Trung Quốc đe dọa bắt giam công dân Mỹ để trả đũa học giả Trung Quốc bị truy tố 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ Trung Quốc đã cảnh báo Washington có thể sẽ bắt giam người Mỹ ở Trung Quốc để đáp trả việc Bộ Tư pháp Mỹ truy tố các học giả thuộc quân đội Trung Quốc, Wall Street Journal đưa tin hôm 17/10.

Trung Quốc đã đưa ra thông điệp rằng Hoa Kỳ nên chấm dứt việc truy tố các học giả Trung Quốc, nếu không công dân Mỹ ở Trung Quốc sẽ kết tội vi phạm luật pháp Trung Quốc và bị bắt giam.

Theo nguồn tin, các quan chức Trung Quốc đã đưa ra thông điệp này nhiều lần qua nhiều kênh cho các quan chức chính phủ Hoa Kỳ.

Các quan chức Mỹ cho biết, họ cho rằng các quan chức Trung Quốc nghiêm túc về những lời đe dọa này. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhắc lại cảnh báo đối với những người có kế hoạch đi đến Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh quan ngại của giới chức phương Tây và các nhà hoạt động nhân quyền về việc cảnh sát Trung Quốc và các cơ quan an ninh khác của nước này thực hiện các vụ bắt giữ tùy tiện, theo Latest news Tripura.

Các mối đe dọa là một sự leo thang khác trong căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, vốn đã gia tăng trong nhiều năm và lên đến đỉnh điểm kể từ khi đại dịch virus Corona Vũ Hán bùng phát ở miền trung Trung Quốc vào mùa đông năm ngoái.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích ở Washington và Bắc Kinh nói rằng, chính phủ Trung Quốc đang cố gắng tránh bất kỳ hành động khiêu khích nghiêm trọng nào chống lại Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử vào ngày 3/11. Một số quan chức Trung Quốc đang tìm cách xoa dịu quan hệ Mỹ - Trung, theo Latest news Tripura.

Xem thêm:Trung Quốc: Một bác sĩ tử vong sau khi bị cảnh sát tra tấn vì kiên định với đức tin của mình

Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ từ chối bình luận về việc, liệu các quan chức Trung Quốc có đưa ra cảnh báo về kế hoạch bắt giữ công dân Mỹ để trả đũa việc truy tố các học giả Trung Quốc hay không.

Trưởng bộ phận an ninh quốc gia của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, ông John C. Demers, cho biết: “Chúng tôi biết rằng, trong những trường hợp khác, chính phủ Trung Quốc đã giam giữ người Mỹ, Canada và các cá nhân khác mà không có cơ sở pháp lý, để trả đũa các vụ truy tố hợp pháp và gây áp lực lên chính phủ của họ, với sự coi thường những cá nhân có liên quan. Nếu Trung Quốc muốn được coi là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới, họ nên tôn trọng pháp quyền và ngừng bắt giam con tin”.

Hôm Chủ nhật ngày 18/10, Tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn Cầu thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã viết trên Twitter rằng, việc các học giả Trung Quốc bị giam giữ tại Hoa Kỳ vì cáo buộc gián điệp là “không tốt” cho “sự an toàn của một số Công dân Hoa Kỳ ở Trung Quốc”.

"Washington có cần được cảnh báo không? Đó là lẽ thường tình. Theo quan điểm của tôi, quyền bá chủ đã biến một số giới tinh hoa ở Hoa Kỳ trở nên ngu ngốc, hoặc họ đang giả vờ ngu ngốc", ông Hồ viết.

Trong những năm gần đây, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã điều tra công việc của các nhà nghiên cứu Trung Quốc tại các trường đại học Mỹ và các tổ chức khoa học khác. Các quan chức Mỹ cũng chỉ trích các chương trình do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn nhằm tuyển dụng các chuyên gia khoa học và kỹ thuật nước ngoài. Ông Demers và các quan chức Mỹ khác từ lâu đã nhận định rằng, Bắc Kinh sử dụng nhiều công cụ để thu thập thông tin tình báo tại các trung tâm nghiên cứu của Mỹ.

