Trung Quốc là quốc gia có điểm thực thi tự do mạng “thấp nhất", báo cáo của Freedom House 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc một lần nữa lại được xếp hạng “thấp nhất” trong danh sách các quốc gia thực hiện tự do mạng. Theo báo cáo của Freedom House (4/11), đây là các chính quyền của quốc gia đã tăng cường lạm dụng internet cho mục đích quản lý xã hội và chính trị trong năm qua. 

Một nhóm nhân quyền đã phát biểu trong một báo cáo hàng năm về tự do mạng rằng: “Trung Quốc được xếp hạng là quốc gia có điểm “thấp nhất" liên tiếp 4 năm qua về tự do mạng".

Bản báo cáo được khảo sát ý kiến ở 65 quốc gia và đã đưa ra kết luận: 33 quốc gia trong số đó đã suy giảm tổng điểm tự do mạng so với năm trước đó. Điểm chấm được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố bao gồm những rào cản truy cập internet ở quốc gia đó, những giới hạn về mặt nội dung đăng tải, và các vi phạm quyền người dùng internet.

Báo cáo này cũng đề cập có ít nhất 40 quốc gia, bao gồm Trung Quốc đều sở hữu các chương trình giám sát mạng xã hội tiên tiến.

Về vấn đề kiểm duyệt

Bản báo cáo cho biết: “Vấn đề kiểm duyệt tại Trung Quốc đã đạt ở mức “cực đoan chưa từng có” khi chính quyền này đã gia tăng việc kiểm soát thông tin trước buổi lễ kỷ niệm 30 năm thảm sát Thiên An Môn và để đối phó với các cuộc biểu tình chống chính phủ của Hồng Kông".

Trung Quốc chỉ nhận tổng điểm 10/100, thấp hơn 2 điểm so với năm trước đó.

Vào ngày 4/6/1989, quân đội Trung Quốc đã nổ súng vào dân thường không vũ trang trên quảng trường Thiên An Môn để dẹp tan các cuộc diễu hành ủng hộ dân chủ. Hàng ngàn người đã bị giết. Chính quyền Trung Quốc đã phủ nhận việc chính họ đã khởi xướng đàn áp bạo lực, và bất kỳ bàn luận nào về các động thái chống đối chính quyền đều là điều cấm kỵ tại Trung Quốc.

Freedom House đã giải thích làm cách nào các nhà chức trách Trung Quốc triệt hạ các đường truyền mạng trong khu vực, bao gồm Thượng Hải, và phía Nam tỉnh Quảng Đông - đây được xem là một biện pháp kiểm duyệt để đề phòng cho sự kiện kỷ niệm 30 năm đàn áp Thiên An Môn vào ngày 4/6 năm nay.

Bản báo cáo cũng cho biết Trung Quốc đã xoá sổ các bài đăng trên truyền thông mạng xã hội liên quan đến cuộc biểu tình của Hồng Kông khỏi các trang phổ biến như Weibo, và những bài có từ khóa như “công an", “công lý" đều bị xoá sạch.

Các cuộc biểu tình diện rộng tại Hồng Kông, hiện đã sang tháng thứ 5 kể từ khi hàng triệu người bắt đầu xuống đường vào tháng 6 vừa qua, đã lôi kéo các cuộc điều tra độc lập cho các trường hợp bạo lực chống lại người biểu tình, và đòi hỏi phải có bầu cử phổ thông trong thành phố.

Đồng thời, chính quyền Trung Quốc cũng đã bắt bớ và giam giữ các cư dân mạng Trung Quốc cất tiếng ủng hộ cho Hồng Kông trên bất kỳ kênh mạng nào. Các nhà chức trách Trung Quốc còn đóng các tài khoản Weibo cá nhân có các hành vi được xem là “lệch lạc”, chẳng hạn như việc viết các bình luận về các thiên tai môi trường!

