Sau cuộc họp ngoại giao với Hoa Kỳ, Trung Quốc thúc đẩy Luật An ninh quốc gia tại Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) có buổi gặp gỡ tại Hawaii để hội đàm, hai bên đã đưa ra những tuyên bố khác nhau về cuộc gặp mặt.

Vài giờ sau cuộc họp, Ủy ban Thường vụ của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (NPC) đã tiến hành việc soạn thảo bộ luật an ninh quốc gia (ANQG) đối với Hong Kong. Quyết định này của chính quyền Bắc Kinh gây tranh cãi trên trường quốc tế; Hoa Kỳ và các quốc gia khác, bao gồm cả các quốc gia thuộc G-7 đã lên án mạnh mẽ động thái này và nêu lên mối quan ngại rằng việc này sẽ làm suy yếu quyền tự trị và tự do của Hong Kong.

Cuộc họp của Ngoại trưởng Pompeo và ông Dương Khiết Trì

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và nhà ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có buổi gặp gỡ và trao đổi trong hơn 6 giờ đồng hồ tại Honolulu vào ngày 17/6, theo Reuters đưa tin.

Ông Dương là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một cơ quan gồm có 25 thành viên ưu tú của Đảng này; ông cũng là Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại. Ông Dương được coi là quan chức hàng đầu của ĐCSTQ về các vấn đề liên quan đến Đài Loan, đồng thời là quan chức cao thứ 2 về các vấn đề Hong Kong và Ma Cao. Hai vùng lãnh thổ này vốn là các thuộc địa cũ của châu Âu, đã được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997 và 1999.

Sau cuộc họp này, vào ngày 18/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ban hành một tuyên bố ngắn gọn được cho là của người phát ngôn Morgan Ortagus, nói rằng: “Ngoại trưởng [Pompeo] nhấn mạnh các lợi ích quan trọng của Mỹ và sự cần thiết phải có các thỏa thuận có lợi cho đôi bên về thương mại, an ninh và tương tác ngoại giao. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chia sẻ thông tin và minh bạch đầy đủ để chống lại đại dịch COVID-19 đang diễn ra và ngăn chặn sự bùng phát trong tương lai”.

Trong khi đó, ĐCSTQ, thông qua một tuyên bố lần đầu được công bố trên Tân Hoa Xã, thông báo rằng ông Pompeo và ông Dương đã chia sẻ ý kiến ​​về mối quan hệ song phương Trung - Mỹ.

Bản tuyên bố cho biết: “Cả hai phía đều coi cuộc gặp gỡ này là một cuộc đối thoại mang tính xây dựng. Hai bên đồng ý thực hiện những thỏa thuận đạt được bởi người đứng đầu hai quốc gia. Cả hai bên đồng ý duy trì liên lạc và đối thoại”.

Hàng ngàn người tham gia buổi cầu nguyện dưới ánh nến ở Công viên Victoria ở Hong Kong vào ngày 4/6/2009, để kỷ niệm 20 năm cuộc đàn áp đối với những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh. (ANTONY DICKSON / AFP qua Getty Images)
Hàng ngàn người tham gia buổi cầu nguyện dưới ánh nến ở Công viên Victoria ở Hong Kong vào ngày 4/6/2009, để kỷ niệm 20 năm cuộc đàn áp đối với những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh. (ANTONY DICKSON / AFP qua Getty Images)

Tân Hoa Xã sau đó đã công bố một bài phát biểu ngắn từ ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Trung Quốc.

Ông Triệu chỉ đề cập đến những gì ông Dương Khiết Trì nói với Ngoại trưởng Pompeo về các vấn đề của Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương, nhưng không đề cập đến những gì phía Hoa Kỳ nhắc tới.

Tuyên bố này nhấn mạnh các vị trí đường lối cứng rắn của ĐCSTQ đối với Đài Loan và Hong Kong. Cụ thể, Trung Quốc vẫn giữ vững quan điểm chủ quyền đối với các khu vực này. Chính quyền Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, mặc dù đây là một quốc đảo dân chủ, tự trị.

