Trung Quốc tăng cường gắn kết với cộng đồng đại học da đen ở Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một tổ chức tư vấn tại Hong Kong bị nghi ngờ hoạt động như một nhóm bình phong cho Đảng Cộng sản Trung Quốc đã vun đắp mối quan hệ chặt chẽ với các trường Đại học và Cao đẳng của cộng đồng gốc Phi (HBCUs) và các thành viên nhóm Da đen của Quốc hội kể từ năm 2014.

Theo tin từ Daily Caller News Foundation, một viện chính sách ở Hông Kong, còn được gọi là Quỹ Giao lưu Mỹ-Trung (CUSEF) được giới chức Mỹ coi là tác nhân gây ảnh hưởng của Trung Quốc đã vun đắp mối quan hệ với các trường Đại học và Cao đẳng Châu Phi kể từ năm 2014. Cơ quan này đã trả cho một nhà tư vấn gần 670.000 USD kể từ năm 2017 để sắp xếp các chuyến thăm của sinh viên từ các trường đến Trung Quốc, cũng như giới thiệu với các thành viên Quốc hội gốc châu Phi.

Hoạt động tiếp cận cộng đồng người Da đen của Tổ chức Quỹ Giao lưu Mỹ-Trung (CUSEF) là một phần của sáng kiến ​​rộng rãi nhằm hỗ trợ các tổ chức nổi bật ở Hoa Kỳ, bao gồm các tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại và các trường đại học ưu tú khác.

Các hoạt động của CUSEF đã thu hút sự chú ý của Giám đốc CIA William Burns, người đã làm chứng tại phiên điều trần xác nhận tại Thượng viện vào tháng trước rằng ông đã cắt đứt quan hệ với CUSEF từ khi ông còn là chủ tịch của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế do lo ngại về “các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc”.

Hầu hết các liên hệ của CUSEF với các HBCUs và nhóm Da đen của Quốc hội (CBC) đã được Wilson Global Communications, một công ty truyền thông có trụ sở tại Washington, D.C. sắp xếp.

Kể từ năm 2018, Wilson Global Communications đã tiết lộ với Bộ Tư pháp về các hoạt động cho CUSEF theo Đạo luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài (FARA), một đạo luật điều chỉnh hoạt động vận động hành lang nước ngoài.

Wilson Global đã được CUSEF trả 89.844 đô la trong sáu tháng qua để tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo HBCUs và sinh viên đại học. Bà Julia Wilson, chủ sở hữu của Wilson Global, cũng liên lạc với Yu Jiang, một giáo sư tại Đại học Xavier, người điều hành Viện Khổng Tử của trường, mà các quan chức Hoa Kỳ cũng coi là một tác nhân ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc.

Kể từ tháng 1/2017, CUSEF đã trả cho Wilson Global 667.641 đô la, theo hồ sơ FARA cho các dịch vụ liên lạc và quan hệ công chúng, bao gồm cả việc tiếp cận với các quan chức của chính phủ Hoa Kỳ.

Wilson Global điều phối các chuyến đi cho sinh viên đại học và lãnh đạo HBCUs đến Trung Quốc, tất cả đều do CUSEF tài trợ. Công ty cũng dàn xếp liên lạc giữa CUSEF và các thành viên CBC. Theo hồ sơ FARA của Wilson Global, công ty đã tổ chức các cuộc họp với các đại diện thành viên CBC Sheila Jackson Lee, Jim Clyburn, Donald Payne và nhiều người khác.

Wilson Global cho biết sứ mệnh của CUSEF là “xây dựng và cải thiện đối thoại giữa các nhà lãnh đạo giáo dục và công dân Mỹ gốc Phi cũng như giữa giới trẻ Trung Quốc và Hoa Kỳ để tăng cường quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nói chung”.

Bất chấp mục tiêu dường như vô hại, các quan chức Hoa Kỳ và các chuyên gia an ninh quốc gia đã trở nên nghi ngờ trong những năm gần đây về mối liên hệ của CUSEF với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Mặt trận Thống nhất, cơ quan điều phối các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ.

