Trung Quốc, Nga và Mỹ: Chuyển động quyền lực mới ở Trung Đông sau khi Soleimani bị tiêu diệt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các động thái quyền lực ở Trung Đông sau cái chết của Qassim Soleimani có thể sẽ được điều chỉnh giữa Iran, Trung Quốc và Nga đối với Hoa Kỳ. Theo các nhà phân tích địa chính trị, Iraq vốn bị kẹt giữa Hoa Kỳ và Iran và ngày càng bị đẩy về phía Trung Quốc, được bổ sung vào biến động này.

“Nói một cách thẳng thắn, Chính phủ Iran sẽ vẫn gần gũi với Bắc Kinh hơn bao giờ hết. Bởi vì Teheran biết rõ rằng Nga không thể là thế lực duy nhất có thể cân bằng quyền lực đối với quyền bá chủ của Mỹ ở Trung Đông”, Esra Serim, một nhà phân tích người Thổ Nhĩ Kỳ tại Pháp, trao đổi với The Epoch Times trong một email.

Bà Serim tin rằng Tehran cần sự hiện diện và hỗ trợ của cả Nga và Trung Quốc sau cái chết của Soleimani, để “đối trọng với Washington và Tel-Aviv trong khu vực”.

Về mối quan hệ giữa Iran, Nga và Trung Quốc, bà nói: “Ngoài quan hệ kinh tế giữa Iran và Nga/Trung Quốc, Tehran còn có quan hệ quân sự mạnh mẽ với họ, như chuyển giao công nghệ và thiết bị quân sự, và thậm chí cả các dịch vụ cơ sở hạ tầng cho các cơ sở hạt nhân của Iran”.

Kanishkan Sathasivam, một nhà phân tích địa chính trị tại Massachusetts, trao đổi với The Epoch Times rằng ông nghĩ sẽ có một sự cải thiện đáng chú ý trong mối quan hệ giữa Iran và Trung Quốc sau cái chết của Soleimani, nhưng Iraq mới là cơ hội mới nổi bật hơn cả đối với Trung Quốc và Nga. “Tôi tin là mối quan hệ của họ sẽ phát triển đáng kể”.

“Ngược lại, Iraq mở ra nhiều cơ hội hơn vì Iraq là đối phương của Hoa Kỳ, và những ảnh hưởng của Hoa Kỳ sẽ có thể bị Trung Quốc thay thế. Vì vậy, tôi nghĩ cả Nga và Trung Quốc giờ đây sẽ rất nỗ lực để tạo được ảnh hưởng với chính phủ Iraq, cho Iraq thấy việc họ thay thế Hoa Kỳ là khả thi”.

Sam Bazzi, một chuyên gia về Trung Đông người Lebanon tại Hoa Kỳ, trao đổi với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn bằng văn bản rằng, sau cái chết của Soleimani, cả Iran và Iraq đều cần Trung Quốc hơn vì chỉ có Trung Quốc có thể cứu họ trước sự trừng phạt kinh tế của Mỹ.

“Ưu điểm mà Trung Quốc mang lại là họ sẵn sàng tham gia trao đổi hàng hóa và dầu để thực hiện các dự án lớn như tái thiết, phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp hóa với chi phí khá thấp (so với giá trị dầu)”, ông cho biết.

Trung Quốc và Iran gần đây đã tìm ra một phương án khác để vượt qua lệnh trừng phạt của Mỹ. Năm ngoái, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận cung cấp dầu trong nhiều thập kỷ và thỏa thuận này sẽ bơm 280 tỷ đô la vào ngành công nghiệp hóa dầu của Iran - tất cả đều được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, như vậy họ đã bỏ qua hệ thống thiết lập mua bán dầu quốc tế bằng đồng đô-la Mỹ, theo tờ nhật báo The Telegraph.

