Trung Quốc đóng tàu tìm kiếm và cứu hộ 'to nhất thế giới' ở Biển Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tàu tuần dương sắp hoàn thành của Trung Quốc sẽ khiến các con tàu của những quốc gia khác trong vùng biển tranh chấp trở nên "nhỏ bé".

Trung Quốc sắp hoàn thành một tàu tìm kiếm và cứu hộ dài 137 m, rộng 27 m và sẽ giao cho Cục Cứu hộ Biển phía Nam.

Tàu này của Trung Quốc sẽ khiến các con tàu của những quốc gia khác trong vùng biển tranh chấp trở nên "nhỏ bé".

Trung Quốc cho biết đây sẽ là tàu tìm kiếm và cứu hộ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa xác nhận được thông tin này, theo đài RFA.

Nếu hoàn thành, chiếc tàu này sẽ lớn hơn đáng kể so với bất kỳ tàu cứu hộ nào trong khu vực và to hơn bất kỳ tàu bảo vệ bờ biển nào của các nước xung quanh Biển Đông.

Gần đây, tai nạn xảy ra ngày càng nhiều ở vùng Biển Đông và thường liên quan đến các loại tàu của Trung Quốc.

Một công ty của Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc đã công bố hoàn thành lắp đặt các bộ phận cố định cho tàu tìm kiếm cứu nạn hôm thứ Hai (25/5).

Hợp đồng đóng tàu được ký giữa Cục Cứu hộ Biển Đông và công ty con của Tập đoàn Trung Quốc có trụ sở tại Hong Kong vào tháng 11, theo tin được đưa trên trang web China Merchant Industrial Holdings. Lễ ký kết được Cục trưởng Cục Cứu hộ Biển Đông, Zhuang Zeping chứng kiến.

Theo hồ sơ dự thầu ban đầu của Bộ Tài chính, kế hoạch thiết kế và kỹ thuật cho con tàu cần được thực hiện trong tháng 5, sau đó là lắp ráp và sản xuất.

Chiếc tàu lớn nhất hiện tại của Trung Quốc là Dong Hai Jiu 101, cao 110 m, rộng 17 m, và sâu 7,6 m.

Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc điều hành nhiều văn phòng cứu hộ thuộc Cơ quan cứu hộ Trung Quốc (CRS). Cục Cứu hộ Biển Đông có trụ sở tại Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, đã thành lập các trung tâm cứu hộ khu vực trên các hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm đá Chữ Thập ở Trường Sa, và đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa. Tàu cứu hộ và tìm kiếm thường tuần tra tại các đảo nhân tạo như Subi Reef.

Tàu tuần dương sắp hoàn thành được coi là tàu cứu hộ và tìm kiếm tiên tiến nhất trong hạm đội Trung Quốc, có khả năng trục vớt các tàu ​​bị đắm bằng cần cẩu nặng 133 tấn.

Tuy nhiên, tính đến nay CRS vẫn chưa thực hiện nhiệm vụ giải cứu nào ở Biển Đông đến mức cần một con tàu lớn như vậy.

Được biết mục đích của tàu tuần dương lớn là để tìm kiếm và giải cứu người, tàu và máy bay gặp nạn ở Biển Đông, đồng thời tham gia vào các hoạt động cứu hộ quốc tế, và quyền lợi quốc gia.

CRS không thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc (CCG) và chỉ tập trung vào cứu hộ hàng hải hoặc cứu hộ sau các tai nạn trên biển liên quan đến vụ tại nạn của tàu hoặc thường dân.

Theo RFA, CRS ngày càng hoạt động nhiều trong vùng biển tranh chấp, nơi ngư dân Trung Quốc và dân quân hàng hải được khuyến khích hoạt động để khẳng định các yêu sách hàng hải tham vọng của Trung Quốc.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, kể từ khi thành lập trung tâm cứu hộ trên đá Chữ Thập, bốn nhiệm vụ giải cứu đã được hoàn thành.

Mới đây nhất, CRS đã giải cứu thuyền viên của một chiếc thuyền đánh cá tại quần đảo Hoàng Sa vào ngày 21/5, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.

Cuộc giải cứu diễn ra sau khi Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè hàng năm ở phía bắc vĩ tuyến 12 ở Biển Đông từ ngày 1/5. Lệnh cấm này là đơn phương, do đó phía Việt Nam và Philippines phản đối lệnh cấm này của Trung Quốc.

Nguyễn Minh



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đóng tàu tìm kiếm và cứu hộ 'to nhất thế giới' ở Biển Đông