Bản báo cáo khẳng định như sau: “Tổng quan về các thông tin trên mạng tại Trung Quốc cho thấy sự đa dạng thông tin đã giảm trầm trọng so với cách đây 5 năm, lý do là vì việc xét duyệt quá gắt gao, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến các nhà hoạt động xã hội dân sự, các nhà báo điều tra, và kênh truyền thông cá nhân” đều bị kiểm duyệt và khống chế. Các kênh truyền thông cá nhân ở đây chính là các tài khoản mạng xã hội thường hay cung cấp các tin tức và bình luận.

Một ví dụ điển hình là trường hợp ở Tân Cương, những người đạo Hồi thiểu số và Duy Ngô Nhĩ đang bị đàn áp nặng nề và bị giam giữ trong các trại tập trung, vì vậy các thông tin nội dung được viết theo ngôn ngữ Duy Ngô Nhĩ và các tin tức liên quan đều bị kiểm duyệt vô cùng gắt gao. Trong khi đó, các bài đăng về Hồi giáo và bài ngoại thì được cho phép truyền bá trên mạng tại Trung Quốc.

Các năm gần đây, các nhóm tôn giáo, điển hình là các học viên Pháp Luân Công nếu thực hiện các hoạt động trên mạng như truy cập các website bị cấm, hoặc viết các tin nhắn hay bình luận liên quan đến lạm dụng nhân quyền trên các kênh mạng xã hội sẽ bị chính quyền Trung Quốc bắt bỏ tù. Pháp Luân Công là một môn tu tập tinh thần cổ xưa, bao gồm các bài tập khí công và các bài giảng về tâm tính và đạo đức, được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992. Sau vài năm, sự phát triển của nhóm này đã vượt xa số lượng thành viên của Đảng cộng sản Trung Quốc Đến năm 1999, Giang Trạch Dân đã chính thức phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Hàng trăm ngàn người đã bị bắt bỏ tù, bị lao động cưỡng bức và một số khác bị mổ cướp nội tạng.

Về vấn đề giám sát

Trung Quốc còn tích cực phát triển và cho ra đời các công cụ giám sát truyền thông mạng xã hội.

Báo cáo đã xác định rõ, một công ty tư nhân tại Trung Quốc có tên là “Semptian”, có trụ sở tại phía nam thành phố Thâm Quyến, đã quảng bá cho sản phẩm - một loại hệ thống giám sát có tên là “Aegis", bên cạnh sản phẩm “tường lửa quốc gia", bắt chước phần mềm Tường lửa Great Wall của Trung Quốc có chức năng khóa các website của nước ngoài.

Theo thông tin trên trang web của chính quyền Thâm Quyến, Semptian đã nhận được tổng đầu tư của chính phủ ít nhất là 300 ngàn tệ (xấp xỉ 1 tỉ đồng) vào năm 2018.

Được biết, rất nhiều các chính quyền thuộc cấp tỉnh của Trung Quốc đã phát triển hệ thống dữ liệu đám mây “Police Cloud" để tổng hợp lưu trữ các loại dữ liệu bao gồm tất cả các tài khoản mạng xã hội của nhân dân, hồ sơ viễn thông, các hoạt động thương mại điện tử, dữ liệu sinh trắc và các cảnh quay giám sát.

Các dữ liệu này sau đó sẽ được dùng để theo dõi các cá nhân nào đang có tương tác với các “thành phần đáng lo ngại" hoặc để theo dõi các nhóm dân tộc bị liệt vào danh sách theo dõi của chính quyền Trung Quốc (Hồi giáo, Duy Ngô Nhĩ…)

Ông Adrian Shahbaz, giám đốc nghiên cứu của Freedom House về công nghệ và dân chủ, đã đưa ra những lo ngại về việc công nghệ này đang dần lan tỏa ra khắp thế giới. Phỏng vấn với báo chí, ông cho biết: “Các công cụ gián điệp chứa dữ liệu lớn đang trên đường lan rộng ra khắp thế giới,... những tiến bộ trong công nghệ AI đã khiến thị trường bùng nổ, và không chịu bó buộc kiểm soát nào để phục vụ cho mục tiêu giám sát mạng truyền thông xã hội".

Bạch Như (biên dịch)

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc là quốc gia có điểm thực thi tự do mạng “thấp nhất", báo cáo của Freedom House