Tổng giám đốc WHO thay đổi thái độ: Quá sớm để loại trừ thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nguồn gốc của đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đến nay vẫn chưa được làm rõ kể từ khi bùng phát vào cuối năm 2019. Theo email mới nhất được giải mật cho thấy, Viện Virus học Vũ Hán từng yêu cầu Mỹ giúp đỡ về vấn đề khử nhiễm, khử trùng. Ngoài ra, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng bất ngờ thay đổi thái độ khi tuyên bố rằng, còn quá sớm để loại trừ khả năng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Theo tin tức tổng hợp từ giới truyền thông, Tổng giám đốc WHO Tedros cho biết hôm 15/7 rằng, hiện tại vẫn còn quá sớm để loại trừ "thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm", và yêu cầu Trung Quốc hợp tác một cách minh bạch và công khai. "Chúng tôi cần thông tin trực tiếp về tình trạng của phòng thí nghiệm trước và thời đầu của dịch bệnh. Nếu nhận được thông tin đầy đủ, chúng tôi mới có thể loại trừ nó (thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm)”, ông Tedros nói.

Ông Tedros cho biết, ông là một nhà miễn dịch học và từng làm việc trong phòng thí nghiệm, ông nói: “Sẽ có những tai nạn xảy ra trong phòng thí nghiệm. Điều này là phổ biến”. Ông bổ sung thêm: "Chúng tôi nợ hàng triệu nạn nhân và những người đã chết một lời giải thích".

Trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp kín hôm 16/7, Tổng Giám đốc WHO Tedros đã trình bày kế hoạch giai đoạn 2 cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 và mong muốn Trung Quốc hợp tác, cho phép các chuyên gia quốc tế tới Vũ Hán điều tra.

Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn phủ nhận thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Vào ngày 30/3 năm nay, WHO đã công bố một báo cáo điều tra dài 123 trang trên trang web chính thức của họ. Báo cáo này nói rằng không tìm thấy nguồn gốc của virus trong quá trình điều tra thực địa tại Trung Quốc vào tháng 2 năm nay, và khẳng định coronavirus "hoàn toàn không thể" bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Những sơ hở trong báo cáo điều tra của WHO

Tuy nhiên, theo tiết lộ của The Washington Post vào ngày 15/7, báo cáo này của WHO có rất nhiều sơ hở. Ví dụ, chính quyền Vũ Hán tuyên bố bệnh nhân số 0 phát bệnh vào ngày 8/12/2019 và sống ở quận Vũ Xương, Vũ Hán. Trong khi bệnh nhân số 0 theo báo cáo của WHO lại sống ở bên kia sông.

The Washington Post phát hiện rằng, trong báo cáo điều tra của WHO được công bố vào tháng 3, "bệnh nhân số 0" (S01) là một nhân viên thị trường 61 tuổi và phát bệnh vào ngày 20/12/2019 với ID gen là EPI_ISL_403928. Sau khi bị tờ báo này vạch trần, WHO gọi đó là "lỗi chỉnh sửa" và xác nhận lại rằng bệnh nhân số 0 là nam giới, 41 tuổi với ID gen là EPI_ISL_403930.

Ngoài ra, ngày phát bệnh của “bệnh nhân số 0” trong báo cáo cũng gây ra nhiều nghi vấn. Ví dụ, ngày được đưa ra trong báo cáo của WHO là ngày 8/12, trong khi ngày phát bệnh của bệnh nhân "EPI_ISL_403930" do Trung tâm Dữ liệu gen Quốc gia Trung Quốc (NGDC) ghi nhận là ngày 16/12. Về việc này, người phát ngôn của WHO nói rằng hiện vẫn đang trong quá trình điều tra.

Trước phản ứng của WHO, ông Hà Ngạn Tuyền (He Anquan), cựu Bác sĩ ngoại khoa Trung Quốc và là người từng đứng đầu Đảng Dân tộc Thượng Hải, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng, chỉ có làm rõ bệnh nhân số 0 thì mới có thể làm rõ nguồn gốc của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Ông Hà nói: "WHO đã đóng một vai diễn khó xử. Chính phủ Trung Quốc không cung cấp dữ liệu thật và WHO đã cung cấp cho họ một nền tảng. Điều này là rất vô nhân đạo đối với hàng triệu sinh mạng đã chết".

Viện Virus học Vũ Hán từng yêu cầu Mỹ giúp đỡ

Ngoài ra, một email được giải mã gần đây cho thấy Viện Virus học Vũ Hán từng yêu cầu Hoa Kỳ giúp đỡ.

RFA đưa tin rằng, nội dung một email do Judicial Watch, một cơ quan giám sát độc lập của chính phủ Mỹ ở Washington tiết lộ vào ngày 8/7 cho thấy, vào năm 2016, Giám đốc Viện Virus học Vũ Hán Viên Chí Minh (Yuan Zhiming) đã gửi một email cầu cứu đến ông Jens Kuhn, Nhà khoa học của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), đề nghị Mỹ đưa ra khuyến nghị về việc khử nhiễm, khử trùng, sát trùng cho phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán.

Trước đó, Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc (NIAID) gia do chuyên gia chống dịch người Mỹ Anthony Fauci đứng đầu, đã hợp tác đầu tư với Viện Virus học Vũ Hán vào đầu năm 2014. Họ đã tài trợ cho ông Peter Daszak, Chủ tịch của EcoHealth Alliance 9 lần, để hỗ trợ họ thực hiện các dự án nghiên cứu liên quan đến việc lây nhiễm coronavirus dơi ở Trung Quốc.

Hồ sơ do Judicial Watch công bố còn cho thấy, vào năm 2018, ông Trần Bình (Ping Chen), Đại diện của Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ ở Trung Quốc phát hiện rằng, các nhà khoa học đang phát triển một loại vaccine cúm kiểu mới trong phòng thí nghiệm Vũ Hán. Loại vaccine này sử dụng công nghệ nano, có thể ứng phó với nhiều loại virus cúm và kích phát mạnh mẽ các phản ứng miễn dịch. Tuy nhiên, tất cả các liên kết Internet về dự án công nghệ mới này đã bị Trung Quốc chặn.

Giáo sư Hạ Minh (Xia Ming) của Khoa Khoa học Chính trị thuộc Đại học Thành phố New York chỉ ra rằng, thể chế đầu cơ của các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ trong những năm gần đây rất đáng thất vọng, ví dụ như ông Peter Daszak, người kiếm lời từ cả hai bên.

Ông Hạ nói, "Giới khoa học Mỹ đã đi đôi với kinh tế và chính trị. Đã có những suy thoái rất nguy hiểm trong ba thập kỷ qua, khiến những kẻ đầu sỏ của hai nước trục lợi trong khi kéo cả thế giới xuống địa ngục".

Mai Hạ

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Tổng giám đốc WHO thay đổi thái độ: Quá sớm để loại trừ thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm