Trạm quân sự trá hình của Trung Quốc ở Argentina hay trang trại Gió tại Texas: Hiểm nguy cho nước MỸ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đang vận hành một trạm không gian đầy bí ẩn ở Argentina với “quảng cáo” nhằm mục đích dân sự. Nhưng thực chất nó được ngụy trang để phục vụ cho Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Cũng vậy, trang trại Gió tại bang Texas (Mỹ), vốn được một cựu sĩ quan PLA bỏ ra khoản tiền hơn 1,5 tỉ để mua nhằm mục đích gì? Kinh doanh hay Do thám?

Trạm không gian Argentina hay căn cứ quân sự Trung Quốc?

Theo Businessinsider, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với Argentina để xây dựng một trạm ra-đa công suất cực lớn với chiều cao tương đương tòa nhà 16 tầng ở khu vực Patagonia, và hứa hẹn với quốc gia Nam Mỹ này sẽ mở rộng cửa để đón du khách tới tham quan khu phức hợp dành cho mục đích dân sự này.

Từ xa có thể nhìn thấy Trạm không gian này, tuy nhiên du khách chỉ có thể đứng đằng sau hàng rào thép gai cao 2,5m bao quanh khu phức hợp rộng 200 hecta ngắm nhìn trong các chuyến tham quan phải đặt lịch hẹn trước.

Screen Shot 2021-07-16 at 9.15.52 PM.png
Du khách chỉ có thể đứng đằng sau hàng rào thép gai cao 2,5m bao quanh khu phức hợp Trạm không gian rộng 200 hecta ngắm nhìn trong các chuyến tham quan phải đặt lịch hẹn trước. (Ảnh chụp qua màn hình)

Theo truyền thông Trung Quốc, mục đích của trạm không gian là quan sát và thăm dò khoảng không vũ trụ một cách hòa bình. Trạm không gian này đóng vai trò quan trọng trong cuộc thám hiểm của tàu vũ trụ Hằng Nga 4 vào vùng tối của Mặt trăng hồi tháng 1/2019.

Trạm ra-đa này đã gây ra sự bất an cho người dân địa phương, chính phủ Argentina và thậm chí an ninh của nước Mỹ, không chỉ do việc Trung Quốc hạn chế “người lạ” tiếp cận, mà còn do mối quan hệ của nó với quân đội ĐCSTQ.

Cựu ngoại trưởng Argentina là Susana Malcorra thừa nhận chính quyền Argentina có ít quyền kiểm soát với trạm không gian do Trung Quốc xây dựng và vận hành trên lãnh thổ nước này. Năm 2016, Argentina đã bổ sung quy định trạm không gian chỉ dành cho mục đích dân sự vào Thỏa thuận về trạm vũ trụ với Trung Quốc.

Thỏa thuận này bắt buộc Trung Quốc phải thông báo cho Argentina về các hoạt động tại trạm không gian nhưng không quy định cụ thể cơ chế thực thi cho chính quyền đảm bảo trạm không gian sẽ không được sử dụng cho mục đích quân sự, các chuyên gia luật quốc tế cho biết.

Chương trình không gian của Trung Quốc nằm dưới sự chỉ huy của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Trạm Patagonia chịu sự quản lý của Tổng cục Kiểm soát theo dõi và phóng vệ tinh Trung Quốc (CLTC), sau đó báo cáo cho Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược PLA.

Từ lâu, Mỹ đã nêu quan ngại về kế hoạch mờ ám này của Trung Quốc nhằm “quân sự hóa” không gian. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, các quan chức Mỹ hoàn toàn có lý do để nghi ngờ sự trung thực của Bắc Kinh trong lời khẳng định trạm không gian ở Argentina chỉ để khám phá khoa học.

Năm 2019, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, Garrett Marquis cho biết: “Trạm Patagonia đã được một chính phủ đang “khát ngoại tệ” đồng ý bí mật với Trung Quốc cách đây một thập kỷ, là một ví dụ khác về các giao dịch mờ ám và mang tính săn mồi của Trung Quốc làm suy yếu chủ quyền của các quốc gia khác”.

Trạm không gian được vận hành bởi quân đội Trung Quốc nhìn từ vệ tinh. (Ảnh chụp màn hình Twitter)
Trạm không gian được vận hành bởi quân đội Trung Quốc nhìn từ vệ tinh. (Ảnh chụp màn hình Twitter)

Một số chuyên gia thậm chí còn cho biết chiếc đĩa rộng 35 mét có thể nghe trộm các vệ tinh nước ngoài.