Ông James Carafano, phó chủ tịch của Quỹ Di sản và chuyên gia an ninh quốc gia, nói với Daily Caller News Foundation: “Một trong những nguồn tuyển dụng hàng đầu của CUSEF là sinh viên Mỹ tại Trung Quốc". Ông cho biết, chính phủ Trung Quốc sử dụng các nhóm như CUSEF và Viện Khổng Tử để cung cấp các chương trình bồi dưỡng văn hóa cho mục đích “khai thác dữ liệu” và tuyển dụng sinh viên Mỹ, Daily Caller News Foundation đưa tin.

Ông cũng cảnh báo mối nguy hiểm tiềm tàng của các mối liên hệ này vì theo ông, tất cả đều kết nối trở lại với ĐCSTQ, do đó không nên cho rằng các mối liên hệ này là vô tội”,

FBI dường như đã thông báo tóm tắt về nhiều chủ tịch HBCUs đã tham gia vào các cuộc dã ngoại của CUSEF, theo hồ sơ FARA của Wilson Global.

Đặc vụ FBI Peter Lapp đã cung cấp các cuộc họp giao ban an ninh vào tháng 12/2018 và tháng 11/ 2019 cho các phái đoàn của các chủ tịch HBCUs đến thăm Trung Quốc, theo hồ sơ của FARA.

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường các HBCU được đưa lên vị trí hàng đầu trong phiên điều trần xác nhận của Thượng viện hồi đầu năm đối với Linda Thomas-Greenfield, đại sứ tại Liên Hợp Quốc.

Thomas-Greenfield đã bị “lên thớt” trong buổi điều trần xác nhận của bà về một bài phát biểu được trả tiền mà bà đã thuyết trình vào năm 2019 tại Đại học Bang Savannah, một HBCU hợp tác với Viện Khổng Tử của Trung Quốc.

Trong phiên điều trần xác nhận tại Thượng viện vào tháng trước, William Burns, giám đốc CIA, nói rằng ông đã lo ngại khi còn là chủ tịch của Carnegie Endowment for International Peace về mối quan hệ đối tác hiện có giữa các viện chính sách và CUSEF.

Ông Burns làm chứng rằng ông đã chấm dứt mối quan hệ với CUSEF, vốn đã tài trợ hàng trăm nghìn đô la trong nhiều năm cho Carnegie, vì ông “ngày càng lo lắng về việc mở rộng các hoạt động ảnh hưởng của Trung Quốc”.

Ông Burns cũng nói rằng, ĐCSTQ triển khai các nhóm như CUSEF như một phần của “phương pháp tiếp cận toàn chính phủ… để cố gắng và tác động đến các phát triển chính trị, kinh tế và văn hóa nhằm mang lại lợi ích cho ĐCSTQ”.

CUSEF, được thành lập vào năm 2008, là cơ quan chính của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của chính phủ Trung Quốc.

Trong một báo cáo ngày 24/8/2018, Ủy ban Đánh giá và An ninh Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc cho biết Trung Quốc sử dụng hệ thống Mặt trận Thống nhất để “vô hiệu hóa các nguồn có khả năng phản đối các chính sách và thẩm quyền của ĐCSTQ”.

Theo Ủy ban, các chi nhánh của Mặt trận Thống nhất cũng “tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng nhắm vào các tổ chức và tiểu bang nước ngoài”.

Tổ chức đã phát triển các kết nối trong thập kỷ qua với các trường đại học khác, chẳng hạn như Đại học Johns Hopkins, Đại học Georgetown và Đại học Columbia. CUSEF cũng đã hợp tác với một số tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại nổi tiếng, bao gồm Carnegie Endowment for International Peace, Viện Brookings, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, và Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ.

CUSEF đã tận dụng những mối liên hệ đó để đưa ra quan điểm thân Bắc Kinh về các vấn đề nổi cộm.

