'Trung Quốc sẽ lập ADIZ ở Biển Đông vào đầu năm sau': Chuyên gia Mỹ dự báo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều thông tin cho thấy, Trung Quốc đã chuẩn bị cho ADIZ ở Biển Đông từ 10 năm trước và hiện này "chỉ chờ cơ hội" để công bố.

Chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ đánh giá Trung Quốc sẽ sớm tuyên bố vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông (ADIZ) vào đầu năm sau.

Cựu đại tá hải quân Mỹ Carl O.Schuster từng là Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương hải quân Mỹ, đang giảng dạy ở Đại học Hawaii (Mỹ) về quan hệ quốc tế, lịch sử. Ông có cuộc phỏng vấn với báo Thanh Niên về khả năng Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông, được đăng tải hôm 5/6.

“Thực tế, nhiều khả năng Trung Quốc có kế hoạch thành lập ADIZ ở Biển Đông. Tuy Bắc Kinh chưa tuyên bố ADIZ ở Biển Đông trong năm nay, nhưng điều này có thể diễn ra vào năm sau. Trung Quốc có thể đang chờ đợi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới và muốn hệ thống tên lửa đối không tại bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa được lắp đặt hoàn thiện. Thực sự, khi tính toán thấy có đủ khả năng xử lý các phản ứng của quốc tế, Bắc Kinh sẽ tuyên bố ADIZ ở Biển Đông”, ông Schuster giải thích.

Vùng nhận dạng phòng không (Air Defense Identification Zone, viết tắt là ADIZ) là một phạm vi vùng trời do một quốc gia tự ấn định và đòi hỏi mọi phương tiện bay dân sự đi qua vùng này phải nhận dạng, xác định vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó.

ADIZ không đồng nghĩa với không phận của một quốc gia, nhưng nó được coi như khu vực tồn tại song hành với khu vực an ninh quốc phòng.

Ông Schuster cũng cho rằng khi tuyên bố ADIZ, Bắc Kinh sẽ hứa hẹn với cộng đồng quốc tế rằng không can thiệp vào các chuyến bay thương mại bay qua Biển Đông. Thế nhưng, với những gì từng xảy ra, cộng đồng quốc tế khó có thể đặt niềm tin vào những lời hứa của Trung Quốc.

Từ những yếu tố trên, cựu đại tá Schuster dự báo vào khoảng tháng 2 - 3/2021, Trung Quốc sẽ tiến hành những động thái đầu tiên để tuyên bố ADIZ.

“Cụ thể, Bắc Kinh bắt đầu tổ chức một số đơn vị thường trực ở các đảo, bãi đá trên Biển Đông trong quãng thời gian ngắn nhằm kiểm soát ADIZ để đo mức độ phản ứng của cộng đồng quốc tế. Đến giai đoạn mùa hè, khi thời tiết phù hợp cho hoạt động của lực lượng phòng không - không quân, các đơn vị trên sẽ bắt đầu đồn trú thường trực, lâu dài. Khi đó, Trung Quốc tính toán thời gian chính xác để tuyên bố ADIZ nhằm tiến thêm một bước trong chiến lược kiểm soát toàn bộ Biển Đông”, ông Schuster nói.

Hình ảnh vệ tinh về các máy bay của Trung Quốc ở đá Chữ Thập. (Ảnh: ISI)
Hình ảnh vệ tinh về các máy bay của Trung Quốc ở đá Chữ Thập. (Ảnh: ISI)

Ông Schuster cũng cho rằng tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở Biển Đông, mà chiến lược xa hơn về hàng hải là: thống trị châu Á vào năm 2050. Khi kiểm soát được Biển Đông, Trung Quốc có khả năng bóp nghẹt tuyến thương mại quan trọng của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Đồng thời, chiến lược này đặt nền tảng quan trọng để Bắc Kinh đánh chiếm Đài Loan bằng quân sự.

"Chỉ chờ cơ hội tuyên bố" ADIZ trên Biển Đông

Ngày 31/5, tờ SCMP dẫn một nguồn tin giấu tên trong quân đội Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã lên kế hoạch lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông từ 2010 và "chỉ chờ cơ hội tuyên bố".

ADIZ dự kiến bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cùng quần đảo Đông Sa, hiện do Đài Loan kiểm soát. Trung Quốc hồi năm 2013 đã đơn phương tuyên bố lập ADIZ ở biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh và Tokyo tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Động thái này của Trung Quốc đã bị Nhật, Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới chỉ trích quyết liệt.

Trong khi Bắc Kinh cố gắng giấu kín vấn đề này, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết vào ngày 4/5 rằng họ đã biết về các kế hoạch của đại lục.

Khu vực Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. (Đồ họa: Google)
Khu vực Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. (Đồ họa: Google)

"Gậy ông đập lưng ông"?

Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nói với hãng tin BBC rằng, Trung Quốc sẽ gặp hậu quả nặng nề và bất lợi lớn nếu đơn phương, trái phép công bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Việc này sẽ "rất ảnh hưởng đối với chính tham vọng của họ khi muốn nhanh chóng rút ngắn khoảng cách để vươn lên vị trí siêu cường, đối chọi ở khu vực với Hoa Kỳ”, ông Trục nói.

"Các phản ứng từ Philippines, gần đây là Malaysia và nhất là mới đây từ Indonesia gửi công hàm lên Liên Hợp quốc phản đối yêu sách chủ quyền Đường Lưỡi bò của Trung Quốc và ủng hộ phán quyết của Tòa Thường trực Liên Hợp Quốc PCA xử cho Philippines thắng kiện Trung Quốc từ trước, là những động thái rất tích cực để trả lời, đồng thời ngăn cản có hiệu lực nhất những động thái, toan tính và mưu đồ này của Trung Quốc,” ông Trục giải thích thêm.

Tiến sỹ Trần Công Trục nói:

“Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ chuốc lấy hậu quả rất lớn về mặt pháp lý, nếu bây giờ đưa ra một sự vận dụng, giải thích mà cố tình bất chấp tất cả những nguyên tắc luật pháp quốc tế có liên quan hoạt động hàng không, trong lúc Trung Quốc vẫn đang là thành viên của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).

“Nếu họ cố tình công bố ADIZ để bảo vệ yêu sách phi lý của họ ở trên Biển Đông, Hoa Đông hay khu vực, thì càng làm cho quốc tế nhận rõ hơn âm mưu, bản chất hoạt động của họ trong các hoạt động và tất cả các khía cạnh, và như vậy khi bị bác bỏ, Trung Quốc sẽ rơi vào thế yếu về mặt pháp lý, về mặt chính trị cũng như ngoại giao và đặc biệt về mặt an ninh quốc phòng.

“Tôi cho rằng tuyên bố đó về ADIZ nếu đưa ra sẽ bị vô hiệu hóa, bởi vì các nước lớn có một nền hàng không mạnh chắc chắn sẽ có những biện pháp để không chấp hành tất cả những điều phi lý mà Trung Quốc đưa ra."

Xem thêm:



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

'Trung Quốc sẽ lập ADIZ ở Biển Đông vào đầu năm sau': Chuyên gia Mỹ dự báo