Trung Quốc có nguy cơ bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chuyên gia tại Trung Quốc cảnh báo, các lệnh trừng phạt tiềm tàng của Hoa Kỳ ngày càng gia tăng đối với nhiều tổ chức tài chính Trung Quốc, điều đó có thể loại những tổ chức này ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Trong những tháng gần đây, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày càng có những động thái cứng rắn hơn với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Để đáp trả việc ĐCSTQ siết chặt sự kiểm soát tại Hong Kong, Tổng thống Trump đã chấm dứt các đặc quyền kinh tế mà Hoa Kỳ cấp cho thành phố này, ban hành Đạo luật về quyền tự trị Hong Kong để trừng phạt các cá nhân và tổ chức chịu trách nhiệm trong việc làm xói mòn nền dân chủ của đặc khu này gần đây, đồng thời xử phạt Trưởng đặc khu Hong Kong là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cùng 10 quan chức Trung Quốc và Hong Kong khác tham gia vào việc phá hoại các quyền tự do của thành phố.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, một sự “tách rời” toàn diện về tài chính dường như sẽ không thể xảy ra, thay vào đó có thể dẫn đến việc các tổ chức tài chính Trung Quốc bị loại khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng đô-la Mỹ trên toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ vài tháng trước đây, các lệnh trừng phạt đối với các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc là TikTok và WeChat dường như cũng khó xảy ra.

Mối đe dọa tách rời tài chính là có thật, và hậu quả nghiêm trọng của nó đang khiến ĐCSTQ và khu vực tài chính Trung Quốc phải xem xét các lựa chọn.

Nguy cơ bị loại ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu

Một cuộc chiến toàn diện về tài chính có thể dẫn đến việc loại các ngân hàng Trung Quốc ra khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng đô-la Mỹ, vốn dựa phần lớn vào thương mại toàn cầu. Chính quyền ông Trump có thể trừng phạt các ngân hàng, tổ chức tài chính của Trung Quốc và thậm chí thu giữ tài sản thuộc sở hữu của Trung Quốc tại Hoa Kỳ.

Nếu việc trừng phạt như vậy xảy ra, thì sẽ có những tác động gì và tại sao lại dẫn đến những tác động đó?

Huyết mạch của ngân hàng là các giao dịch tiền tệ. Hầu hết các giao dịch quốc tế xuyên biên giới được thực hiện bằng đồng đô-la Mỹ. Chuyển khoản ngân hàng quốc tế thanh toán bằng đồng đô-la Mỹ chủ yếu thông qua hệ thống SWIFT - một ngôn ngữ (mã định danh) được các ngân hàng toàn cầu sử dụng từ những năm 1970 để thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế giữa các ngân hàng. Theo trang web SWIFT, có khoảng 11.000 ngân hàng trên thế giới sử dụng SWIFT để giao dịch, với tổng số 38 triệu lần giao dịch mỗi ngày.

Nếu các tổ chức tài chính Trung Quốc bị Hoa Kỳ trừng phạt, SWIFT có thể không cho các tổ chức đó thực hiện các giao dịch thông qua hệ thống này. Điều này có thể khiến ĐCSTQ không thể thực hiện được các giao dịch bằng đồng đô-la Mỹ ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Mặc dù SWIFT có trụ sở tại Bỉ và tuân theo luật định của Liên minh Châu Âu, nhưng SWIFT đã từng loại bỏ các tổ chức tuân theo luật trừng phạt của Hoa Kỳ (ví dụ trường hợp của Triều Tiên). Bên cạnh đó, các phương thức giao dịch chính ở Hoa Kỳ, bao gồm Fedwire và CHIPS, cũng sẽ không khả dụng đối với các tổ chức Trung Quốc.

Ngoài ra, trong một cuộc chiến toàn diện về tài chính, Hoa Kỳ cũng có thể đóng băng tài sản tại Hoa Kỳ của các tổ chức và cá nhân bị trừng phạt, không cho họ tiếp cận với các tài sản này. Hàng trăm tỷ USD tài sản do Trung Quốc sở hữu như tài khoản ngân hàng, các khoản đầu tư và bất động sản sẽ bị đóng băng. Đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ đã vượt quá 180 tỷ USD (hơn 4.17 triệu tỷ VNĐ) từ năm 2005 đến cuối năm 2019, theo dữ liệu từ Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Không chấp nhận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ

Trong một bài viết trên tạp chí kinh doanh Trung Quốc Caixin, Giáo sư Shi Jiayou từ Đại học Nhân dân Trung Quốc viết: “Các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý Trung Quốc cần đánh giá đầy đủ rủi ro tiềm ẩn khi bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT. Thay vì hy vọng một cách mù quáng vào điều tốt nhất [sẽ xảy ra], Trung Quốc nên lên kế hoạch [dự phòng] trước”.

Một trong những biện pháp dự phòng mà Bắc Kinh đã lên kế hoạch từ đầu những năm 2000, đó là quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của nước này. Tuy nhiên, dù chính quyền Trung Quốc liên tục thực hiện các nỗ lực như: tung ra trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ ở nước ngoài, thiết lập liên kết trao đổi đồng nhân dân tệ, và sáng kiến ​​đầu tư cơ sở hạ tầng “một vành đai, một con đường”; nhưng kết quả trong vài năm qua cho thấy: rất ít tiến bộ đạt được trong việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên quốc tế.

Trái lại, việc sử dụng đồng nhân dân tệ ở quốc tế đã giảm trong 5 năm qua. Chỉ số toàn cầu hóa đồng nhân dân tệ của Ngân hàng Standard Chartered - ngân hàng chuyên đo lường mức độ quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ kể từ năm 2011 - cho thấy tỷ lệ sử dụng đồng tiền này đạt mức cao nhất vào tháng 11/2015 với mức 2.563. Kết quả mới nhất, tính đến tháng 3/2020, tỷ lệ sử dụng đồng nhân dân tệ ở nước ngoài được chốt ở mức 2.224 - thấp hơn mức năm 2015.

Ngân hàng Standard Chartered là một ngân hàng hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được cho là có dữ liệu toàn diện nhất về đồng nhân dân tệ ở nước ngoài.

Gần đây, Bắc Kinh đã hợp tác với Moscow để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô-la Mỹ - vốn đang thống trị thị trường toàn cầu. Do đó, mức sử dụng đồng đô-la Mỹ trong thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc lần đầu tiên giảm xuống dưới 50% trong quý 1 năm 2020.

Theo dữ liệu của chính phủ Nga mà Nikkei trích dẫn cho thấy, đồng đô-la Mỹ được sử dụng để thanh toán 46% các giao dịch giữa Nga-Trung, đồng euro được sử dụng trong 30% số giao dịch. Trong khi đó, thanh toán thương mại bằng đồng rúp của Nga và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc kết hợp lại mới chỉ chiếm 24% các giao dịch.

Bất chấp việc Nga và Trung Quốc nỗ lực thực hiện “phi đô-la hoá [đồng đô-la Mỹ]”, chỉ số sử dụng đồng đô-la Mỹ trong giao dịch của 2 nước này vẫn cao. Nhưng Moscow và Bắc Kinh vẫn ca ngợi đó là “thời điểm đột phá”, theo Nikkei trích dẫn lời của Alexey Maslow thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc có nguy cơ bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu