Trung Quốc có 'ứng viên nặng ký' làm thẩm phán Tòa Luật biển quốc tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một số ý kiến cho rằng, không thể bầu một nước (Trung Quốc) đang phá hoại UNCLOS vào một Tòa án của UNCLOS.

Hội nghị thường niên lần thứ 30 giữa 167 nước thành viên đã ký tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) sẽ được tổ chức tại New York (Mỹ) từ ngày 15 đến 19/6/2020.

Chương trình họp lần này sẽ bao gồm việc bầu lại 07 thẩm phán bổ sung vào hội đồng các thẩm phán của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Trong danh sách 10 ứng viên chạy đua vào bảy vị trí thẩm phán ITLOS năm nay có nhà ngoại giao Trung Quốc Duan Jielong (Đoàn Khiết Long). Ông Đoàn Khiết Long hiện là đại sứ Trung Quốc tại Hungary, từng học luật ở Mỹ.

Sự có mặt của ứng viên Trung Quốc đã gây ra tranh cãi vì Bắc Kinh luôn tuyên bố coi thường Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông.

Vai trò ITLOS và tranh chấp Biển Đông

Chuyên gia luật biển Hoàng Việt (ĐH Luật TP. HCM) cho biết, ITLOS có vai trò như tòa thường trực để phán xử các vấn đề tranh chấp trong việc giải thích hoặc áp dụng các điều khoản của UNCLOS - “hiến pháp về biển và đại dương”. Công ước này có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với các hoạt động liên quan đến biển và đại dương trên toàn cầu.

UNCLOS hiện nay có 168 thành viên tham gia, trong đó có 167 nước và Liên minh châu Âu. Vì phạm vi của UNCLOS rất rộng nên sẽ có lúc các thành viên mâu thuẫn trong việc hiểu, giải thích hay áp dụng công ước. Vì vậy, cần có những cơ quan tài phán như ITLOS và những người “cầm cân nảy mực” như thẩm phán ITLOS để giải quyết, theo báo Pháp luật TP. HCM.

Chuyên gia Mỹ: Không thể bầu một nước đang phá hoại UNCLOS

Trong bài phân tích: “Bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp tại Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển”, đăng trên trang Lawfare ngày 8/5/2020, Giáo sư Jonathan G.Odom đã kêu gọi các nước thành viên UNCLOS là không bỏ phiếu cho ứng cử viên Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh vào tháng 7/2016 sau phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye, Thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) khi đó đã tuyên bố rằng Tòa Trọng tài không phải là một “tòa án quốc tế”.

Theo GS Odom, lập luận của Trung Quốc chỉ là ngụy biện. Trên thực tế, UNCLOS công nhận Tòa trọng tài là một cơ chế tư pháp hợp pháp, có thể có giá trị và thẩm quyền ngang hàng với ITLOS và ICJ trong các trường hợp liên quan đến việc giải thích và áp dụng công ước.

GS Odom khẳng định, Tòa Trọng tài hoàn toàn có quyền đưa ra quyết định sau cùng về việc liệu họ có thẩm quyền phân xử vụ kiện Biển Đông hay không.

Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết chung cuộc, phủ nhận cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò, Bắc Kinh đã tấn công cơ chế pháp lý này trong bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/7/2016.

Trung Quốc cho rằng hành động và phán quyết của Tòa Trọng tài vừa “bất công” vừa “bất hợp pháp” và “sai lệch hoàn toàn với mục tiêu và mục đích của UNCLOS… phá hoại đáng kể tính toàn vẹn và thẩm quyền của UNCLOS, vi phạm nghiêm trọng các quyền hợp pháp của Trung Quốc trong tư cách một quốc gia có chủ quyền và là thành viên của UNCLOS…”

Giới phân tích Mỹ chỉ ra rằng, khi coi thường quyền hạn của một tòa án có thẩm quyền, Trung Quốc không chỉ tước bỏ quyền được đối xử công bằng mà cả cơ hội tìm kiếm công lý của tất cả các nước khác trong UNCLOS.

Ngay sau khi Tòa Trọng tài Thường trực La Haye ban hành phán quyết dài 501 trang về vụ kiện Biển Đông, Trung Quốc đã tuyên bố rằng phán quyết “không có giá trị và vô hiệu” và không có tính ràng buộc.

Với hành vi coi thường UNCLOS của Trung Quốc, chuyên gia Mỹ kêu gọi các quốc gia không bầu cho ứng viên Trung Quốc vào ITLOS vào tháng 6 tới đây.

“Ứng cử viên Trung Quốc thua kém những người khác”

Về quá trình làm việc và trình độ chuyên môn, 7 ứng cử viên khác trong số những người được đề cử năm 2020 có trình độ cao hơn hẳn ứng cử viên của Trung Quốc, để làm thẩm phán tại ITLOS.

Đánh giá này căn cứ vào cả kinh nghiệm tư pháp hiện tại hoặc trước đây và quá trình công tác của ông Đoàn Khiết Long, theo đài RFI.

Tuy nhiên theo chuyên gia Hoàng Việt, trên đường đua vào ghế thẩm phán ITLOS, ông Đoàn có khả năng lớn trúng cử, bởi vì Trung Quốc là quốc gia lớn nên có thể giành được phiếu bầu từ nước thành viên khác của UNCLOS. Từ năm 1996 đến nay, trong số 46 thẩm phán được bầu vào ITLOS có ba thẩm phán người Trung Quốc.

Xem thêm:



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc có 'ứng viên nặng ký' làm thẩm phán Tòa Luật biển quốc tế