Cuối tháng Năm, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố, cấm sinh viên Trung Quốc từ sau đại học trở lên có liên hệ với quân đội Trung Quốc nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Vào cuối tháng Bảy, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra lệnh cho Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán của nước này ở Houston, vì cho rằng lãnh sự quán này là một trung tâm đầu mối chỉ huy hoạt động đánh cắp các nghiên cứu của Hoa Kỳ.

Các quan chức Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết, các quan chức Trung Quốc trong các phái bộ khác cũng tham gia vào hoạt động gián điệp công nghiệp và khoa học, và việc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston nhằm ngăn cản Bắc Kinh tiếp tục các hành động này. Vào thời điểm đó, giới chức Hoa Kỳ cũng đang truy tìm một sinh viên hoặc nhà nghiên cứu Trung Quốc tên là Tang Juan, người đã trốn trong lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco sau khi bị FBI thẩm vấn.

Ngày 23/7, FBI đã bắt cô Tang với cáo buộc che giấu thân phận là thành viên quân đội Trung Quốc khi nộp hồ sơ xin cấp thị thực. Tuy nhiên, cô này không nhận tội gian lận thị thực và khai man.

Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc rằng, các thành viên quân đội của họ đang ở Mỹ để thực hiện hoạt động gián điệp khoa học và công nghiệp.

Đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ chối thảo luận về bất kỳ lời đe dọa giam giữ người Mỹ nào gần đây của các quan chức Trung Quốc. Nhưng trong nhiều tháng, các quan chức của Bộ đã nhấn mạnh các hành động hà khắc của các cơ quan an ninh Trung Quốc đối với người Mỹ.

Vào ngày 14/9, Bộ này đã đưa ra cảnh báo với những ai có ý định đi đến Trung Quốc đại lục và Hong Kong rằng, người Mỹ nên “cân nhắc việc du lịch” vì đại dịch COVID-19 và rủi ro phát sinh từ việc “thực thi tùy tiện luật pháp địa phương”.

Trước đó, ngày 11/7, Đại sứ quán (ĐSQ) Hoa Kỳ tại Trung Quốc đưa ra cảnh báo an ninh, nói rằng các công dân Hoa Kỳ “có thể bị giam giữ mà không thể tiếp cận các dịch vụ từ lãnh sự quán Hoa Kỳ hoặc thông tin về cáo buộc tội danh của họ”. ĐSQ Hoa Kỳ cũng cho biết thêm rằng, người Mỹ có thể phải đối mặt với “các cuộc thẩm vấn và giam giữ kéo dài vì những lý do liên quan đến ‘an ninh quốc gia’” tại Trung Quốc, theo Epoch Times tiếng Anh.

Vào tháng Sáu, các quan chức Trung Quốc đã cáo buộc tội danh gián điệp đối với 2 công dân Canada là Michael Kovrig - một nhà cựu ngoại giao và Michael Spavor - một doanh nhân. Các nhân viên an ninh Trung Quốc đã giam giữ 2 người này 18 tháng trước đó. Các quan chức Canada và Mỹ tin rằng, 2 công dân này đã bị bắt giữ vì Bắc Kinh muốn trả đũa một vụ kiện của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đối với bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc Tài chính hàng đầu của công ty công nghệ Trung Quốc Huawei. Bà Mạnh đã bị bắt tại Canada vào tháng 12/2018 và hiện đối mặt với việc bị dẫn độ sang Hoa Kỳ.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã tố cáo việc các quan chức Trung Quốc thực hiện “lệnh cấm xuất cảnh” hoặc từ chối cho phép công dân nước ngoài rời khỏi đất nước Trung Quốc, thường là biện pháp ngoại giao cưỡng ép của Bắc Kinh trong các tranh chấp pháp lý hoặc kinh doanh.

Nguyễn Minh



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đe dọa bắt giam công dân Mỹ để trả đũa học giả Trung Quốc bị truy tố