Trung Quốc đồng loạt tẩy chay H&M, Nike và nhiều thương hiệu lớn vì tuyên bố ‘không sử dụng bông Tân Cương’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc và châu Âu, một số thương hiệu thời trang lớn như H&M, Nike, Uniqlo, v.v. đã trở thành mục tiêu của các kênh truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì tuyên bố không sử dụng bông Tân Cương vào năm ngoái. Dưới sự xúi giục của các kênh truyền thông của đảng, làn sóng tẩy chay các thương hiệu này đã nổ ra ở Trung Quốc, trong đó bao gồm những bình luận lăng mạ trên các trang mạng xã hội, và nhiều nền tảng và ứng dụng (APP) thương mại điện tử lớn đã gỡ các sản phẩm của H&M.

Vào lúc 10h48 sáng ngày 24/3 (theo giờ Bắc Kinh), “Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản” đã đăng một bức ảnh chụp màn hình của Tập đoàn H&M về "Tuyên bố liên quan đến hoạt động thẩm tra" bằng tiếng Anh và tiếng Trung trên Weibo, đồng thời kèm theo dòng chữ: “Vừa tung tin đồn tẩy chay bông Tân Cương, vừa muốn kiếm tiền ở Trung Quốc? Đúng là hoang tưởng!”

Nội dung trong tuyên bố của Tập đoàn H&M cho thấy, công ty này bày tỏ quan ngại sâu sắc về các cáo buộc lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử đối với người dân tộc thiểu số và tôn giáo ở Tân Cương, đồng thời cho biết sẽ không hợp tác với bất kỳ nhà máy sản xuất may mặc nào ở Khu tự trị Tân Cương, cũng như không mua hàng từ khu vực này.

Hình ảnh được đăng bởi tài khoản Weibo của "Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản", trong đó "XUAR" là từ viết tắt tiếng Anh của "Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương" (Xinjiang Uyghur Autonomous Region). (Nguồn ảnh: Weibo)
Hình ảnh được đăng bởi tài khoản Weibo của "Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản", trong đó "XUAR" là từ viết tắt tiếng Anh của "Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương" (Xinjiang Uyghur Autonomous Region). (Nguồn ảnh: Weibo)

Đến 11h40 phút, tài khoản weibo của “Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản” liên tục đăng nhiều bài viết khác, kèm theo các hình ảnh và dòng chữ, yêu cầu H&M "ngừng công bố thông tin sai lệch ngay lập tức”.

H&M拒新疆棉 中共因遭制裁突掀抵制潮

Tối ngày 24/3, CCTV và Tân Hoa xã, hai cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ cũng liên tục đăng các bài bình luận, chỉ trích thương hiệu H&M này vì "ăn cơm của Trung Quốc, nhưng lại đập nồi Trung Quốc". (Đồng nghĩa với câu tục ngữ "Ăn cháo đá bát" của Việt Nam)

Hàng loạt hoạt động xúi giục đã khiến một lượng lớn "Tiểu phấn hồng" sôi sục lòng thù hận, họ kêu gọi "kiên quyết tẩy chay", "hãy khiến H&M cút khỏi Trung Quốc", v.v. Công ty của Tống Thiến và Hoàng Hiên, 2 diễn viên kiêm đại sứ thương hiệu của H&M cũng đưa ra thông báo ngừng hợp tác với hãng sau vụ việc.

Hiện tại, trên các nền tảng như Taobao, JD, Tmall, Pinduoduo, Vipshop, Suning, v.v. cũng không thể tìm thấy cửa hàng và sản phẩm của H&M.

Nhiều cửa hàng điện tử và ứng dụng thương mại đồng loạt gỡ H&M

Các nền tảng thương mại điện tử của Alibaba như Taobao, JD, Pinduoduo, v.v. đã chặn cửa hàng và các sản phẩm liên quan của H&M. APP chính thức của H&M cũng bị rất nhiều cửa hàng ứng dụng gỡ bỏ.

Tối ngày 24/3, tất cả các tìm kiếm về "H&M" hay "HM" trên APP Taobao và Tmall đều không có kết quả, bao gồm cả các nền tảng thương mại điện tử như Pinduoduo, Vipshop, Suning cũng không thể tìm thấy cửa hàng và sản phẩm của H&M.

Ngoài ra, APP H&M còn bị gỡ khỏi kho ứng dụng của nhiều hãng sản xuất điện thoại. Theo một thống kê chưa đầy đủ, tính đến 22h30 ngày 24/3, kho ứng dụng của một số hãng sản xuất điện thoại như Huawei, Xiaomi, VIVO, Tencent, v.v. đều đã gỡ APP H&M.

