Phải chăng Bắc Kinh đang triển khai mạng Bot trên Twitter để truyền bá thông tin sai lệch về đại dịch viêm phổi Vũ Hán?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phát hiện ra một chiến dịch “phối hợp” gọi là mạng bot trên Twitter [một mạng lưới các máy tính bị chi phối bởi ai đó và bị điều khiển bởi một máy tính khác từ xa]. Đây là một phần mềm độc hại được thiết kế để truyền bá thông tin sai lệch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và là một phần của chiến dịch tuyên truyền nhằm trốn tránh trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc gây ra đại dịch COVID-19 toàn cầu.

Trung tâm Cam kết Toàn cầu (GEC) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có trách nhiệm vạch trần những nỗ lực truyền bá thông tin sai lệch của nước ngoài. Gần đây GEC đã xác định được hàng ngàn tài khoản giả trên Twitter chuyên dùng để giúp các đại sứ quán và các nhà ngoại giao của Trung Quốc truyền bá thông tin sai lệch.

Trong cuộc họp báo ngày 8/5, bà Lea Gabrielle, giám đốc GEC cho biết: “GEC đã phát hiện ra một mạng lưới các tài khoản giả trên Twitter chuyên dùng cho mục đích tuyên truyền của Trung Quốc”.

“Sau đó, chúng tôi đánh giá rằng mạng lưới này có thể được triển khai để hỗ trợ ĐCSTQ nhanh chóng khuếch đại và truyền bá thông tin sai lệch trên khắp thế giới, xoay chuyển thông tin theo chiều hướng có lợi cho họ”, bà nói thêm.

Bà Gabrielle cho biết “có nhiều khả năng” đó là nỗ lực liên quan đến ĐCSTQ. Hiện tại, ĐCSTQ đang “hung hăng” tung ra chiến dịch tuyên truyền, để cố gắng thay đổi lại câu chuyện lịch sử xung quanh đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Bà nhận định rằng chiến dịch này nhằm tô vẽ hình ảnh về chính quyền Trung Quốc là nhà lãnh đạo toàn cầu trong việc ứng phó với dịch bệnh, chứ không phải là nơi khởi phát đại dịch.

Trong những tháng gần đây, càng ngày càng có nhiều nhà ngoại giao của Trung Quốc xuất hiện trên Twitter, một mạng xã hội bị cấm ở Trung Quốc, để ca ngợi những nỗ lực của ĐCSTQ trong việc chiến thắng đại dịch. Họ đồng thời chỉ trích việc xử lý dịch bệnh của các quốc gia khác, và thúc đẩy thuyết âm mưu vô căn cứ rằng virus Corona Vũ Hán có nguồn gốc từ bên ngoài Trung Quốc, chẳng hạn như tại Hoa Kỳ.

Còn có cả một đoạn video được người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tung lên mạng, rằng khi các bác sĩ Trung Quốc đến Ý, thì ngoài đường phố rộn lên bài quốc ca của Trung Quốc. Video giả mạo này sau đó bị gỡ xuống, bà Gabrielle cho biết. Đoạn video có cảnh người Ý nói: “Cảm ơn đất nước Trung Quốc”, nhưng trên thực tế, người Ý đang cảm ơn đội ngũ nhân viên y tế của chính họ.

Bà nói: “Tuy nhiên, các chính khách Trung Quốc và truyền thông của ĐCSTQ đã thay đổi bối cảnh của video thành “ủng hộ Bắc Kinh” rồi chia sẻ rộng rãi video trên. Video này đã được các tài khoản trên mạng xã hội liên kết với Nga khuếch tán.

Mạng lưới Bot

Bà Gabrielle cho biết, theo những phân tích của GEC, từ tháng 3/2020, đã có sự gia tăng đáng kể số lượng người theo dõi các tài khoản ngoại giao của Trung Quốc trên Twitter. Vào thời điểm này, ĐCSTQ bắt đầu đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch trên toàn cầu. Số lượng người theo dõi mới mỗi ngày tăng gấp 22 lần, từ mức trung bình là 30 người lên hơn 720 người. Ngoài ra, nhiều người trong số này được tạo tài khoản mới.

Bà Gabrielle nói: “Số người theo dõi đã gia tăng đột ngột, và rất nhiều người trong số này được tạo tài khoản mới. Điều này chỉ ra rằng có một mạng lưới nhân tạo đã được thiết lập, để theo dõi và khuếch đại thông tin từ các chính khách và quan chức Bộ Ngoại giao của Trung Quốc”.

Các bằng chứng khác cho thấy việc các tài khoản trên liên kết với mạng bot là điều thực tế, và nhiều tài khoản này đang theo dõi đồng thời nhiều quan chức và nhiều đại sứ quán của Trung Quốc ở các quốc gia khác nhau. Hầu hết, chúng được tạo ra trong khung giờ của Bắc Kinh, bà Gabrielle cho hay.

Ví dụ, các tài khoản của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên và Hoa Xuân Oánh chia sẻ với 3.423 [tài khoản mạng bot] trong số 10.000 người theo dõi gần đây nhất của họ. Gần 40% những người này được tạo tài khoản trong khoảng thời gian sáu tuần từ ngày 1/3 đến ngày 25/4, bà Gabrielle cho biết.

Người phát ngôn của Twitter nói: “Công ty sẽ tiếp tục cách tiếp cận không-khoan-nhượng đối với các hành động thao túng nền tảng Twitter, và bất kỳ nỗ lực nào khác nhằm làm suy yếu tính toàn vẹn của dịch vụ của Twitter. Khi chúng tôi xác định được các chiến dịch hoạt động thông tin có sự hậu thuẫn của nhà nước - bất kể trong hay ngoài Hoa Kỳ - thì chúng tôi sẽ tiết lộ chúng cho công chúng”.

Twitter cho biết công ty gần đây đã nhận được 5.000 tài khoản từ Bộ Ngoại giao, và đã tiến hành đánh giá sơ bộ nhưng không tìm thấy các tài khoản được hậu thuẫn bởi ĐCSTQ. Nhiều trong số những tài khoản này là do các cơ quan chính phủ của phương Tây, các tổ chức nhân quyền và các nhà báo nắm giữ. Công ty đang tiếp tục xem xét và đánh giá, cũng như lên kế hoạch chia sẻ những phát hiện của mình với GEC.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phúc đáp rằng, các tài khoản họ cung cấp cho Twitter chỉ đại diện cho một phần nhỏ của toàn bộ dữ liệu gần 250.000 tài khoản.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi các tài khoản thật lại có trong số những mẫu tài khoản được đánh giá. Phân tích tổng thể của chúng tôi dựa trên sự hợp lưu của các yếu tố đáng ngờ. Hiện chúng tôi đang chờ đợi kết quả để xử lý”.

Một nghiên cứu hồi tháng 3/2020 của tổ chức truyền thông phi lợi nhuận ProPublica đã xác định rằng, 10.000 tài khoản Twitter giả mạo và tài khoản bị hack, được Twitter đánh giá là có liên quan đến chiến dịch “phối hợp tạo dựng hình ảnh” về ảnh hưởng của Trung Quốc xung quanh đại dịch.

Báo cáo nghiên cứu viết: “Quy mô thực sự của chiến dịch gây ảnh hưởng có thể lớn hơn nhiều, chúng tôi theo dõi và thấy rằng các tài khoản mà chúng tôi xác định chỉ bao gồm một phần của hoạt động này”.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Phải chăng Bắc Kinh đang triển khai mạng Bot trên Twitter để truyền bá thông tin sai lệch về đại dịch viêm phổi Vũ Hán?