Tổng thống Biden ký Sắc lệnh hành pháp về vấn đề Nhập cư, Tị nạn, Chia cắt gia đinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 2/2, sau một loạt các Sắc lệnh hành pháp vào ngày 20/1, tại Thủ đô Washington, Tổng thống Joe Biden đã ký thêm ba Sắc lệnh liên quan đến chính sách nhập cư.

"Tôi không đưa ra luật mới, tôi đang loại bỏ chính sách tồi", Tổng thống Biden nói.

Các Sắc lệnh mới nới lỏng các tiêu chí xin tị nạn, đảo ngược Quy tắc gánh nặng xã hội của chính quyền tiền nhiệm, thành lập một lực lượng đặc nhiệm để hỗ trợ 'Người Mỹ Mới', phát triển một chiến lược để giải quyết “tình trạng di cư bất thường qua biên giới phía Nam” và thành lập một lực lượng đặc nhiệm để thống nhất những gia đình bị ly tán dưới thời chính quyền tiền nhiệm.

“Chiến lược của Tổng thống Biden tập trung vào tiền đề cơ bản rằng, đất nước của chúng ta sẽ an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và thịnh vượng hơn với một hệ thống nhập cư công bằng, an toàn và có trật tự, chào đón những người nhập cư, đoàn tụ gia đình và cho phép mọi người — cả những người nhập cư mới đến và những người đã sống ở đây qua nhiều thế hệ — cơ hội đóng góp trọn vẹn hơn cho đất nước của chúng ta”, tờ thông tin do Nhà Trắng phát hành ngày 2/2 nêu rõ.

Đoàn tụ gia đình

Tổng thống Biden thành lập một lực lượng đặc nhiệm để đoàn tụ các gia đình đang ly tán sau khi người lớn bị buộc tội nhập cảnh bất hợp pháp vào Hoa Kỳ.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết vào ngày 2/2, hiện tại, có khoảng 600 đến 700 trẻ em đang bị chia cắt khỏi cha mẹ. “Một phần những gì… lực lượng đặc nhiệm cần làm trong giai đoạn đầu là xác định con số chính xác là bao nhiêu và những đứa trẻ này đang ở đâu, sau đó xác định quy trình và cách tiếp cận tốt nhất cho từng trường hợp cụ thể để chúng được đoàn tụ với các thành viên trong gia đình của mình”, Thư ký Nhà Trắng nói. Bà cho biết, một báo cáo sẽ được phát hành sau 120 ngày.

Thời báo The Epoch Times đã yêu cầu Bộ An ninh Nội địa (DHS) cung cấp thông tin chi tiết hơn và cho biết yêu cầu này sẽ được DHS hồi đáp trong vòng hai ngày.

“Tổng thống Biden tin rằng các gia đình phải thuộc về nhau”, tờ thông tin viết. “Ông nói rõ rằng việc đảo ngược các chính sách nhập cư của Chính quyền tiền nhiệm vốn chia rẽ hàng nghìn gia đình ở biên giới là ưu tiên hàng đầu của ông”.

Tổng thống cũng ra lệnh xem xét lại chương trình Nghị định thư Bảo vệ Người di cư, trong đó yêu cầu những người vượt biên trái phép phải chờ xem xét khả năng nhập cư của họ ở Mexico, thay vì được thả vào Hoa Kỳ.

Bối cảnh chia cắt Gia đình

Tháng 4/2018, Tổng chưởng lý của Hoa Kỳ khi đó là Jeff Sessions đã công bố chính sách truy tố "không khoan nhượng" đối với tất cả những người vượt biên trái phép độ tuổi trưởng thành, theo yêu cầu của 8 U.S.C. Mục 1325 (a).

Điều đó có nghĩa là cha mẹ và con cái vượt biên bất hợp pháp bị chia cắt trong khi cha mẹ bị Cục Cảnh sát Hoa Kỳ giam giữ và chờ xử lý. Bất kỳ trẻ em nào đi cùng đều được chuyển đến Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh và được phân loại lại là trẻ vị thành niên không có người đi kèm, theo Đạo luật tái cấp phép bảo vệ nạn nhân buôn người (TVPRA). Khoảng 5.000 gia đình đã bị ảnh hưởng trong vòng sáu tuần.

Cả chính quyền Obama và Bush đều chia cắt các gia đình ở biên giới vì những lý do giống nhau.

Trong trường hợp các gia đình đến một cửa khẩu và xin tị nạn, hầu hết họ sẽ không bị chia cắt, theo tuyên bố vào ngày 9/7/2019 của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP).

“Việc này [chia cắt] chỉ được thực hiện trong những trường hợp cấp bách nhằm bảo vệ đứa trẻ và đảm bảo sức khỏe cho đứa trẻ”, Todd Owen, ủy viên trợ lý điều hành của Văn phòng Hoạt động Hiện trường của CBP, cho biết vào thời điểm đó.

Trước khi có chính sách không khoan nhượng, các nhân viên Tuần tra Biên giới đã phát hiện rằng, những người nhập cư bất hợp pháp đang thuê trẻ em ở phía nam biên giới để nhanh chóng được thả vào khu vực nội địa Hoa Kỳ. Những người trưởng thành độc thân có thể dễ dàng bị từ chối hoặc bị quản thúc, nhưng những người có trẻ em đi cùng sẽ nhanh chóng được thả do lỗ hổng luật pháp.