Theo ông Triệu, ông Dương đã nói với ông Pompeo rằng: “Sự quyết tâm của Trung Quốc đối với việc đưa ra luật ANQG ở Hong Kong là không hề nao núng. Trung Quốc kiên quyết phản đối những lời nói và hành động của Hoa Kỳ với mục đích can thiệp vào các vấn đề tại Hong Kong”.

Hoa Kỳ trước đó đã đưa ra các tuyên bố lên án Bắc Kinh can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hong Kong. Đáp lại đề xuất luật ANQG của Bắc Kinh, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ thu hồi vị thế giao dịch đặc biệt của Hong Kong và ban hành lệnh trừng phạt đối với các quan chức làm tổn hại đến quyền tự trị của đặc khu này.

Ông Triệu cũng nói rằng phía Trung Quốc phản đối một tuyên bố chung gần đây của G-7 về Hong Kong.

Được ban hành vào ngày 17/6, các Bộ trưởng Ngoại giao của Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Đại diện cấp cao của EU đã đưa ra một tuyên bố chung nhằm kêu gọi Trung Quốc xem xét lại đề xuất luật ANQG của mình tại Hong Kong. Bản tuyên bố cho biết, đề xuất này của Bắc Kinh “không phù hợp với Luật cơ bản của Hong Kong [bản tiểu hiến pháp của đặc khu này] và các cam kết quốc tế của [Bắc Kinh] theo các nguyên tắc của Tuyên bố chung Trung - Anh được đăng ký với Liên Hợp Quốc”. Tuyên bố chung Trung - Anh là một hiệp ước trong đó vạch ra sự chuyển giao chủ quyền của Hong Kong khi Anh Quốc trao trả đặc khu này lại cho Trung Quốc, cùng lời hứa của ĐCSTQ sẽ tôn trọng quyền tự trị của Hong Kong khi bàn giao.

Nhóm G-7 nói thêm rằng điều luật này có thể “gây nguy hiểm cho hệ thống [pháp lý] đã cho phép Hong Kong phát triển và thành công trong nhiều năm”.

Người dân đặt hoa tưởng niệm cái chết của một người biểu tình địa phương, gần trung tâm thương mại Pacific Place ở Admiralty, Hong Kong, vào ngày 15/6/2020. (Song Bilung / The Epoch Times)
Người dân đặt hoa tưởng niệm cái chết của một người biểu tình địa phương, gần trung tâm thương mại Pacific Place ở Admiralty, Hong Kong, vào ngày 15/6/2020. (Song Bilung / The Epoch Times)

Vấn đề về Hong Kong

Vài giờ sau cuộc họp của ông Pompeo và ông Dương, chính quyền Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố rằng NPC đã cân nhắc việc soạn thảo luật ANQG cho Hong Kong.

Theo thông báo, điều luật này sẽ trừng phạt 4 loại hành động ở Hong Kong: “ly khai, lật đổ chính quyền, hoạt động khủng bố và thông đồng với các thế lực nước ngoài hoặc bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.

ĐCSTQ, cũng như các quan chức thân Bắc Kinh ở Hong Kong, trước đây đã buộc tội các nhà hoạt động dân chủ và người biểu tình Hong Kong, gọi họ là những cá nhân “thông đồng với các thế lực nước ngoài hoặc bên ngoài”.

Nhiều người Hong Kong lo ngại rằng luật ANQG mới sẽ cho phép chính quyền Bắc Kinh đàn áp những người bất đồng chính kiến với ĐCSTQ.

Điều kỳ lạ là, khi Bộ trưởng Tư pháp Hong Kong Teresa Cheng Yeuk-wah được các phóng viên hỏi về động thái của Bắc Kinh vào ngày 18/6, bà nói rằng bà không biết gì về chi tiết của bản dự thảo luật ANQG này. Sau đó, bà từ chối bình luận về hành vi phạm tội với tội danh “thông đồng với các thế lực nước ngoài hoặc bên ngoài”.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Sau cuộc họp ngoại giao với Hoa Kỳ, Trung Quốc thúc đẩy Luật An ninh quốc gia tại Hong Kong