Trung Quốc và Nga dùng biện pháp ngoại giao để bảo vệ Iran

Trong tình hình tiến triển sau cái chết của Soleimani, Trung Quốc và Nga đã có động thái ngoại giao để làm giảm vị thế của Mỹ với Iran, bởi vì việc Mỹ tiêu diệt tư lệnh của Iran trên lãnh thổ Iraq cũng chứa đựng hàm ý chiến lược đối với họ.

Một ngày sau khi Soleimani bị giết, Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị đã nói chuyện qua điện thoại với Ngoại trưởng Iran, ông Mohammad Javad Zarif, rằng Trung Quốc đóng vai trò xây dựng trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở Trung Đông, theo Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc.

Vào ngày 5 tháng 1, ông Vương cũng đã nói chuyện với người đồng cấp Nga, ông Vladimir Lavrov, để thảo luận về tình hình mới ở Trung Đông. Ông Vương phản đối việc lạm dụng “lực lượng quân sự” và cảnh báo “chủ nghĩa phiêu lưu quân sự” của Hoa Kỳ, theo Thông tấn xã Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Sathasivam giải thích rằng Trung Quốc và Nga đã nhanh chóng phản ứng trước chiến lược răn đe của Hoa Kỳ đối với Iran vì động thái này gây tác động đến họ. Chiến lược răn đe bao gồm “khả năng chính trị quân sự (sức mạnh và công nghệ quân sự) và các nguyên tắc đại diện cho chiến lược lớn của quốc gia”, theo Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng (IDSA).

Ông Sathasivam nói rằng Hoa Kỳ đã khôi phục tình trạng răn đe được một thời gian, nhưng vụ tiêu diệt Soleimani đã khiến tình hình thay đổi.

“Hoa Kỳ đã dần dần rút bỏ vị thế răn đe đối với Iran trong nhiều năm qua, từ thời Tổng thống GW Bush, và đặc biệt là thời Tổng thống Obama. Những gì mà Tổng thống Donald Trump vừa mới làm rất thành công chính là để tái thiết lập chiến lược răn đe đối với Iran”, ông nói.

“Và, khi bạn thiết lập chiến lược răn đe với một quốc gia, điều đó cũng giúp thiết lập sự răn đe với các đối thủ tiềm năng khác, ví dụ như Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên.”

Tuy nhiên, ông Sathasivam cũng nói thêm rằng chúng ta không thể kết luận từ những diễn biến này rằng Trung Quốc và Nga đã sẵn sàng gây chiến với Hoa Kỳ vì Iran.

“Một quan điểm hiện thực quan trọng là các quốc gia giúp đỡ nhau vì lợi ích chung, nhưng sẽ chỉ sẵn sàng chiến đấu vì lợi ích của chính họ và không bao giờ vì lợi ích của quốc gia khác. Ngay cả Nga cũng sẽ không bao giờ tham chiến chiến với Hoa Kỳ thay cho Iran”, ông cho biết.

Serim, nhà nghiên cứu cao cấp và tiến sĩ tại Đại học Aix Marseille, cho rằng Trung Quốc đã can thiệp vì không đủ khả năng đối phó nếu xảy ra chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Iran.

Bất kỳ cuộc chiến nào tại khu vực Trung Đông đều có thể gây tổn hại cho các khoản đầu tư hiện tại của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở Iraq và Iran, cũng như tại các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và Ai Cập. Kể từ bây giờ, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc và người thay đổi tình hình Trung Đông. Trung Quốc muốn đề cao vị thế trong khu vực bằng quyền lực mềm”, bà Serim giải thích.

Vì vậy, trong khi Trung Quốc và đồng minh là Nga lên án vụ tấn công đêm giao thừa vào Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Baghdad, bộ đôi này cũng chặn tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án vụ tấn công này vì nó đã không đề cập đến vụ tiêu diệt Soleimani sau đó.

Ông Sathasivam cho biết: “Đây là một phương pháp ngoại giao hiện thực cổ điển. Nếu là Đại sứ quán Nga hoặc Đại sứ quán Trung Quốc bị tấn công theo cách này, thì Nga và Trung Quốc sẽ phẫn nộ. Nhưng bởi vì đó là Đại sứ quán của đất nước mà họ xem là đối thủ, nên họ đã có phản ứng trái chiều”.