Vào tháng 5/2016, Carnegie đã tổ chức sự kiện cho người sáng lập CUSEF là ông Đổng Kiến Hoa. Tại sự kiện này, ông Đổng đã ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề kiểm soát Biển Đông.

Wilson Global đã trích dẫn vị trí của ông Đổng với tư cách là Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, tổ chức cố vấn cho ĐCSTQ, trong hồ sơ đăng ký đại diện nước ngoài của CUSEF.

Chính phủ Trung Quốc, với sự hỗ trợ của CUSEF, đã bắt đầu tiếp cận các HBCUs vào năm 2014 để đáp lại một sáng kiến ​​của chính quyền Obama.

Sau đó, Bộ Giáo dục thông báo rằng chính phủ Trung Quốc đã ký một biên bản ghi nhớ với một nhóm các HBCUs để cung cấp 1.000 học bổng cho sinh viên từ các trường.

CUSEF đã tổ chức cuộc họp vào tháng 9/2013 giữa lãnh đạo HBCUs và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông, tạo tiền đề cho thỏa thuận học bổng.

Julia Wilson, người sáng lập Wilson Global, được liệt kê là đại diện của CUSEF trong thông báo của Bộ Giáo dục.

Theo hồ sơ tiết lộ, bà Wilson đã có hàng trăm cuộc liên lạc với các thành viên CBC liên quan đến các sự kiện của CUSEF ở Trung Quốc và Hoa Kỳ nhưSáng kiến ​​Người Mỹ gốc Phi của CUSEF vào tháng 9/2018 và tháng 10/2019. Các cuộc họp lần đầu tiên được The National Pulse đưa tin.

Wilson Global cũng đã tiết lộ thông tin liên lạc qua email với chủ tịch của nhiều HBCUs về Mạng lưới Học bổng HBCUs-Trung Quốc, được Wilson Global giám sát.

Một mốc thời gian được đề xuất vào năm 2017 cho thấy CUSEF đã tìm kiếm các mối liên hệ với các nhà lãnh đạo CBC và các nhà lãnh đạo quốc hội từ các tiểu bang cụ thể Texas, Michigan và Ohio.

Phái đoàn CUSEF cũng hy vọng có thể gặp gỡ Liên đoàn Đô thị Quốc gia và bắt đầu lên kế hoạch cho các chuyến thực địa của sinh viên đến Trung Quốc.

Theo một tài liệu ngày 11/12 năm 2018, Mạng lưới HBCUs đã thảo luận về mối quan hệ đối tác tiềm năng với một số trường đại học Trung Quốc để sinh viên và giảng viên HBCUs “học tập và thực hiện nghiên cứu tại các trường đại học Trung Quốc” cũng như để “sinh viên / giảng viên Trung Quốc nghiên cứu và tiến hành nghiên cứu tại các cơ sở HBCUs”.

Theo biên bản ghi nhớ giữa Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh, các thỏa thuận đề xuất trao đổi tài liệu nghiên cứu, giáo sư và nhân viên nghiên cứu trong khi hợp tác trong các dự án nghiên cứu.

Trong một tài liệu ngày 6/1/2019, ông David Wilson, hiệu trưởng Đại học Bang Morgan và chủ tịch Mạng lưới HBCUs Trung Quốc, đã gửi bản tóm tắt chi tiết về chuyến thăm của phái đoàn HBCUs tới Trung Quốc cho ông Audie Wong, giám đốc điều hành của CUSEF.

Theo Wilson, một trong những mục tiêu của chuyến đi là thảo luận về khả năng xây dựng các Viện Khổng Tử trong khuôn viên HBCUs.

Wilson nói rằng, ngày 17/12/2018, phái đoàn HBCUs đã đến thăm trụ sở Viện Khổng Tử, nơi họ gặp ông Jing Wei, phó giám đốc điều hành của tổ chức.

Theo Wilson, ông Wei đã thảo luận về quy trình mà các HBCUs sẽ phải tuân theo để hợp tác với Viện Khổng Tử.

