Triều Tiên: Biden 'đã phạm sai lầm lớn' khi gọi nước này là mối đe dọa nghiêm trọng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong tuyên bố của mình, quan chức Kwon nhắc nhở rằng, Triều Tiên đánh giá nhận xét của ông Biden là “chính sách thù địch” và cảnh báo về “các biện pháp tương ứng”.

Hôm 2/5, một quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Triều Tiên đã đưa ra tuyên bố khẳng định, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “mắc sai lầm lớn” trong bài phát biểu gần đây trước Quốc hội Mỹ khi gọi Bình Nhưỡng là một mối đe dọa an ninh.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước một phiên họp chung của Quốc hội Mỹ vào ngày 28/4, ông Biden đã nhấn mạnh, các chương trình hạt nhân ở Iran và Triều Tiên là “mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Mỹ”.

Cụ thể, ông nói: “Về Iran và Triều Tiên - các chương trình hạt nhân gây ra các mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Mỹ và an ninh của thế giới - chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh của mình để giải quyết các mối đe dọa do cả hai quốc gia này gây ra thông qua ngoại giao, cũng như [các biện pháp] răn đe nghiêm khắc".

Quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kwon Jong Gun đã đưa ra phản hồi đối với phát biểu của ông Biden hôm 2/5. Trong tuyên bố của mình, quan chức Kwon nhắc nhở rằng, Triều Tiên đánh giá nhận xét của ông Biden là “chính sách thù địch” và cảnh báo về “các biện pháp tương ứng”.

Trong tuyên bố, ông Kwon nêu rõ: “Tuyên bố của ông [Biden] phản ánh rõ ràng ý định của ông ấy là tiếp tục thực thi chính sách thù địch đối với CHDCND Triều Tiên, như đã được Hoa Kỳ thực hiện trong hơn nửa thế kỷ qua". CHDCND Triều Tiên là viết tắt của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, tên chính thức của quốc gia này.

Vị quan chức tiếp tục: “Chắc chắn rằng, nhà lãnh đạo điều hành Hoa Kỳ đã mắc sai lầm lớn theo quan điểm hiện nay. Giờ đây, bài phát biểu quan trọng về chính sách CHDCND Triều Tiên mới của Hoa Kỳ đã trở nên rõ ràng, chúng tôi sẽ buộc phải thúc đẩy các biện pháp tương ứng, và theo thời gian, Hoa Kỳ sẽ thấy mình trong một tình huống rất nghiêm trọng”.

Lời chỉ trích trực tiếp của ông Biden là một cú bẻ lái đột ngột khỏi trạng thái hòa hoãn với Triều Tiên từ thời chính quyền của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Ông Trump đã nuôi dưỡng một mối quan hệ chưa từng có giữa các lãnh đạo tiền nhiệm của Mỹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un. Cả 2 nhà lãnh đạo Trump và Kim đã có một số cuộc gặp mặt trực tiếp, bao gồm cuộc gặp gỡ ngắn trên đất Bắc Triều Tiên, lần đầu tiên có sự tham gia của một tổng thống Mỹ đương nhiệm.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên thời điểm đó cho thấy nhiều hứa hẹn, đặc biệt là sau khi 2 nhà lãnh đạo ký một thỏa thuận đồng thuận, trong đó ông Kim cam kết Triều Tiên sẽ phi hạt nhân hóa và hướng tới hòa bình với Hàn Quốc. Nhưng tiến độ đã bị đình trệ trong khoảng 2 năm sau khi 2 nhà lãnh đạo không thể thống nhất về cách Hoa Kỳ sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đáp lại các bước tiến của Triều Tiên đối với việc phi hạt nhân hóa.

Hôm 30/4, chính quyền ông Biden cho biết đã hoàn tất việc xem xét lại chính sách của mình đối với Triều Tiên. Tuyên bố chỉ ra rằng, cách tiếp cận của ông Biden sẽ tìm kiếm điểm trung gian giữa cách tiếp cận "thương lượng lớn" của ông Trump và "sự kiên nhẫn chiến lược" của Barack Obama.

Hồi tháng Giêng, ông Kim đã đe dọa mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình và chế tạo nhiều vũ khí công nghệ cao hơn nhắm vào lục địa Hoa Kỳ. Ông tuyên bố, số phận của các mối quan hệ song phương sẽ phụ thuộc vào việc liệu nước Mỹ có từ bỏ chính sách thù địch của mình hay không. Vào tháng Ba, ông đã tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn lần đầu tiên sau một năm, mặc dù ông vẫn giữ lệnh cấm các vụ phóng vũ khí lớn hơn.

Giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha ở Seoul cho biết: “Nếu Bình Nhưỡng đồng ý đàm phán ở cấp độ công việc, điểm khởi đầu của các cuộc đàm phán sẽ là việc Triều Tiên ngừng thử nghiệm và phát triển các năng lực hạt nhân và hệ thống phân phối. Mặt khác, nếu ông Kim né tránh ngoại giao và lựa chọn các cuộc thử nghiệm khiêu khích, Washington có thể sẽ mở rộng việc thực thi các biện pháp trừng phạt và các cuộc tập trận quân sự với các đồng minh”.

Cũng hôm 2/5, một phát ngôn viên không rõ danh tính của Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã tuyên bố sẽ có một phản ứng mạnh mẽ, riêng biệt đối với tuyên bố gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ. Phía Mỹ đã cho biết, họ sẽ thúc đẩy "trách nhiệm giải trình đối với chế độ của ông Kim" trước "tình hình nhân quyền nghiêm trọng". Người phát ngôn gọi tuyên bố này là sự chuẩn bị cho một "cuộc đọ sức toàn diện với chúng tôi".

Người em gái quyền lực của ông Kim là bà Kim Yo Jong cũng đã công kích Hàn Quốc vì các tờ rơi chống Bình Nhưỡng được một nhóm người đào tẩu từ Bắc Triều Tiên thả qua biên giới ở khu vực phía nam Triều Tiên, giáp với Hàn Quốc. Hôm 23/4, trưởng nhóm này là ông Park Sang-hak cho biết, ông đã gửi 500.000 tờ rơi bằng khinh khí cầu, bất chấp một luật mới gây tranh cãi của Hàn Quốc nhằm hình sự hóa hành động đó.

Bà Kim cáo buộc, chính phủ Hàn Quốc "đã mắt nhắm mắt mở" mà bỏ qua các tờ rơi này. Sau đó, hôm 25/4, Bộ Thống nhất của Seoul đã trả lời rằng họ phản đối bất kỳ hành động nào gây căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, và sẽ cố gắng đạt được mối quan hệ tốt hơn với Triều Tiên.

Giáo sư Easley cho biết, các tuyên bố của Triều Tiên từ ông Kwon và bà Kim Yo Jong cho thấy, “Bình Nhưỡng đang cố gắng thúc đẩy rạn nứt trong mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ” trước kỳ hội nghị thượng đỉnh diễn ra hôm 21/5 giữa ông Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Triều Tiên: Biden 'đã phạm sai lầm lớn' khi gọi nước này là mối đe dọa nghiêm trọng