gia nào. “Một hệ thống kinh tế dân chủ và hùng mạnh như Đài Loan sẽ rất có lợi cho tương lai của chúng ta, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao”, ông nói.

EU, Hoa Kỳ và Đài Loan bày tỏ sự ủng hộ đối với Litva

Cùng ngày, người phát ngôn EU đưa ra một tuyên bố nói rằng ông "cảm thấy hối tiếc" về hành động của Trung Quốc và sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến. Người phát ngôn nói rằng, trước tình trạng quan hệ song phương hiện tại giữa Trung Quốc và Litva - một thành viên của Liên minh Châu Âu, thì "mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi".

Người phát ngôn EU cũng nêu rõ, EU cũng có Văn phòng Kinh tế và Thương mại Châu Âu tại Đài Bắc, EU không cho rằng việc mở văn phòng đại diện tại Đài Loan hay việc Đài Loan mở văn phòng đại diện tại các nước EU là vi phạm chính sách "Một Trung Quốc".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng trả lời trong cuộc họp báo thường kỳ ngày hôm đó: "Chúng tôi sát cánh với đồng minh NATO là Litva và lên án hành động trả đũa gần đây của Trung Quốc".

Ông Price nói, "Tất cả các quốc gia có thể xác định đường lối chính sách 'Một Trung Quốc' của riêng mình mà không có sự ép buộc từ bên ngoài. Đây là những gì Hoa Kỳ đang làm".

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc Âu Giang An (Joanne Ou) nói rằng, Litva là một đối tác thân thiện và có các quan điểm tương tự với Đài Loan. Quyết tâm bảo vệ quan điểm về sự tôn nghiêm và tự do quốc gia của Litva rất đáng kính phục.

Bà Âu cho biết, Đài Loan hy vọng các nỗ lực chung của hai nước sẽ làm tình hữu nghị này thắt chặt hơn, qua đó đóng góp vào nền hòa bình, sự ổn định và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế, để sức mạnh của sự lương thiện không ngừng luân chuyển và sinh sôi.

Đài Loan: Hành vi bắt nạt của Bắc Kinh sẽ chỉ phản tác dụng

Hãng thông tấn Trung ương (CNA) đưa tin, người phát ngôn của Đảng Dân tiến (DPP) Tạ Bội Phần (Hsieh Pei-fen) cho biết hôm 11/8 rằng, DPP hoàn toàn ủng hộ Litva - quốc gia có chung quan niệm về tự do và dân chủ với Đài Loan, và sẽ không bao giờ cúi đầu trước sự bắt nạt của Trung Quốc.

Bà Tạ Bội Phần nói rằng Đài Loan là một quốc gia dân chủ, và DPP hy vọng rằng cả chính phủ và nhân dân Đài Loan đều có thể ủng hộ Litva. DPP cũng mong muốn đảng đối lập - Quốc dân Đảng có thể công khai khẳng định bước đột phá ngoại giao khi Đài Loan và Litva thành lập văn phòng đại diện tại 2 nước, và bày tỏ rõ ràng với Bắc Kinh rằng hành vi bắt nạt nhằm bịt miệng các quốc gia dân chủ của chính phủ Trung Quốc sẽ chỉ phản tác dụng.

Trung Quốc nên học hỏi cách ứng xử của Đài Loan

Nhà lập pháp Đảng Dân chúng Đài Loan Trương Kỳ Lộc (Jang Chyi-lu) cho biết ngoài lần này, trước kia chính phủ Trung Quốc cũng đã nhiều lần triệu hồi đại sứ vì vấn đề Đài Loan. "Theo logic này, liệu chính phủ Trung Quốc có sắp triệu hồi tất cả các đại sứ ở các quốc gia có mối quan hệ hữu hảo với Đài Loan không? Đây có được coi là một kiểu thao túng cảm xúc của Trung Quốc đối với các quốc gia khác trên thế giới không?".

Ông Trương cho rằng, lý do Đài Loan có thể được cộng đồng quốc tế và các quốc gia khác công nhận, điều quan trọng nhất là Đài Loan luôn đóng vai trò là “mặt trời nhỏ ấm áp lan tỏa hơi ấm và sự quan tâm tới cộng đồng quốc tế” trên trường quốc tế. Đài Loan đã hỗ trợ tất cả các nước về mặt chính trị, kinh tế và phòng chống dịch bệnh. Nhờ những đóng góp quốc tế của mình, Đài Loan mới có thể được cộng đồng quốc tế khẳng định và công nhận.

Nhà lập pháp này kêu gọi Trung Quốc học hỏi từ Đài Loan. Chỉ bằng cách đối xử với cộng đồng quốc tế và người dân Đài Loan một cách "tử tế và nồng hậu" thì mới có thể tạo ra sự hòa hợp quốc tế và duy trì hòa bình xuyên eo biển một cách hiệu quả.

‘Nước nhỏ’ nhưng được tôn trọng

Trước đó ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), Tổng biên tập của kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc Thời báo Hoàn cầu, đã mắng chửi Liva là một “nước nhỏ điên rồ” và rằng “cuối cùng sẽ phải trả giá cho những hành động xấu xa vi phạm các quy tắc quốc tế của nó”.

Đại diện của Đài Loan tại Hoa Kỳ - bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim) đã phản bác lại ông Hồ Tích Tiến trên Twitter rằng: “Cái ‘nước nhỏ điên rồ’ này (Litva) là một đất nước yêu tự do. Họ chỉ đang làm những gì các nước EU khác đã làm - mở văn phòng tại Đài Loan".

"Đúng vậy, một quốc gia nhỏ có thể có can đảm, có nguyên tắc và sẽ càng được tôn trọng hơn một kẻ bắt nạt khổng lồ", bà nhấn mạnh.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc triệu hồi đại sứ ở Litva, đây có phải là một chiêu cũ rích?