Trung Quốc bị nghi mượn tay Liên Hợp Quốc thành lập 'Mạng lưới tình báo toàn cầu'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, Trung Quốc và Liên Hợp Quốc (LHQ) đã ký một bản ghi nhớ, xác nhận rằng Trung tâm Nghiên cứu Dữ liệu lớn đầu tiên của LHQ sẽ được xây dựng tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Các chuyên gia nghi ngờ chính quyền Trung Quốc đang mượn danh nghĩa của LHQ để thiết lập "Mạng lưới tình báo toàn cầu" cho chính mình.

Theo VOA, nhà nghiên cứu Claudia Rosett của Viện Hudson (Hudson Institute) đã viết trên The Wall Street Journal rằng, trong khi Hoa Kỳ hạn chế để dữ liệu rơi vào tay Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thì Ban Thư ký Liên Hợp Quốc tại New York lại hợp tác với Bắc Kinh, còn muốn thiết lập một trung tâm dữ liệu chung toàn cầu ở Trung Quốc.

Kế hoạch này nằm trong "Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững" của LHQ, bao gồm việc thành lập một trung tâm nghiên cứu để xử lý dữ liệu của các quốc gia thành viên trong LHQ và một trung tâm không gian địa lý sử dụng công nghệ giám sát vệ tinh để chứng minh thực lực của ĐCSTQ.

Kế hoạch này bắt đầu vào năm 2019. Vào tháng Sáu năm đó, ông Ninh Cát Triết (Ning Jizhe), Giám đốc Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, và ông Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin), Phó Tổng thư ký phụ trách Vụ Kinh tế và Xã hội của LHQ, đã ký kết một biên bản ghi nhớ "Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn Liên Hợp quốc - Cục Thống kê Quốc gia" tại Thượng Hải.

Vào ngày 22/9/2020, Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã tuyên bố trong một bài phát biểu video tại buổi hội thảo của Đại hội đồng LHQ rằng, ĐCSTQ sẽ cùng LHQ thành lập Trung tâm Đổi mới và Kiến thức Thông tin Địa lý Toàn cầu và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Dữ liệu lớn Phát triển Bền vững.

Vụ Kinh tế và Xã hội của LHQ (UN DESA) là bộ phận phụ trách phát triển kinh tế và xã hội của Ban thư ký LHQ có trụ sở tại New York, từ năm 2007 đến nay lãnh đạo của UN DESA đều là người được ĐCSTQ đề cử và đắc cử. Người đứng đầu hiện tại là ông Lưu Chấn Dân, cựu Thứ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ.

Tháng Chín vừa qua, ông Lưu đã thông báo tại Ủy ban Chuyên gia Quản lý Thông tin Địa lý Toàn cầu của LHQ rằng, Trung tâm Đổi mới và Kiến thức Thông tin Địa lý Toàn cầu đặt ở huyện Đức Thanh, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc sẽ được thông qua phê duyệt hành chính lần cuối cùng.

Điều trớ trêu là ĐCSTQ muốn xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn toàn cầu cho LHQ, nhưng cho đến nay họ vẫn không cho phép LHQ đến Trung Quốc để thực sự điều tra nguyên nhân của đại dịch viêm phổi ở Vũ Hán - loại virus bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc và tàn phá thế giới.

LHQ có phục vụ cho tham vọng toàn cầu của ĐCSTQ không?

Bài báo dẫn lời nhà nghiên cứu Claudia Rosett của Viện Hudson nói rằng, mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa LHQ và các tỷ phú ở Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng đang giúp ĐCSTQ hiện thực hóa mong muốn làm bá chủ thế giới.

Bà Rosset nói: “Kiểu thiết lập này có thể dễ dàng trở thành mạng lưới tình báo toàn cầu của Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông Tập Cận Bình hứa với Tổ hợp Dữ liệu lớn và Không gian địa lý LHQ-Trung Quốc rằng, sẽ cho phép họ lập bản đồ thông tin chi tiết về địa hình, cơ sở hạ tầng cho đến hành vi của con người trong toàn bộ phạm vi thời gian và không gian".

Bà Rosset cho rằng, trước hết, ĐCSTQ đã thiết lập hệ thống giám sát quốc gia công nghệ cao mạnh nhất thế giới, kiểm soát Internet nội địa của Trung Quốc thông qua “Vạn lý Tường lửa” và cấm người dùng Internet sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội của Hoa Kỳ như Facebook và Twitter, trong khi các quan chức lại được phép sử dụng để tuyên truyền. Hơn nữa hiện nay, ĐCSTQ đã thu thập và đánh cắp một lượng lớn dữ liệu trên khắp thế giới. Sắp tới, trên danh nghĩa của LHQ, Bắc Kinh sẽ càng dễ dàng lấy được dữ liệu từ các quốc gia thành viên. Việc này sẽ làm ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn và quy định của LHQ về việc thu thập dữ liệu. Từ đó, chính sách tàn bạo dùng công nghệ cao để kiểm soát người dân của ĐCSTQ sẽ được xuất khẩu tới mọi nơi trên thế giới.

Thứ hai là sự phối hợp của LHQ. Bà Rosset cho biết, vào năm ngoái, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã ca ngợi Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” (BRI) của ĐCSTQ là có mối “liên kết nội tại” với các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Các tài liệu của LHQ cũng cho thấy, hàng chục cơ quan của LHQ như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, v.v. đã ký thỏa thuận hỗ trợ sáng kiến ​​BRI. Ngoài ra, 4 trong số 15 tổ chức chuyên môn của LHQ hiện do các quan chức ĐCSTQ quản lý.

Ông Hồ Bình (Hu Ping), Tổng biên tập danh dự của tờ Beijing Spring, cho rằng LHQ có rất nhiều hành động nực cười, bao gồm cả việc cho Trung Quốc gia nhập Hội đồng Nhân quyền, trong khi đó "ĐCSTQ khét tiếng về những khía cạnh này, ai ai cũng biết", và giờ là hợp tác với ĐCSTQ về mặt dữ liệu. Vì vậy, việc thiết lập một liên minh mới của các nền dân chủ lại càng cần thiết.

Theo ông Ngu Bình (Yu Ping), một chuyên gia pháp lý tại Hoa Kỳ, khó khăn của ĐCSTQ trong việc xây dựng trung tâm dữ liệu lớn của LHQ là nó không thể giành được sự tin tưởng của thế giới, bởi vì ĐCSTQ không thể đảm bảo rằng quyền riêng tư là bất khả xâm phạm; nó cũng không thể đảm bảo rằng sẽ không sử dụng những dữ liệu này để củng cố hệ thống độc tài của mình và đàn áp quyền tự do ngôn luận của người dân.

Vào ngày 6/10, Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Center) đã công bố kết quả khảo sát cho thấy, 14 nền dân chủ phát triển trên thế giới đều có cái nhìn tiêu cực về ĐCSTQ, đây là con số cao nhất trong 10 năm qua, bao gồm Úc (81%) và Vương quốc Anh (74%), Đức (71%), Hà Lan (73%), Thụy Điển (85%), Hoa Kỳ (73%), Hàn Quốc (75%), Tây Ban Nha (63%), Pháp (70%), Canada (73%), Ý (62%), Nhật Bản (86%), ngoài ra còn có Bỉ và Đan Mạch.

Cuộc khảo sát tương tự hôm 12/10 cũng cho thấy, hơn 70% đến 80% người dân ở các nước phát triển nói trên đã mất niềm tin vào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Do đó, ông Hồ Bình nói, nếu ĐCSTQ muốn thiết lập trung tâm dữ liệu này trong tình hình tồi tệ như vậy, người dân các nước dân chủ này sẽ từ chối giao thông tin liên quan của họ cho nó. Trung tâm này chắc chắn sẽ bị nhiều nước phản đối mạnh mẽ.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc bị nghi mượn tay Liên Hợp Quốc thành lập 'Mạng lưới tình báo toàn cầu'