Tổng thống Trump hy vọng tránh chạy đua vũ trang giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thảo luận về kiểm soát vũ khí trong cuộc điện đàm giữa 2 nhà lãnh đạo hôm thứ Năm (23/7), Điện Kremlin và Nhà Trắng cho biết.

“Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các vấn đề song phương và toàn cầu quan trọng. Tổng thống Trump nhắc lại hy vọng tránh chạy đua vũ trang 3 bên tốn kém giữa Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ, đồng thời mong muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí sắp tới tại Vienna”, phát ngôn viên của Nhà Trắng Judd Deere cho biết trong một tuyên bố.

Thông báo từ điện Kremlin về cuộc gọi cho biết, các bên đã tái khẳng định về “tính kịp thời của các cuộc tham vấn song phương” về các vấn đề kiểm soát vũ khí, bao gồm Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới.

Theo Reuters, điện Kremlin nói thêm rằng, hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ mong muốn chung về phát triển thương mại và kinh tế giữa Nga và Hoa Kỳ.

Các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân thất bại ở Trung Quốc

Marshall Billingslea, đặc phái viên về kiểm soát vũ khí của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, trong các cuộc đàm phán với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov về kiểm soát vũ khí hạt nhân, thông báo với báo chí ở Vienna, Áo, vào ngày 23/6/2020. (Ảnh của Ronald Zak / AP)
Marshall Billingslea, đặc phái viên về kiểm soát vũ khí của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, trong các cuộc đàm phán với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov về kiểm soát vũ khí hạt nhân, thông báo với báo chí ở Vienna, Áo, vào ngày 23/6/2020. (Ảnh của Ronald Zak / AP)

Hoa Kỳ và Nga đã tổ chức các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân vào ngày 22/6 tại Vienna, nhằm lập một thỏa thuận mới để thay thế hiệp ước START mới sắp hết hạn, hiệp ước cuối cùng còn hiệu lực để hạn chế kho vũ khí của 2 cường quốc hạt nhân.

Thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất giữa Hoa Kỳ và Nga vẫn còn hiệu lực và ràng buộc hai nước là Hiệp ước START mới, được ký kết vào năm 2010 và sẽ hết hạn vào tháng 2/2021. Hiệp ước giới hạn số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược mà mỗi quốc gia có thể triển khai.

Trung Quốc cũng được mời tham gia các cuộc đàm phán, nhưng đã từ chối lời mời, Đặc phái viên Hoa Kỳ về Kiểm soát Vũ khí Marshall Billingslea cho biết.

Theo Liên đoàn các nhà Khoa học Mỹ, Nga và Hoa Kỳ đang sở hữu hơn 90% tổng số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới tính đến năm 2020, trong đó có 6.372 đầu đạn của Nga và 5,800 đầu của Hoa Kỳ. Ước tính Trung Quốc có 320 đầu đạn hạt nhân, nhưng con số thực tế chưa được xác định.

Ngày 2/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành chính sách răn đe hạt nhân của Nga, cho phép nước này sử dụng vũ khí nguyên tử không chỉ để đáp trả các cuộc tấn công hạt nhân, mà còn để trả đũa các cuộc tấn công thông thường nhắm vào chính phủ và cơ sở hạ tầng quân sự của quốc gia ở Nga.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Trump hy vọng tránh chạy đua vũ trang giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