Theo bà Serim, giống như khu vực Thái Bình Dương, Trung Quốc ngày càng là mối đe dọa đối với Washington ở Trung Đông. “Bởi vì, khác với Max-cơ-va, Bắc Kinh đã nhiều năm là đồng minh ngầm của Iran. Ví dụ, Bắc Kinh và Tehran từ lâu đã và đang tổ chức tập trận hải quân và quân sự chung ở eo biển Hormoz, nơi quá cảnh của các tàu dầu và khí đốt. Họ công khai điều này.”

Theo tờ nhật báo Telegraph, trước cái chết của Soleimani, Trung Quốc đã quyết định đầu tư 120 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng giao thông của Iran cũng như triển khai 5.000 nhân viên an ninh Trung Quốc để bảo vệ tài sản của Iran và các tàu dầu trên đường từ Iran đến Trung Quốc.

Bà Serim tin rằng các đồng minh của Hoa Kỳ, vì lợi ích kinh tế của chính họ, sẽ không muốn tham gia vào các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực và cũng không muốn “chống lại Trung Quốc.”

Ông Sathasivam nói: “Hầu như tất cả các đồng minh của Hoa Kỳ đều vẫn đang làm ăn với Trung Quốc, như một cường quốc thay thế cho Hoa Kỳ”.

Theo ông Sathasivam, tất cả mọi tình huống như thế này đều có động thái duy nhất là gây ảnh hưởng và đem lại quyền lực.

“Trong tình hình Trung Đông và tình hình thế giới hiện nay, Hoa Kỳ có ảnh hưởng và quyền lực vô cùng lớn. Vì vậy, mọi quốc gia khác khi muốn trở nên mạnh hơn đương nhiên sẽ nhắm mục tiêu vào Hoa Kỳ, và chúng ta có một bên là Hoa Kỳ và bên kia là bất kể quốc gia nào khác. Nếu trong tương lai quyền lực và ảnh hưởng của Hoa Kỳ giảm đi và các quốc gia khác này mạnh hơn, thì chắc chắn họ cũng sẽ bắt đầu cạnh tranh với nhau.”

Iraq muốn Hoa Kỳ rút quân, Trung Quốc sẽ thay thế?

Do Soleimani bị giết trên lãnh thổ của Iraq và vì đây cũng là nơi đồn trú nhiều căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, Iraq hiển nhiên trở thành mục tiêu của các tên lửa của Iran. Sau cuộc không kích, chính phủ Iraq đã cố gắng tạo khoảng cách quân sự với Hoa Kỳ và nói về Trung Quốc nhiều hơn.

Sau khi Soleimani bị tiêu diệt, tình hình giữa Iraq và Hoa Kỳ đã phát triển đến mức thủ tướng sắp mãn nhiệm của Iraq, ông Adil Abdul al-Mahdi trong một cuộc điện thoại ngày 9 tháng 1 đã yêu cầu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Mike Pompeo lên kế hoạch rút quân.

Ngày 5 tháng 1, chính phủ Iraq bắt đầu nghiêm túc nói về việc Mỹ rút quân khi Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết không ràng buộc để trục xuất quân đội nước ngoài ra khỏi đất nước. Ngay ngày hôm sau, ông al-Mahdi đã tiếp ông Zhang Tao, Đại sứ Trung Quốc tại Iraq. Ông này bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho Iraq

“Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Iraq đã gặp đại diện thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để đánh giá ý định của Bắc Kinh trong giai đoạn sắp tới vì ông có thể hoàn toàn dự đoán được sự leo thang quân sự”, ông Joseph A. Kéchichian, một thành viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu và tìm hiểu Hồi giáo King Faisal ở Riyadh, Ả Rập Xê-út, viết trong email gửi tới The Epoch Times.

