Trung - Nga đồng sàng dị mộng, nhưng vẫn là thế cờ khó đối với Biden

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong trò chơi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, chính quyền Biden đúng khi tận dụng lợi thế của các đồng minh hiện có, nhưng Bắc Kinh cũng vậy, họ xích lại gần Nga và Iran hơn. Do đó, trong khi củng cố liên minh thì chính phủ Biden cũng đang cố gắng chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các đồng minh, đặc biệt là Nga. Giống như năm đó Hoa Kỳ chơi con bài Trung Quốc để chống lại Liên Xô, và bây giờ Hoa Kỳ muốn chơi quân cờ Nga để chống lại ĐCSTQ.

Mặc dù liên minh Trung - Nga nhỏ hơn nhiều so với liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu, nhưng so với một ĐCSTQ đơn độc, việc Trung - Nga liên thủ sẽ mang tới mối đe dọa còn lớn hơn nhiều cho xã hội tự do.

Moscow giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế và tác động đến các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc. Đổi lại, Nga cũng được hưởng lợi khi bành trướng ở Châu Âu, Moscow đe dọa các nền dân chủ láng giềng và cạnh tranh với Âu - Mỹ.

Trên thực tế, việc Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau chắc chắn là do lợi ích thúc đẩy. Việc NATO mở rộng về phía đông đã uy hiếp đến biên giới Nga. Động thái này đã đẩy Nga xích lại gần Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Putin sáp nhập Crimea - nơi bị Châu Âu và Hoa Kỳ trừng phạt kinh tế. Thế là Moscow lao vào vòng tay của Bắc Kinh.

Sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông ta cũng thường xuyên gặp gỡ Putin, hai người đã có hơn 40 cuộc điện đàm. Các nhà ngoại giao của Trung Quốc và Nga cũng hợp lực để đối đầu với dân chủ, hệ thống luật pháp và nhân quyền của phương Tây. Không còn nỗi lo về sau, Nga có thể tập trung giải quyết biên giới phía tây, trong khi đó ĐCSTQ có thể tập trung vào Biển Hoa Đông và Biển Đông. Nguồn năng lượng của Nga giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng, còn vũ khí của Nga giúp hiện đại hóa quân đội của ĐCSTQ.

Tuy nhiên, quan hệ Trung - Nga không hề keo sơn như bề mặt. Trước hết, Trung Quốc và Nga là đối thủ trong lịch sử, và căn nguyên của những xung đột lịch sử vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Putin nhận thức rất rõ tình hình hiện nay, sức mạnh của hai nước đang bị lệch hẳn, Nga không còn là anh cả của Liên Xô năm đó, còn kinh tế và dân số của Trung Quốc thì gấp 10 lần Nga.

Thứ hai, Nga thua xa Trung Quốc về đổi mới và công nghệ. “Một vành đai, Một con đường” (BRI) của ĐCSTQ đã mở rộng ra Trung Á, mà Trung Á vốn nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Nga. ĐCSTQ cũng cố tình can thiệp vào Bắc Cực, đây lại càng là khu vực ảnh hưởng của Nga. Vì vậy, để miêu tả cuộc hôn nhân giữa Moscow và Bắc Kinh có thể dùng bốn chữ “đồng sàng dị mộng", mà chính xác hơn thì đó là mối thông gia tạm thời giữa hai kẻ thù.

Nhưng đây lại chính là điểm cắt bóng của chính quyền Biden. Chính sách “giao kết nước xa, tấn công nước gần” thời Chiến quốc vẫn còn thiết thực cho đến ngày nay. Thiết lập mối quan hệ tốt với Hoa Kỳ ở bên kia đại dương sẽ có lợi hơn so với việc kết giao với một nước láng giềng hùng mạnh khó nắm bắt như ĐCSTQ.

Một trong những lý do chính khiến Putin bây giờ tiếp cận Tập Cận Bình là ông ta khá thất vọng về các nước phương Tây, sự thất vọng này vượt quá cả sự cảnh giác đối với ĐCSTQ. Nhưng thời gian trôi đi, Moscow chỉ có thể ngày càng cảnh giác hơn với Bắc Kinh. Vậy nên, nếu chính quyền Biden có thể mang lại cho Putin một hy vọng mới về một xã hội tự do ở phương Tây, thì cán cân của Nga sẽ nghiêng về phía Hoa Kỳ.

Tất nhiên, để làm được bước này không hề dễ dàng, Putin là bậc thầy trong trò chơi quyền lực. Nền tảng quyền lực của ông ta bắt nguồn từ chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước và nói không với thế giới phương Tây. Nếu chính quyền Biden không cẩn thận thì có thể sẽ trúng kế của Putin. Quân bài Trung Quốc năm đó của Tổng thống Mỹ Richard Nixon có thể thành công, một trong những nguyên nhân chính là do Trung Quốc và Liên Xô bắt đầu mỗi người một ngả, còn Nixon thì lợi dụng thời cơ, thuận thế hành động. Ngày nay Biden muốn đánh nước cờ Nga thì phải có kỹ thuật cao hơn, lên kế hoạch dài hơi hơn.