Theo ý kiến của một số người dân sống tại Las Lajas, thị trấn có 7.000 cư dân nằm cách trạm chỉ khoảng 40 phút lái xe, trạm không gian không phải là một cơ sở nghiên cứu khoa học đơn thuần, mà họ nghi ngờ là một căn cứ quân sự của Trung Quốc.

Chủ cửa hàng Alfredo Garrido (51 tuổi) cho biết: “Những người này không cho phép bạn vào xem. Ý tôi là trạm này không phải là một cơ sở nghiên cứu khoa học, mà là một căn cứ quân sự của Trung Quốc".

Trạm không gian này đã đi vào hoạt động từ tháng 4/2018 gồm 30 nhân viên Trung Quốc làm việc và sinh sống, và không tuyển người địa phương vào làm việc. Những cư dân ở Las Lajas cho biết, họ hiếm khi nhìn thấy bất cứ ai từ trạm không gian vào thị trấn, ngoại trừ khi đi đến siêu thị Trung Quốc.

Trái ngược với sự lo lắng của người dân, chính quyền Argentina luôn tin tưởng Trung Quốc sẽ thực hiện đúng Thỏa thuận, đặc biệt là chỉ sử dụng trạm nói trên cho mục đích dân sự, đồng thời nhiều lần đưa ra những lời biện hộ cho những điều bí ẩn ở đó, dù chính quyền Argentina cũng thừa nhận điểm hạn chế của thỏa thuận là không có cơ chế đảm bảo thực thi.

Theo điều tra viên Esteban Tablon của Argentina, Mỹ ngày càng quan ngại về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Nam Mỹ và nỗi lo ngại của họ với trạm Neuquen là điều dễ hiểu, bởi radar Trung Quốc ở đây có khả năng phát hiện các vệ tinh quân sự bí mật.

"Khu vực này có cùng kinh tuyến với New York và Trung Quốc đang tìm cách triển khai ở đây các cảm biến có độ nhạy cao để phát hiện những tín hiệu mà họ cho là đe dọa đến cán cân quyền lực ở khu vực", Tablon giải thích.

Chắc chắn là như vậy. Nó được chế tạo đặc biệt để điều khiển phiên bản GPS của họ, được sử dụng làm hệ thống dẫn đường cho công nghệ máy bay và tên lửa thế hệ tiếp theo của Trung Quốc.

Điều quan trọng hơn, đây chính là bằng chứng về sự bành trướng của Trung Quốc vào Nam Mỹ. Các quốc gia không chỉ “tình cờ” cho phép một quốc gia khác đặt một hệ thống “dẫn đường” quân sự trên lãnh thổ của mình, trừ khi có một mối quan hệ đối tác “đôi bên cùng có lợi” đã được thiết lập. Điều này luôn theo sau mô hình mở rộng lớn hơn của ĐCSTQ, là xây dựng quan hệ đối tác kinh tế và quân sự với hầu hết các quốc gia ở Nam và Trung Mỹ.

Trang trại gió ở Texas: Tổ hợp do thám bí ẩn của ĐCSTQ?

Khi Mỹ vừa phải vật lộn với các cuộc tấn công mạng nghiêm trọng buộc đường ống dẫn xăng dầu lớn nhất nước này là Colonial Pipeline phải ngừng hoạt động vào hồi tháng 5 vừa qua, bang Texas đang tiến tới với một dự luật để ngăn chặn các quốc gia đối thủ mua các dự án cơ sở hạ tầng của bang.

Mạng lưới Colonial Pipeline dài khoảng 8.850 km trải dài từ bang Texas qua các bang miền nam và đến New Jersey, cung cấp nhiên liệu có nguồn gốc từ các nhà máy lọc dầu trên vùng Duyên hải Vịnh Mexico cho hầu hết miền đông và miền nam Mỹ, với hơn 2,5 triệu thùng/ngày gồm xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay, và các sản phẩm tinh chế khác.

Cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ đã khiến các cơ quan thực thi pháp luật, cùng với cơ quan an ninh mạng của Mỹ đã khởi động một cuộc điều tra. Vụ việc đã làm dấy lên mối lo ngại về các thực thể nước ngoài có thể gây nguy hiểm đến an ninh của nước Mỹ.