Giống như CUSEF, các Viện Khổng Tử đã bị giám sát chặt chẽ hơn đối với các hoạt động bị cáo buộc gây ảnh hưởng của họ.

Vào tháng 8/2020, chính quyền Trump đã chỉ định Viện Khổng Tử Hoa Kỳ là cơ quan đại diện nước ngoài của Trung Quốc, một hạng mục thường dành cho các đại sứ quán và lãnh sự quán.

Phái đoàn HBCUs cũng đã hai lần gặp gỡ các quan chức từ một nhóm mặt trận khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hiệp hội Hữu nghị với Nước ngoài của Nhân dân Trung Quốc (CPAFFC).

Trong cuộc họp đầu tiên, các quan chức CPAFFC gợi ý rằng các HBCUs sẽ tổ chức để các sinh viên từ vùng nông thôn Trung Quốc đến học tại trường của họ.

Theo Wilson, các quan chức CPAFFC bày tỏ quan ngại trong cuộc họp thứ hai về quy trình cấp thị thực của chính phủ Hoa Kỳ cho sinh viên Trung Quốc. Các quan chức thông báo rằng sinh viên Trung Quốc có thể chọn học tại các trường của Canada và châu Âu thay vì Hoa Kỳ.

Các quan chức Hoa Kỳ cũng đã công khai bày tỏ lo ngại về các hoạt động ảnh hưởng của CPAFFC.

Năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ đã rút khỏi một sự kiện liên quan đến CPAFFC vì nhóm này đã tìm cách “gây ảnh hưởng xấu đến các nhà lãnh đạo địa phương và tiểu bang”.

Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đã chỉ trích CPAFFC trong bài phát biểu trước một nhóm thị trưởng vào tháng 9/2020.

Ông Pompeo nói: "Nó [CPAFFC] có thể có từ "thân thiện" trong tiêu đề của nó, nhưng bản chất vấn đề không phải như vậy khi nói đến lợi ích của Mỹ".

Wilson Global và CUSEF đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Nhiều nguồn tin cho biết, CUSEF là tổ chức đặc biệt chuyên tìm cách hợp tác và vô hiệu hóa bất kỳ sự chống đối nào của phương Tây đối với ĐCSTQ và nhắm vào giới tinh hoa phương Tây để thúc đẩy các chính sách phù hợp với mong muốn của Bắc Kinh.

CUSEF được thành lập vào năm 2008 tại Hong Kong, được coi là “một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận và phi chính phủ, cam kết thúc đẩy mối quan hệ tích cực và hòa bình” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tổ chức này đã nhiều lần được chính phủ Hoa Kỳ xác định là cộng tác với tổ chức Mặt trận Thống nhất của Trung Quốc, một chi nhánh của Ủy ban trung ương ĐCSTQ.

Theo The Epoch Times đưa tin hồi tháng Ba, phóng viên điều tra của The National Pulse Natalie Winters cho biết, CUSEF đã trả tiền cho các nhà báo, phóng viên, biên tập viên từ mọi cơ quan truyền thông phương Tây như Newsweek, thậm chí Fox, CNN, Washington Post. Tất cả những tờ báo này đều thích giảng giải về tính chính trực của báo chí, thích nói các chuyến du lịch đến Trung Quốc để tham quan không chỉ các cơ sở quân sự, mà còn tham quan công ty Huawei, gặp gỡ các quan chức ĐCSTQ.

“Và đổi lại, khi bạn đọc các tin tức về các đại diện nước ngoài được đăng ký theo Đạo luật đăng ký đại diện nước ngoài (FARA), bạn sẽ thấy họ [báo giới] buộc phải 'đưa tin thuận lợi’ và ‘phổ biến thông tin tích cực’ liên quan đến Trung Quốc”, bà Winters nói.

Bà Winters chỉ ra rằng những hoạt động này được hỗ trợ và tiếp tay bởi các công ty vận động hành lang phương Tây, cụ thể là BLJ Worldwide.

Nguyên Hương

 



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc tăng cường gắn kết với cộng đồng đại học da đen ở Mỹ