Quan hệ ‘Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt’ giữa Trung Quốc-Thụy Điển vào ngày kỷ niệm quan hệ ngoại giao

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với nhiều quốc gia, bao gồm cả Thụy Điển. Tuy nhiên, không giống như những năm trước, không có thông điệp chúc mừng nào được gửi đi giữa Trung Quốc và quốc gia Bắc Âu này.

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp quản Trung Quốc và thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, chính quyền này đã thèm khát được cộng đồng quốc tế công nhận. Thụy Điển trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên có quan hệ ngoại giao với chính quyền Trung Quốc vào ngày 9/5/1950.

Đại sứ đầu tiên của Trung Quốc tại Thụy Điển là ông Geng Biao. Sau đó, ông đã thuê một người trẻ tuổi tên là Tập Cận Bình làm trợ lý cho mình khi giữ chức vụ Tổng thư ký trong Quân ủy Trung ương vào cuối những năm 1970.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa 2 nước đã không ngừng suy giảm trong những năm gần đây.

Trong đó, trường hợp của công dân Thụy Điển tên Quế Mẫn Hải (Gui Minhai) đã gây xôn xao dư luận. Ông Quế là một trong 5 cổ đông của công ty Causeway Bay Books có trụ sở tại Hong Kong. Đây là nhà xuất bản sách đã kể chi tiết các vụ bê bối về giới cầm quyền Trung Quốc. Ông Quế đã bị bí mật bắt cóc khỏi nhà nghỉ của mình ở Thái Lan, và được dẫn đến Trung Quốc đại lục để xét xử vào năm 2015 vì cáo buộc về một vụ tai nạn giao thông. Ba năm sau, ông lại bị bắt vì tội “cung cấp thông tin tình báo” ở nước ngoài. Vào tháng Hai năm nay, ông bị kết án 10 năm tù.

Những tấm biển mang ảnh người bán sách mất tích Lee Bo (trái) và cộng sự Quế Mẫn Hải/Gui Minhai (phải) được các thành viên của đảng Dân chủ để lại bên ngoài văn phòng liên lạc Trung Quốc ở Hong Kong vào ngày 19/1/2016. (Ảnh của PHILIPPE LOPEZ / AFP qua Getty Images)
Những tấm biển mang ảnh người bán sách mất tích Lee Bo (trái) và cộng sự Quế Mẫn Hải/Gui Minhai (phải) được các thành viên của đảng Dân chủ để lại bên ngoài văn phòng liên lạc Trung Quốc ở Hong Kong vào ngày 19/1/2016. (Ảnh của PHILIPPE LOPEZ / AFP qua Getty Images)

Vào năm 2019, tổ chức văn học PEN của Thụy Điển đã trao Giải thưởng Tucholsky hàng năm - một giải thưởng dành cho các nhà văn đang sống trong tình trạng bị đe dọa hoặc sống lưu vong - cho ông Quế. Sự việc này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển.

Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển là ông Quế Tùng Hữu (Gui Congyou) đã bày tỏ sự tức giận của mình trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Thụy Điển: “Chúng tôi đãi bạn bè bằng rượu ngon, nhưng đối với kẻ thù, chúng tôi sẽ dùng súng”. Ông cũng nhấn mạnh rằng, Trung Quốc “chắc chắn sẽ có các biện pháp đối phó” nếu bà Amanda Lind, Bộ trưởng Văn hóa và Dân chủ của Thụy Điển, tham dự lễ trao giải.

Trớ trêu thay, Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu đóng cửa tất cả các Viện và lớp học Khổng Tử vào tháng 4/2020. Các Viện Khổng Tử được điều hành bởi một cơ quan của ĐCSTQ có trụ sở chính tại Bắc Kinh. Tuy mang vỏ bọc là chương trình giáo dục và văn hóa, nhưng các viện học thuật này đã thu hút sự sự chú ý chặt chẽ ngày càng nhiều trên toàn thế giới vì vai trò của chúng trong việc truyền bá tuyên truyền và chương trình nghị sự của Bắc Kinh, đồng thời ngăn chặn tự do ngôn luận trong khuôn viên trường học tại các nước dân chủ.

Ngày 22/4, thành phố lớn thứ hai Thụy Điển - Gothenburg đã tuyên bố chấm dứt mối quan hệ thành phố kết nghĩa kéo dài 34 năm với Thượng Hải (Trung Quốc), lý do là hiệp định này không còn cần thiết nữa. Hiệp định thành phố kết nghĩa giữa Thượng Hải và Gothenburg được ký kết vào năm 1986.

Năm ngoái, Đảng Dân chủ Thụy Điển đã chỉ rõ, trước khi ĐCSTQ chịu đưa ra những cải cách quan trọng về nhân quyền và dân chủ, thì Gothenburg sẽ không tiếp tục ký kết hiệp định thành phố kết nghĩa. Nghị viên thành phố Gothenburg, ông Jörgen Fogelklou khi đó nhấn mạnh rằng: “ĐCSTQ có chấp nhận điều đó không thì lại là một chuyện khác”.

Báo cáo thường niên mới nhất của Thụy Điển đã chỉ rõ, Trung Quốc là quốc gia có hại nhất đối với lợi ích của Thụy Điển, ĐCSTQ thông qua mạng lưới gián điệp để tăng cường sức mạnh kinh tế và thực lực quân sự, sử dụng nhân viên tình báo lấy cắp nghiên cứu kỹ thuật, hơn nữa công khai phá hoại dân chủ và nhân quyền của Thụy Điển.

Thụy Điển không phải là quốc gia duy nhất đóng băng mối quan hệ với Trung Quốc.

Vào ngày 27/1, nhật báo Đan Mạch Jyllands-Posten đã đăng một bức tranh biếm họa về lá cờ Trung Quốc, với các hình giống virus Vũ Hán thay cho các ngôi sao màu vàng đặc trưng. Đáp lại, đại sứ Trung Quốc tại Đan Mạch yêu cầu cơ quan này xin lỗi. Ngày hôm sau, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nhắc nhở Trung Quốc rằng “chúng tôi có quyền tự do biểu đạt ở Đan Mạch — kể cả trong hội họa”.

Du Miên



BÀI CHỌN LỌC

Quan hệ ‘Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt’ giữa Trung Quốc-Thụy Điển vào ngày kỷ niệm quan hệ ngoại giao