Thậm chí, các tìm kiếm liên quan đến “HM” và “H&M” trên trang web hay APP Baidu Map cũng không thể tìm thấy các địa chỉ liên quan.

Nike, Uniqlo cũng trở thành đối tượng bị “bao vây”

Tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin rằng, ngoài H&M, những doanh nghiệp là đối tác của tổ chức phi lợi nhuận quốc tế "Hiệp hội Bông tốt hơn" (BCI) như Nike、Uniqlo cũng từ chối sử dụng bông Tân Cương.

Trên Internet Trung Quốc bắt đầu lan truyền tuyên bố của Nike vào năm ngoái. Tuyên bố này chỉ ra rằng, Nike “quan tâm” đến các báo cáo về lao động cưỡng bức ở Tân Cương và sẽ ngừng sử dụng hàng dệt và sợi của khu vực này. Tuyên bố này đã bị cư dân mạng Trung Quốc "bủa vây" mạnh mẽ, và từ khoá "Nike" cũng trở thành chủ đề tìm kiếm top 1 trên Weibo vào tối ngày 24/3.

"Nike không thu mua các sản phẩm từ Khu tự trị Tân Cương. Chúng tôi đã xác nhận với các nhà cung cấp theo hợp đồng của mình rằng, họ không sử dụng hàng dệt hoặc sợi của khu vực này", tuyên bố viết.

Theo tuyên bố chính thức của BCI, tổ chức này đã chấm dứt sử dụng bông Tân Cương từ tháng 10/2020, với lý do là khu vực này tồn tại hiện tượng lao động cưỡng bức và vi phạm nhân quyền.

Thương hiệu thể thao Trung Quốc “Anta Sports Products” cũng là một thành viên của BCI. Sau khi H&M bị tẩy chay, Anta Sports Products đã tuyên bố rút khỏi BCI ngay lập tức, đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp tục thu mua bông Tân Cương.

Phóng viên của The Epoch Times phát hiện rằng, các bản tuyên bố của H&M, Nike, v.v. đã được đăng trên trang web của các công ty này vào tháng 10/2020, nhưng hiện tại, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ mới lật lại bản tuyên bố này. Ngoại giới cho rằng, động thái này của ĐCSTQ rất có thể là do liên quan đến lệnh trừng phạt đồng loạt của nhiều nước phương Tây đối với các quan chức ĐCSTQ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Trước đó, vào ngày 22/3, Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh và Canada thông báo rằng, họ sẽ áp đặt lệnh cấm đi lại và lệnh đóng băng tài sản đối với bốn quan chức ĐCSTQ và một thực thể Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Hoa Kỳ cũng tuyên bố trừng phạt đối với hai quan chức ĐCSTQ.

Sau đó, ĐCSTQ đã điên cuồng đáp trả bằng cách liệt 10 nghị sĩ và 4 thực thể châu Âu vào danh sách trừng phạt. Ngay sau đó, Liên minh châu Âu và nghị sĩ các nước đã có phản hồi về vấn đề này.

Khách hàng xếp hàng dài thử đồ tại cửa hàng H&M ở Bắc Kinh

Theo các cuộc phỏng vấn thực tế của giới truyền thông đại lục, mặc dù đứng giữa làn sóng tẩy chay, nhưng các cửa hàng H&M ở Joy City, Bắc Kinh vẫn hoạt động bình thường.

Khoảng 19h30 ngày 24/3, phóng viên của kênh truyền thông này vào cửa hàng thì thấy vẫn còn đông khách xem đồ, trước cửa phòng thử đồ có nhiều khách xếp hàng đợi. Khi một nhân viên của cửa hàng H&M được hỏi về việc tẩy chay các sản phẩm Tân Cương, anh ta trả lời: "Tôi không rõ chuyện này".

Khi một số khách hàng trong cửa hàng H&M được hỏi, họ thường trả lời là không biết hoặc không rõ, cũng có một số người không nguyện ý trả lời.

Theo trang web chính thức của H&M Trung Quốc công bố, tính đến cuối năm 2020, H&M tổng cộng có 445 cửa hàng tại 146 thành phố ở Trung Quốc, với tổng doanh thu là 9,75 tỷ SEK (khoảng 1,133 tỷ USD) vào năm 2020. Được biết, Trung Quốc là một trong 4 thị trường lớn của thương hiệu quần áo này trên thế giới.

Mai Hạ

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đồng loạt tẩy chay H&M, Nike và nhiều thương hiệu lớn vì tuyên bố ‘không sử dụng bông Tân Cương’