Trung Quốc đồng ý điều tra nguồn gốc virus Corona Vũ Hán, mưu tính đằng sau là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, thái độ của Bắc Kinh đối với việc điều tra nguồn gốc của virus Corona Vũ Hán đã có sự chuyển biến, từ phản đối gay gắt đến nay đã chuyển thành đồng thuận. Vậy mưu tính đằng sau sự thay đổi này là gì? Ngoài ra, tại sao kết quả điều tra độc lập của WHO về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại không đáng tin cậy?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có đến 194 quốc gia thành viên, bao gồm Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hôm 19/5, tại Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), tất cả các nước thành viên đã thông qua một nghị quyết yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra “đánh giá độc lập” về phản ứng của toàn cầu đối với đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Nghị quyết này cũng yêu cầu điều tra vai trò của WHO trong trận đại dịch này.

Nghị quyết này đã được nhất trí thông qua bởi 194 quốc gia thành viên tham dự cuộc họp, kêu gọi WHO điều tra "nguồn gốc và cách lây truyền sang người của virus [Corona Vũ Hán]”, đồng thời đề nghị cuộc điều tra này cần được "đánh giá công bằng, độc lập và toàn diện".

Trước đó, Úc đã yêu cầu điều tra về nguồn gốc virus Corona Vũ Hán và vai trò của ĐCSTQ trong đại dịch lần này. Chính quyền Bắc Kinh đã có hành động “trả đũa” và chứng minh tầm ảnh hưởng của mình khi áp đặt thuế quan thương mại mới để đe dọa Úc.

Giới chức Trung Quốc đã chỉ trích các quan chức Úc “là những người vô trách nhiệm” và cáo buộc Úc đang phá hoại các nỗ lực toàn cầu khi nước này kêu gọi một cuộc điều tra về virus Corona Vũ Hán.

Hôm 20/5, tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo nói rằng những lời ĐCSTQ đe dọa đối với Úc là “không thích đáng”. Ông nói: "Chúng tôi đứng về phía Úc và hơn 120 quốc gia khác. Họ đã hưởng ứng lời kêu gọi của Hoa Kỳ cho một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus Corona Vũ Hán, để chúng ta có thể hiểu vấn đề nằm ở đâu và cứu sống nhiều người hơn nữa, cả ở hiện tại và trong tương lai".

Theo CNN, mặc dù nghị quyết được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua hôm 19/5 hoàn toàn sử dụng ngôn từ ngoại giao, không vạch rõ quốc gia cụ thể, nhưng nghị quyết bắt nguồn từ lời kêu gọi của Úc về một cuộc điều tra đối với ứng phó thất bại của ĐCSTQ trong giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh.

WHO cuối cùng đã bác bỏ đề xuất của Canberra (Úc), và chọn áp dụng một cuộc bỏ phiếu từ các nước Liên minh Châu Âu. Nhưng ít ra đây cũng là một sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, bày tỏ sự bất mãn về việc che giấu và ứng phó của ĐCSTQ đối với dịch bệnh bắt nguồn từ Vũ Hán này.

Tập Cận Bình phát biểu tại WHA, có ý muốn đổ thừa trách nhiệm

Bắc Kinh trước nay luôn phản đối mạnh mẽ bất kỳ cuộc điều tra nào của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả những người phụ trách điều tra của WHO.

Tuy nhiên, khi phát biểu tại cuộc họp thường niên giữa các thành viên của WHO hôm 18/5, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có thái độ ôn hòa hơn. Ông Tập nói rằng “ĐCSTQ ủng hộ việc đánh giá toàn diện về phản ứng toàn cầu đối với dịch bệnh sau khi dịch bệnh toàn cầu được kiểm soát”. Đồng thời, ông Tập cũng chỉ ra rằng “công việc này đòi hỏi một thái độ [làm việc] khoa học và chuyên nghiệp, đòi hỏi WHO phải lãnh đạo và tuân thủ các nguyên tắc khách quan và công bằng”.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Hoa Kỳ, nói với tờ Financial Times rằng: ông Tập Cận Bình hiện đang cố gắng chống lại sự chỉ trích toàn cầu về cách thức ĐCSTQ xử lý khi dịch bệnh giai đoạn đầu bùng phát. Sự chỉ trích của Washington đối với ĐCSTQ đã đạt đến một mức cao hơn dự kiến, cho thấy tình hình này vẫn sẽ tiếp tục gia tăng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 tới.

"Ông Tập Cận Bình rất coi trọng việc tự bảo vệ. Ông ấy phải ngăn chặn thế giới lên án ĐCSTQ và tìm kiếm sự ủng hộ", bà nói.

Bà Bonnie Glaser chỉ ra rằng, bài phát biểu của Tập Cận Bình tại WHA cho thấy giọng điệu của ông tương tự như khi ông lên tiếng về việc bảo vệ toàn cầu hóa tại hội nghị Davos năm 2017.

"Vào thời điểm đó, có quan điểm cho rằng ĐCSTQ sẽ trở thành nhà vô địch toàn cầu hóa và là người bảo vệ trật tự đa phương", bà nói. "Tôi nhớ rằng nhiều người châu Âu đã nghĩ rằng Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo mới của thế giới".