Những ngày đầu thành lập ĐCSTQ là thời kỳ trăng mật giữa Trung Quốc và Liên Xô. ĐCSTQ gửi quân tham gia Chiến tranh Triều Tiên, còn Liên Xô thì cung cấp vũ khí. Họ còn cử hàng nghìn chuyên gia Liên Xô đến Trung Quốc để giúp Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng chỉ sau 10 năm ngắn ngủi, hai bên bắt đầu trở mặt, các chuyên gia Liên Xô bị rút về, thương mại song phương bị gián đoạn, Trung - Xô đóng một triệu quân ở biên giới và thường xuyên xảy ra xích mích. Đây cũng là cơ hội để Nixon chơi con bài Trung Quốc.

Sau khi Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã và Chiến tranh Lạnh kết thúc, Trung - Nga nối lại quan hệ, ĐCSTQ thậm chí đã từ bỏ tranh chấp lãnh thổ và ký Hiệp ước láng giềng thân thiện và hợp tác hữu nghị với Nga. Hai nước ngày càng hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng, thương mại và quân sự.

Sau khi thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Liên minh 4 nền kinh tế mới nổi BRIC (gồm Brasil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), và xảy ra sự kiện Liên bang Nga sáp nhập Crimea, quan hệ Trung - Nga càng khăng khít, có xu hướng quay trở lại thời kỳ trăng mật vào những năm 1950. Lúc đó, 70% vũ khí nhập khẩu của ĐCSTQ đến từ Nga. Trong Liên Hợp Quốc, Bắc Kinh và Moscow cũng đồng thanh đồng lòng ủng hộ chế độ độc tài và chống lại tự do dân chủ.

Tuy nhiên, cũng giống như những năm 50 của thế kỷ trước, nền tảng quan hệ của hai nước không hề vững chắc và vẫn ôm lòng thù địch với nhau. Mối giao bang này hầu như được xây dựng trên cơ sở mối quan hệ cá nhân. Năm đó là Mao Trạch Đông và Stalin, hiện giờ là Tập Cận Bình và Putin.

20 năm trước, Nga mưu cầu sự ổn định ở cả trong và ngoài nước, còn điều Bắc Kinh muốn là một bước đột phá. Nhưng ngày nay, tình hình đã đảo ngược. Bắc Kinh hy vọng trong ngoài đều ổn định, trong khi Moscow thường xuyên hoạt động ở nước ngoài.

Vào những năm 1950, Liên Xô là anh cả, và ĐCSTQ hận nó đến xương tủy. Ngày nay vai vế đã đổi lại, Nga không thoải mái, Putin lại càng không hài lòng. Cơ sở để cầm quyền của Putin là làm cho nước Nga hùng mạnh, nhưng Nga lại luôn phải đóng vai lâu la cho ĐCSTQ, điều này không có lợi cho hình ảnh của Putin.

Giống như BRI của ĐCSTQ, Nga có Liên minh Kinh tế Á - Âu (Eurasian Economic Union), và cả hai sẽ chiến đấu với nhau. Năm 2017, Liên minh Kinh tế Á - Âu đề xuất 40 dự án xây dựng cho Trung Quốc nhưng tất cả đều bị từ chối. Năm ngoái, Ngoại trưởng Nga đã vắng mặt trong cuộc họp cấp cao về Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Nga làm ăn phát đạt trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí, nhưng ĐCSTQ cũng đã đánh cắp bí mật chế tạo vũ khí của Nga nên lượng nhập khẩu vũ khí từ Nga vào Trung Quốc ngày càng giảm. Việc ĐCSTQ phát triển và mở rộng tên lửa tầm trung, tên lửa xuyên lục địa và vũ khí hạt nhân cũng khiến Moscow ngày càng cảnh giác và có chút cảm giác nuôi ong tay áo.

Nếu chính quyền Biden muốn đưa Nga vào con đường chống cộng, họ phải từ bỏ cách tiếp cận hình thái ý thức trước kia. Vì đối đầu với xã hội dân chủ và tự do của phương Tây là nền tảng cầm quyền của Putin. Hoa Kỳ nên giúp Nga ổn định, giúp Nga đối chọi với ĐCSTQ ở Trung Á, bắt tay vào giúp Nga ở góc độ kinh tế và thương mại. Vì quy mô thương mại giữa Nga và Liên minh Châu Âu vượt xa so với giữa Nga và Trung Quốc.

Về vấn đề ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa, Hoa Kỳ và Nga có nhận thức chung. Hai nước nên hợp lực để buộc ĐCSTQ tham gia liên minh chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Đối với chủ quyền ở Bắc Cực lại càng như thế, ĐCSTQ cũng tuyên bố là một quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng của Bắc Cực, điều này khiến Moscow khó chấp nhận.

Đại dịch năm ngoái cũng khiến thế giới thay đổi cái nhìn về ĐCSTQ. Điều tra nguồn gốc dịch bệnh cũng là một lĩnh vực có thể cùng hợp tác.

Tác giả: Đông Phương (Dong Fang) trong loạt bài bình luận Đông Phương Tung Hoành

Quan điểm thể hiện trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo Vison Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung - Nga đồng sàng dị mộng, nhưng vẫn là thế cờ khó đối với Biden