Triều Tiên: Người bị cách ly vì nghi mắc COVID-19 bị đối xử như kẻ phản bội

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, thành kiến ​​của người dân Triều Tiên đối với những người bị cách ly do nghi mắc COVID-19 ngày càng lớn. Theo thông tin, chính chính sách phòng chống dịch của chính phủ Triều Tiên đã thúc đẩy tâm lý cảnh giác và lo sợ của người dân.

Ngày 19/7, DailyNK dẫn nguồn tin từ nội bộ Triều Tiên cho biết, nếu một người ở Triều Tiên bị cách ly do có các triệu chứng nghi mắc COVID-19 như sốt, ho, thì họ sẽ bị coi là kẻ phản bội dân tộc. Thậm chí mọi người sẽ không dám đi qua nhà của người bị cách ly.

Kể từ khi chính quyền đặt biển "cách ly" trước cửa ai đó và cấm họ ra khỏi nhà, thì không chỉ người bị cách ly, ngay cả người nhà của họ cũng bị liên lụy.

Những người từng bị chính quyền cách ly sẽ bị xã hội lạnh nhạt, thậm chí là bị ghẻ lạnh ở nơi công tác v.v. Do đó, đời sống kinh tế của họ đã bị hạn chế rất nhiều.

Theo người cung cấp tin, gần đây ở Triều Tiên đã xảy ra một sự việc, rằng sau khi trở về từ cơ sở cách ly, một người dân đã gặp khó khăn trong cuộc sống và dẫn đến chết đói. Vì vậy, người dân Triều Tiên nói rằng, chỉ cần sau khi vào khu cách ly thì rất khó tiếp tục sống. Ngay cả khi ra khỏi đó cũng sẽ bị chết vì bệnh tật hoặc chết đói.

Trước tình hình đó, chính quyền Triều Tiên đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc hỗ trợ những người đang bị cách ly hoặc người đã được gỡ bỏ cách ly. Vào ngày 24/6, chính phủ đã ban hành hướng dẫn cho các lớp học tập cán bộ của ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, quận. Trong đó yêu cầu “phát huy tinh thần tập thể, chân thành giải quyết những bất tiện trong cuộc sống của người dân”.

Trong hướng dẫn còn đề cập đến việc các cán bộ cần “đảm bảo thực phẩm không phải thiết yếu, thuốc và củi cho những người bị cách ly”.

Nhưng theo người cung cấp tin, các cán bộ này sẽ né tránh việc hỗ trợ những người bị cách ly và người đã được gỡ bỏ cách ly và đẩy trách nhiệm cho các đơn vị nhân dân (Inminban). Tuy nhiên, các đơn vị nhân dân này lại không có khả năng giúp đỡ những người hàng xóm gặp khó khăn. Do đó, ngay cả khi chính phủ nhấn mạnh việc giúp đỡ những người bị cách ly, thì cuối cùng nhóm người này vẫn không được giúp đỡ.

Người cung cấp tin thẳng thắn nói rằng, đời sống của người dân hiện nay rất khó khăn, nếu các đơn vị nhân dân nói muốn quyên góp tiền hay lương thực để giúp những người bị cách ly, thì chắc chắn sẽ bị người dân phản đối gay gắt. Bởi vì mọi người có thành kiến rất lớn đối ​​với những người bị cách ly.

Nguồn tin này nói với DailyNK rằng, nỗi sợ hãi về COVID-19 đã khiến mọi người chia rẽ.

Các hướng dẫn chống dịch của chính phủ Triều Tiên, như "COVID-19 sẽ dẫn đến các chết hàng loạt, phải khử trùng mọi đồ vật mà những người bị cách ly chạm qua, không tiếp xúc với những người có triệu chứng", v.v., đã khiến người dân rất sợ hãi. Những biện pháp này đã gán nhãn lên những người bị cách ly và gây ra định kiến.

Chính phủ Triều Tiên thậm chí coi những người vi phạm các quy tắc phòng chống dịch như tù nhân chính trị để trừng phạt.

Theo “Báo cáo tình trạng về COVID-19 trong một tuần” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ ngày 25/6 đến ngày 1/7, Triều Tiên có tổng cộng 718 người được xét nghiệm axit nucleic và đều có kết quả đều âm tính.

Triều Tiên báo cáo với WHO rằng, tính đến ngày 1/7, tổng cộng có 32.512 người của nước này đã được xét nghiệm COVID-19 và không có ai mắc bệnh.

Xem thêm: Virus Trung Quốc đã không còn “sợ” Bắc Triều Tiên nữa

Mai Hạ

Theo Vision Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Triều Tiên: Người bị cách ly vì nghi mắc COVID-19 bị đối xử như kẻ phản bội