“Đổi lại, Trung Quốc quan tâm đến động thái của Abdul Mahdi, khi ông này đang nỗ lực tìm cách cứu vãn chút chủ quyền còn lại của đất nước mình”, ông Kechichian nói.

Ngày Thủ tướng al-Mahdi gặp đại sứ Zhang, Đại sứ Iraq tại Liên Hợp Quốc Mohammed Hussein Bahr Aluloom đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án cuộc không kích của Hoa Kỳ và cái chết của Soleimani cùng một chỉ huy dân quân cấp cao của Iraq.

Iraq lên án cuộc không kích của Hoa Kỳ đã giết chết chỉ huy quân sự hàng đầu của Iran là một “vi phạm trắng trợn” đối với các điều khoản về sự có mặt của lực lượng Mỹ trên đất nước Iraq và là “sự leo thang nguy hiểm có thể gây ra một cuộc chiến tàn khốc ở Iraq, trong khu vực và trên thế giới”.

Bazzi, một sáng lập viên của Hezbollah Watch, nói với The Epoch Times rằng cuộc gặp mặt giữa ông al-Mahdi và ông Zhang không phải là sự hứa hẹn cấp cao.

Tuy nhiên, như Bazzi đề cập, nó đã được khuếch đại để làm nổi bật Trục Kháng cự của các quốc gia có mong muốn và quyết định viện đến Trung Quốc để thay thế cho Hoa Kỳ và các cường quốc khác. Điều này phù hợp với lời kêu gọi để Beirut mở cửa cho các nhà đầu tư Trung Quốc của Tổng thư ký Hezbollah, ông Sayyed Hassan Nasrallah.

Trục Kháng cự là liên minh giữa Iran, Syria và Hezbollah - tổ chức dân quân ủy nhiệm của Iran tại Lebanon, để chống lại phương Tây và Tel Aviv. Bazzi nói: “Ông Nasrallah đã ám chỉ sự đầu tư của Trung Quốc ngay cả trong bài phát biểu của ông sau cái chết của Soleimani”.

Bà Serim cũng bày tỏ những quan điểm tương tự về sự phụ thuộc kinh tế của Iraq vào Trung Quốc sau cái chết của Soleimani. “Trung Quốc vẫn rất sẵn lòng đầu tư và đóng vai trò kinh tế và chính trị ở Iraq cũng như các khoản đầu tư lớn, cùng với các công ty/ngân hàng châu Âu ở Iran.”

Bà nói Iraq sẽ sử dụng mối quan hệ với Trung Quốc và Nga như một quân át chủ bài và sẽ cố gắng sử dụng quan hệ này để để “vượt qua các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ”.

Bất chấp lệnh trừng phạt, “Baghdad sẽ đẩy mạnh ký kết các thỏa thuận thương mại và dầu mỏ với cả Nga và Trung Quốc”.

Tuy nhiên, ông Kéchichian tin rằng những diễn biến ở Trung Đông không biểu thị ý nghĩa là Trung Đông đang tìm kiếm phương án thay thế Hoa Kỳ. “Đây là phương án tốt nhất nhưng mọi người đều có quyền được ảo tưởng”, ông nói.

Một nhà phân tích cao cấp, tác giả của nhiều cuốn sách về Ả Rập Xê-út, cũng nói rằng cả Trung Quốc và Nga đều sẽ đưa ra dòng cảnh báo khi tiếp tục các mối quan hệ với Iran và Iraq.

“Thời gian sẽ cho biết liệu có hay không việc Trung Quốc và Nga sẽ đánh dấu các vị trí của họ trong khu vực. Cho đến nay, nó giống như một mặt trận nổi loạn (rejectionist front), mặc dù cả hai quốc gia là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều biết rằng lợi ích lâu dài của họ là với các cường quốc kinh tế hàng đầu của phương Tây”, ông Kéchichian nói.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc, Nga và Mỹ: Chuyển động quyền lực mới ở Trung Đông sau khi Soleimani bị tiêu diệt