Tranh cãi tên gọi chính thức tại Olympics của Đài Loan: 'Đài Loan' hay 'Đài Bắc Trung Hoa'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi Đài Loan đánh bại Trung Quốc trong trận chung kết đôi nam cầu lông tại Thế vận hội Olympic Tokyo vào hôm 31/7, vận động viên giành huy chương vàng Wang Chi-Lin đã có một bình luận gây tranh cãi trên Facebook: “Tôi đến từ Đài Loan”.

Đài Loan tranh tài tại Thế vận hội với tên gọi “Đài Bắc Trung Hoa” trước sức ép của Bắc Kinh, vốn coi Đài Loan là một phần của “một Trung Quốc” và chưa bao giờ loại trừ việc sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo dân chủ vào quyền kiểm soát của mình.

Nhưng với huy chương vàng đầu tiên ở môn cầu lông cộng với 9 huy chương khác, thành tích Olympic tốt nhất từ ​​trước đến nay của Đài Loan lần này đã khơi lại tranh luận tại đảo quốc này về việc các tổ chức quốc tế coi Đài Loan là Trung Quốc, và liệu hòn đảo này có nên thi đấu dưới cái tên Đài Loan hay không.

Thành công của Thế vận hội đã mang lại niềm hân hoan trên hòn đảo, các chính trị gia và người nổi tiếng đã gắn thẻ bài viết trên mạng xã hội là “Đội tuyển Đài Loan” và “Đài Loan là Đài Loan”.

"Không còn là Đài Bắc Trung Hoa nữa", người đăng trên mạng xã hội Lin Chia-Yin cho biết, khi phản ứng trước sự tôn vinh bản sắc Đài Loan của vận động viên Wang.

Hơn một triệu người dùng Facebook đã thích bình luận của Wang.

“Ủng hộ thi đấu tại Thế vận hội với cái tên Đài Loan! Hãy cho thế giới thấy tên của Đài Loan! ” Lin nói.

Đài Loan là một quốc gia độc lập, có quân đội, chính phủ dân chủ và hiến pháp riêng. Quan điểm của Bắc Kinh là hòn đảo 23,5 triệu dân này không có quyền công nhận là một quốc gia riêng biệt ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Chính quyền Trung Quốc thường xuyên thúc ép các tập đoàn và công ty quốc tế coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Chỉ có 15 quốc gia nhỏ công nhận Đài Loan.

Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố với Reuters rằng sự tham gia của "Đài Bắc Trung Hoa" vào Thế vận hội là phù hợp với nguyên tắc "một Trung Quốc" và được cả các vận động viên trên eo biển Đài Loan và các cơ quan thể thao quốc tế đồng ý.

Văn phòng này cho biết: “Nguyên tắc này không thể bị thách thức. Việc tìm kiếm ‘độc lập’ trong các sự kiện thể thao bằng những mánh khóe nhỏ nhặt sẽ không đi đến đâu”.

Văn phòng Tổng thống Đài Loan từ chối bình luận.

Gây nhầm lẫn

Việc đối đầu giữa Bắc Kinh và Đài Bắc bắt đầu từ khi cuộc nội chiến Trung Quốc kết thúc vào năm 1949.

Tên "Đài Bắc Trung Hoa" bắt nguồn từ cuối những năm 1970, theo thỏa hiệp giữa Ủy ban Olympic Đài Bắc và Ủy ban Olympic Quốc tế, khi Đài Loan thi đấu dưới tên Đài Bắc Trung Hoa mà không sử dụng quốc kỳ và quốc ca. Các quy tắc tương tự đã được đặt ra trong các cuộc thi thể thao khác.

Cuộc tranh cãi về tên gọi lại nổi lên vào tháng trước khi đài truyền hình Nhật Bản NHK gọi đội đến từ Đài Loan trong lễ khai mạc, trước sự vui mừng của các chính trị gia Đài Loan và nhiều thành viên của công chúng.

“Cái tên ‘Đài Bắc Trung Hoa’ đã gây ra nhiều sự nhầm lẫn và hiểu lầm quốc tế,” Jerry Liu, Giám đốc phụ trách các vấn đề quốc tế của đảng Thời Đại Lực Lượng và là một cựu quan chức ngoại giao Đài Loan, nói với Reuters.

"Đài Loan là Đài Loan."

Nhưng sự nhiệt tình trên hòn đảo vì một bản sắc Đài Loan không có nghĩa là các cử tri đã sẵn sàng thách thức thực tế địa chính trị.

Vào năm 2018, các cử tri trong một cuộc trưng cầu dân ý đã bác bỏ đề xuất tham gia Thế vận hội với tên gọi “Đài Loan”. Nhiều người lo ngại rằng việc thay đổi tên này sẽ khiến chính quyền Trung Quốc sẽ ngăn cản hòn đảo này tham gia Thế vận hội.

Lo Chih-Cheng, một nhà lập pháp của Đảng Dân Tiến cầm quyền của Đài Loan, đã mô tả thuật ngữ Đài Bắc Trung Hoa là một “sự thỏa thuận không thể chấp nhận được mà người dân buộc phải chấp nhận”.

Ông nói với Reuters rằng mặc dù Đài Loan có thể không thể thay đổi hiện trạng trên trường quốc tế, nhưng mọi người không nên “coi đó là điều hiển nhiên” ở quê nhà và nên gọi đội Đài Loan bằng cái tên đích thực của nó.

Các nhà hoạt động đang chuẩn bị kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý khác trước Thế vận hội Paris vào năm 2024, truyền thông đưa tin.

Johnny Chiang, Chủ tịch Quốc Dân Đảng, là đảng đối lập chính của Đài Loan vốn ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh, cho biết đây không phải là thời điểm thích hợp để thúc đẩy thay đổi.

“Đội Đài Bắc Trung Hoa là đoàn của chúng tôi tại Thế vận hội”, ông cho biết. “Đừng gây phân tán tư tưởng của các vận động viên với ý thức hệ”.

Minh Dũng

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tranh cãi tên gọi chính thức tại Olympics của Đài Loan: 'Đài Loan' hay 'Đài Bắc Trung Hoa'