Sau khi phản ứng dữ dội, cựu Tổng thống Donald Trump đã ký một Sắc lệnh hành pháp để ngăn chặn các cuộc chia cắt gia đình vào ngày 20/6/2018 và "bắt và thả" lại trở thành điều mặc định cho đến khi chương trình Quy định bảo vệ người di cư, còn được gọi là 'Ở lại Mexico', được khởi động đầu năm 2020.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, được giao nhiệm vụ đoàn tụ các gia đình người di cư, sau đó đã xác định, có gần 13% cha mẹ của đợt đầu tiên là tội phạm nghiêm trọng, hoặc họ đã lừa dối là cha mẹ thực sự.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đoàn tụ gia đình, Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen khi đó bị buộc tội đã trục xuất người lớn về nước mà không có con cái của họ đi cùng.

“Tôi cũng chỉ xin nhấn mạnh rằng, để phù hợp với thông lệ lâu đời trong luật pháp, trước khi chúng tôi trục xuất bất kỳ người nước ngoài nào sau khi họ làm thủ tục và nhận được lệnh trục xuất cuối cùng, chúng tôi hỏi họ có muốn đưa con cái đi cùng không”, ông Nielsen phát biểu trước Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện vào ngày 6/3/2019.

“Đồng thời, lãnh sự quán hoặc đại sứ quán của họ — với mục đích cấp cho họ giấy thông hành — cũng hỏi họ rằng họ có muốn đi cùng con cái khi bị trục xuất không…. Thẩm phán cũng yêu cầu chúng tôi quay lại và hỏi lại các cha mẹ, kết hợp với Liên đoàn ACLU [American Civil Liberties Union]. Và chúng tôi đã làm như vậy. Vì vậy, trong chừng mực hiểu biết của tôi, không có cha mẹ nào bị trục xuất mà không có nhiều cơ hội đưa con họ đi cùng”.

Mở rộng tiêu chí tị nạn

Các Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden cũng nới lỏng các tiêu chí xin tị nạn, dường như quay lại chính sách năm 2014 của chính quyền Obama.

Tháng 7/2018, Tổng chưởng lý khi đó đưa ra một nghị định, về cơ bản hoàn nguyên các tiêu chí xin tị nạn của trước năm 2014, khi chính quyền Obama mở rộng quy định về các vụ án hình sự cá nhân, bao gồm cả bạo lực gia đình.

Định nghĩa về tị nạn không thay đổi. Những người xin tị nạn luôn cần chứng minh rằng họ đã bị bức hại trong quá khứ hoặc có 'nỗi sợ hãi' có cơ sở về sự bức hại trong tương lai ở quê nhà vì chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị hoặc thành viên của một nhóm xã hội cụ thể.

Nhưng bức hại thường được coi là do nhà nước trừng phạt hoặc dung túng, có nghĩa là chính phủ nước sở tại của người nước ngoài là người tài trợ cho cuộc bức hại. Ví dụ, ở Bắc Triều Tiên, chính chế độ này đã đàn áp người Cơ đốc giáo.

Trong trường hợp bạo lực gia đình, khi kẻ bức hại hành động một mình, “đương đơn phải chứng minh rằng chính quyền quê hương của họ đã dung túng cho hành vi bức hại hoặc thể hiện sự bất lực hoàn toàn không thể bảo vệ họ”, theo một tuyên bố của DHS vào thời điểm đó.

“Chỉ đơn giản cho thấy chính phủ gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi hoặc một số nhóm dân cư nhất định có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của hành động tội phạm hơn là chưa đủ”.

Trước năm 2013, và trước khi chính quyền Obama mở rộng tiêu chí, cứ 100 người nước ngoài đến thì có 1 người (1%) cho biết về “nỗi sợ hãi đáng tin cậy” và xin tị nạn tại Hoa Kỳ, theo DHS. Đến năm 2018, con số này tăng lên 10%.

Các sắc lệnh khác

Các Sắc lệnh hành pháp khác mà Tổng thống Biden đã thực hiện bao gồm việc đảo ngược quy định về Quy tắc gánh nặng xã hội của chính quyền Trump vốn yêu cầu người bảo trợ phải trả tiền cho chính phủ nếu người thân của họ không phải là công dân Hoa Kỳ nhưng được nhận phúc lợi xã hội của Hoa Kỳ.

Ông Biden cũng thành lập một Lực lượng Đặc nhiệm về Người Mỹ Mới, có nhiệm vụ thúc đẩy sự hội nhập và đón nhận người nhập cư.

Sắc lệnh yêu cầu các cơ quan tiến hành “xem xét từ đầu đến cuối các quy định, chính sách và hướng dẫn gần đây đã tạo ra các rào cản đối với hệ thống nhập cư hợp pháp của chúng ta”.

Ở Trung Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden có kế hoạch thực hiện cách tiếp cận ba hướng đối với trào lưu “di cư bất thường”.

Không đưa ra thông tin chi tiết, tờ thông tin của Nhà Trắng chỉ tuyên bố rằng chính quyền “sẽ giải quyết những nguyên nhân cơ bản của việc di cư thông qua một chiến lược kiểm soát tình hình bất ổn, bạo lực và bất an kinh tế hiện đang khiến người di cư rời khỏi nhà của họ”.

Nhà Trắng cũng hứa hẹn sẽ hợp tác với các quốc gia khác và các tổ chức phi chính phủ để cung cấp “cơ hội cho những người xin tị nạn và những người di cư gần nhà hơn”.

“Cuối cùng, Chính quyền sẽ đảm bảo rằng những người tị nạn từ Trung Mỹ và những người xin tị nạn khác có quyền tiếp cận các con đường hợp pháp để đến Hoa Kỳ”, tờ thông tin nêu rõ.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Biden ký Sắc lệnh hành pháp về vấn đề Nhập cư, Tị nạn, Chia cắt gia đinh