Thực tế ĐCSTQ vẫn luôn phá vỡ các quy tắc toàn cầu, mà không phải là một quốc gia tuân thủ các quy tắc. Bà Bonnie Glaser nói thêm: "Tôi nghĩ chúng ta không nên mong đợi chính quyền Trung Quốc sẽ trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại của trật tự đa phương".

Bà cho biết, bà hy vọng rằng quan điểm của mọi người về chính quyền Bắc Kinh ngày nay sẽ càng "trở nên thực tế và tỉnh táo hơn".

ĐCSTQ đồng ý cuộc điều tra là ‘cuộc chơi’ dài hạn

Tiếp đến, ông Tập Cận Bình cam kết không ‘vượt quá’ phạm vi những chỉ trích trước đó đối với Bắc Kinh. Các quan chức của ĐCSTQ đã bày tỏ sự ủng hộ tương tự đối với cuộc điều tra do WHO đứng đầu về nguồn gốc và sự lây lan của virus Corona Vũ Hán trên toàn cầu. Tuy nhiên, họ cũng đặt ra thêm một số điều kiện.

Ngày 06/5, đại sứ Trung Quốc Trần Húc (Chen Xu) tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở Geneva, đã được hỏi trong cuộc họp trực tuyến rằng khi nào WHO sẽ nhận được lời mời từ Trung Quốc để một lần nữa đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc của virus Corona Vũ Hán. Vào thời điểm đó ông Trần Húc nói rằng, ĐCSTQ sẽ không cho phép cộng đồng quốc tế điều tra nguồn gốc của virus Corona Vũ Hán trước khi đạt được "chiến thắng cuối cùng" chống lại trận đại dịch này.

Đồng thời, ông Trần Húc cũng nói rằng ĐCSTQ "không dị ứng với bất kỳ hình thức điều tra, yêu cầu hoặc đánh giá nào".

CNN cho biết, ông Tập Cận Bình đồng ý cuộc điều tra là "chơi một cuộc chơi dài hạn", và nên cung cấp cho chính phủ Trung Quốc nhiều hướng đi để tránh hậu quả tiềm tàng sau này.

"Đại dịch đã làm tổn hại nghiêm trọng đến vị thế của Trung Quốc. Nhưng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại WHA ngụ ý rằng, về lâu dài, tác động của bất kỳ cuộc điều tra nào có thể ảnh hưởng tới ông ấy là rất nhỏ", bài báo viết.

Do tính phức tạp và tính toàn cầu của cuộc điều tra, khó có thể tưởng tượng rằng WHO có thể tiến hành điều tra ngoài phạm vi thẩm quyền của mình. Về lý thuyết, các cuộc điều tra có thể được WHO hỗ trợ, nếu không có bất kỳ tác động tiềm tàng nào thì tổ chức này có thể tự do tìm kiếm các kênh điều tra của riêng mình, và công bố kết quả điều tra mà không phải lo lắng về hậu quả chính trị.

Nhưng ngay cả với một nhóm điều tra hoàn hảo về mặt lý thuyết và không có bất kỳ áp lực chính trị nào, ĐCSTQ cũng sẽ trì hoãn việc điều tra về nguồn gốc của virus Corona Vũ Hán.

Ngoài ra, các cuộc điều tra toàn diện về virus Corona Vũ Hán cũng sẽ mất rất nhiều năm để hoàn thành. Nếu các quốc gia không xem xét việc ĐCSTQ muốn trì hoãn cuộc điều tra này, và bị phụ thuộc vào các lợi ích kinh tế trong mối quan hệ với ĐCSTQ, trở thành một “chư hầu” cho chính quyền Trung Quốc, đến lúc này sẽ không còn gì để điều tra.

Mặt khác, một cuộc điều tra độc lập do WHO dẫn đầu gần như không có được mức độ tín nhiệm cao. Theo CNN đưa tin, cuộc điều tra do WHO đứng đầu khó có thể thể trấn an các tổ chức lên tiếng chỉ trích ĐCSTQ và tổ chức này, vì cuộc điều tra không có "tính khách quan và công bằng" trong khi các quan chức cấp cao của WHO quá “thân thiết” với chính quyền Bắc Kinh.

Đối với lời cam kết của ông Tập Cận Bình rằng sẽ hỗ trợ cho WHO 2 tỷ USD (khoảng 46.519 tỷ VNĐ) trong vòng 2 năm, nhiều người đánh giá ĐCSTQ đang muốn tích trữ một khoản nợ chính trị để đổi lại sự đền đáp.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo một lần nữa chỉ trích mối quan hệ giữa ĐCSTQ và Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

"Tôi biết rằng mối quan hệ thân mật khác thường của ông Tedros với Bắc Kinh đã bắt đầu từ rất lâu trước khi đại dịch này xảy ra, điều này rất đáng lo ngại", ông Pompeo nói.

Lý Tịnh

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đồng ý điều tra nguồn gốc virus Corona Vũ Hán, mưu tính đằng sau là gì?