Vì vậy, dự luật về cơ sở hạ tầng SB2116 được Thượng nghị sĩ Texas Donna Campbell giới thiệu đã được nhất trí bỏ phiếu tại Thượng viện bang vừa qua. Nếu dự luật được thông qua tại Hạ viện của bang và được Thống đốc bang ký thành luật, nó sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9/2021.

Mục đích của dự luật là ngăn chặn quyền sở hữu các dự án cơ sở hạ tầng ở Texas của các cá nhân hoặc tổ chức có liên hệ với Nga, Trung Quốc, Triều Tiên hoặc Iran. Các nỗ lực sở hữu của các quốc gia khác - được Thống đốc coi là mối đe dọa - cũng có thể bị từ chối, với sự tham vấn của Bộ An toàn Công cộng.

Mọi việc bắt nguồn từ việc đề xuất xây dựng Trang trại gió có tên là Blue Hills ở Hạt Val Verde (Texas), cách biên giới Mexico 16 km và cách Căn cứ Không quân Laughlin 48 km. Đây được coi là cơ sở đào tạo lực lượng không quân quan trọng của Mỹ.

Nhà đầu tư Trung Quốc mua một trang trại gió rộng hơn 500 km² gần căn cứ quân sự Texas
Các tuabin gió tại một trang trại gió ở Thành phố Colorado, Texas, vào ngày 21 tháng 1 năm 2016. (Spencer Platt / Getty Images)

Ngoài các vấn đề về khả năng gây nhiễu cho các chuyến bay, trang trại gió Blue Hills đã làm dấy lên lo ngại về những nỗ lực do thám hoặc can thiệp vào hoạt động huấn luyện bay của không quân Mỹ. Dự án cũng làm dấy lên lo ngại rằng việc cung cấp điện cho căn cứ Không quân có thể dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân thù địch.

Năm 2018, khu đất rộng khoảng 140.000 mẫu dành cho trang trại gió đã được Brazos Highland Properties LP mua, một công ty mẹ thuộc Công ty Năng lượng Guanghui có trụ sở tại Trung Quốc.

Công ty Năng lượng Guanghui được thành lập vào năm 1999 bởi Sun Guangxin, là đảng viên ĐCSTQ, và là một cựu sĩ quan PLA từng tham gia vào cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam vào năm 1979.

Sun Guangxin cũng là chủ doanh nghiệp sở hữu nhiều đất đai nhất ở Tân Cương - khu vực nổi tiếng có hệ thống trại giam giữ lao động cưỡng bức bí mật khổng lồ của Trung Quốc, và ông ta cũng là người giàu nhất tỉnh này. Quyền sở hữu trang trại gió của Sun Guangxin đã thu hút sự quan tâm của các nhà hoạt động và các nhà lập pháp Mỹ.

"Liệu một thực thể thuộc sở hữu nước ngoài có thể cung cấp nguồn điện cho bang, có nghĩa là họ đang kiểm soát một phần nguồn điện đó ngay bây giờ?". Đại diện Texas Will Hurd, một cựu sĩ quan CIA, trao đổi với Foreign Policy. “Liệu họ có thể thao túng các hệ thống đó không?”.

Trang trại gió Blue Hills có cấu trúc đặc biệt khác thường: Các tuabin đều có độ cao 213 mét, cao nhất nước Mỹ, trong khi chiều cao trung bình của một tuabin gió chỉ là 85 m, theo thống kê của chính phủ Mỹ.

Những người chỉ trích dự án trang trại gió như Kyle Bass, Giám đốc đầu tư của Hayman Capital Management, người đã làm chứng trong các phiên điều trần cho dự luật, nói rằng kích thước cao phi thường của các tuabin Blue Hills có thể phục vụ cho các mục đích bí mật khác.

Theo ông Kyle Bass, "Độ cao của các tuabin gió này sẽ cho phép quân đội Trung Quốc thực hiện giám sát bí mật và thu thập thông tin cực kỳ nhạy cảm về phi công, căn cứ, các chương trình huấn luyện bay, máy bay và thậm chí cả lưới điện của chúng tôi".

Có thể nói, ĐCSTQ đang tìm cách xâm nhập và thống lĩnh nhiều vị trí trọng yếu ở cả bên ngoài lẫn bên trong lãnh thổ nước Mỹ. Ai mà biết được âm mưu của ĐCSTQ là nhằm mục đích gì?

Đông Bắc

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Trạm quân sự trá hình của Trung Quốc ở Argentina hay trang trại Gió tại Texas: Hiểm nguy cho nước MỸ?