Trung Quốc cảnh báo châu Âu ngừng truy tìm nguồn gốc đại dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người phát ngôn Trung Quốc mới đưa ra thông điệp kêu gọi các bên liên quan ngừng lấy việc truy xuất nguồn gốc virus làm vũ khí chính trị chống lại Trung Quốc. 

Hôm thứ Tư vừa rồi, Trung Quốc yêu cầu Brussels ngừng truy tìm nguồn gốc đại dịch sau khi một quan chức Liên minh châu Âu kêu gọi tiếp tục điều tra, Just the News đưa tin.

Ngày 27/7, Ủy viên Nghiên cứu và Đổi mới Châu Âu Mariya Gabriel đã thêm tên của cô vào danh sách ngày càng tăng của một nhóm các chuyên gia khoa học và đại diện chính phủ từ Mỹ, Úc và Nhật Bản. Nhóm này đang lên tiếng kêu gọi chính phủ Trung Quốc "xem xét lại quyết định không hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới WHO về giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu nguồn gốc COVID-19.

Thông điệp gần đây nhất từ ​​người phát ngôn Trung Quốc yêu cầu "các bên liên quan" "ngừng sử dụng vấn đề này để né tội cho người khác và trốn tránh trách nhiệm, đồng thời ngừng cố ý làm gián đoạn hợp tác quốc tế về truy tìm nguồn gốc virus trên toàn cầu".

Trung Quốc đã từ chối tuân thủ yêu cầu cung cấp dữ liệu thô của virus từ WHO kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch coronavirus, khởi phát ở thành phố Vũ Hán, thuộc miền Trung Trung Quốc.

Ban đầu, Trung Quốc cho biết loại virus này có nguồn gốc tự nhiên, lây nhiễm từ động vật sang người tại một khu chợ thực phẩm ngoài trời ở thành phố đó, nằm cận kề Phòng thí nghiệm virus học Vũ Hán, nơi nghiên cứu về coronavirus.

Theo The Epoch Times, Chính quyền Trung Quốc mới đầu giải thích rằng, virus mới xuất hiện tại một khu chợ ở Vũ Hán. Giải thích này không còn vững chãi sau những nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân đầu tiên không có bất kỳ mối liên hệ nào với khu chợ.

Mặc dù một số nhà virus học trước đây đã chỉ ra một số đặc điểm bất thường và gợi ý thuyết nguồn gốc phòng thí nghiệm - dựa trên bộ gen của virus Vũ Hán, nhưng các chuyên gia dường như đồng thuận rằng sẽ cần thêm thông tin để xác nhận virus này đến từ đâu.

So sánh về mặt di truyền cho thấy, trong số các virus corona đã biết, chủng virus mới gần giống một số chủng đã được tìm thấy ở dơi và tê tê. Tuy nhiên, sự tương đồng này lại không đủ để chứng tỏ giả thuyết trên, và vẫn còn thiếu một mối liên kết nào đó tại đây.

Cựu Tổng thống Mỹ Trump đã nêu ra thuyết này từ rất sớm sau khi đại dịch bắt đầu, nhưng ông đã bị nhiều kênh truyền thông chính thống chỉ trích. Vì họ cho rằng virus có nguồn gốc tự nhiên ở chợ hải sản Hoa Nam Vũ Hán.

Trong những tháng gần đây, tình báo Hoa Kỳ báo cáo rằng ba nhân viên của phòng thí nghiệm Vũ Hán đã phải nhập viện vì một căn bệnh giống như cúm vào tháng 11/2019. Do đó, lý thuyết này một lần nữa lại được xướng lên. Rất có thể đó là những trường hợp đầu tiên được xác nhận nhiễm COVID-19.

Tháng Hai, đoàn các nhà khoa học của WHO tới Vũ Hán Trung Quốc để tiến hành điều tra nguồn gốc của virus. Tháng Ba, WHO công bố báo cáo điều tra giai đoạn 1 là “rất khó xảy ra "khả năng virus SARS-CoV-2 bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm”.

Tuy nhiên, đầu tháng Tư, 27 nhà khoa học Mỹ đã lên tiếng phản đối báo cáo này của WHO, nêu chi tiết những sai phạm và mâu thuẫn của báo cáo, trong đó viết rằng, "các kết luận được đưa ra không đạt được một số tiêu chuẩn cơ bản nhất đáng tin cậy về phân tích và đánh giá". Bức thư cũng nhấn mạnh rằng, báo cáo có 12 điểm không chính xác, có biểu hiện tranh chấp, trong đó các tuyên bố mâu thuẫn và không chính xác được sử dụng để hạ thấp lý thuyết rằng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Các nhà khoa học yêu cầu một cuộc điều tra mới về nguồn gốc của virus.

Không chỉ các nhà khoa học kêu gọi cuộc điều tra mới về nguồn gốc của đại dịch, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho biết vào ngày 30/3 rằng, cần thiết phải tiến hành các nghiên cứu sâu hơn về lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, bởi vì đoàn nghiên cứu của WHO chưa hoàn thành nhiệm vụ điều tra đầy đủ.

Bộ Ngoại giao của Tổng thống Joe Biden đã ban hành một tuyên bố chung với 13 quốc gia dân chủ khác vào ngày 30/3, bày tỏ quan ngại về cuộc điều tra nguồn gốc của WHO.

Hiện tại, theo chỉ thị của Tổng thống Biden, Liên minh tình báo Mỹ đang tiến hành cuộc điều tra 90 ngày về nguồn gốc virus và dự định sẽ đưa ra báo cáo và tháng Tám.

Tờ Daily Mail đưa tin hôm 22/7, WHO cho biết vào tuần trước rằng, dưới áp lực từ Hoa Kỳ và ngày càng có nhiều suy đoán về lý thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm, đối tượng điều tra trong giai đoạn 2 nên bao gồm cả các trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc.

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc cảnh báo châu Âu ngừng truy tìm nguồn gốc đại dịch