Tổng chưởng lý Hoa Kỳ cảnh báo về “chiến tranh công nghệ chớp nhoáng” của Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoa Kỳ đang tích cực chống lại các hoạt động gián điệp kinh tế và ảnh hưởng nước ngoài của Trung Quốc, Hoa Kỳ hiện tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân, trường đại học, viện nghiên cứu và các đồng minh để chống lại mối đe dọa này, các quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ cho biết vào ngày 6/2.

Chính quyền Trung Quốc đang triển khai “cách tiếp cận tất cả các công cụ và tất cả các lĩnh vực” để “đánh cắp cách thức phát triển kinh tế” bằng chi phí của Hoa Kỳ, Giám đốc FBI Chris Wray phát biểu tại hội thảo về chương trình “Sáng kiến Trung Quốc” do Bộ Tư pháp (DOJ) tổ chức ở Washington.

“Điều đó đòi hỏi chúng ta cũng phải có “cách tiếp cận tất cả các công cụ và tất cả các lĩnh vực của chúng ta để đáp trả”, ông Wray nói.

Vào cuối năm 2018, DOJ đã phát động chương trình “Sáng kiến ​​Trung Quốc” để trấn áp các hành vi trộm cắp bí mật thương mại của Hoa Kỳ được nhà nước Trung Quốc bảo trợ và các hoạt động ảnh hưởng nước ngoài của Bắc Kinh. Kể từ đó, DOJ đã truy tố hàng chục vụ gián điệp liên quan đến Trung Quốc, bao gồm các sĩ quan tình báo Trung Quốc, các học giả người Trung Quốc và Hoa Kỳ, và các công ty Trung Quốc. Một vài trong số những phạm nhân này là “gián điệp không chuyên nghiệp”. Họ là sinh viên cao học và tiến sỹ người Trung Quốc đang tham gia vào các chương trình nghiên cứu của trường đại học.

Hơn 80% các cáo buộc gián điệp kinh tế được các công tố viên liên bang truy tố kể từ năm 2012 có liên quan đến Trung Quốc.

Chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng hàng loạt các kỹ thuật, như hack mạng, phá vỡ mạng nội bộ công ty và trộm cắp thiết bị để đánh cắp các thông tin khoa học và kỹ thuật có giá trị từ khu vực tư nhân và các trường đại học, viện nghiên cứu, ông Wray cho biết.

“Họ đang cố gắng triệt để đánh cắp công nghệ để trục lợi từ xã hội tự do của chúng ta. Ăn cắp công nghệ không phải là vấn đề nhỏ. Nó hỗ trợ và thúc đẩy những nỗ lực của họ, Bộ trưởng Tư pháp William Barr phát biểu trong hội thảo.

Ông Barr đã mô tả các nỗ lực của ĐCSTQ là “chiến tranh công nghệ chớp nhoáng”. Nó là thách thức chưa từng có đối với Hoa Kỳ.

Mục tiêu đánh cắp công nghệ có thể được tìm thấy trong kế hoạch “ Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” của Bắc Kinh. Kế hoạch này đưa ra danh sách các công nghệ cốt lõi mà ĐCSTQ mong muốn thống trị trong tương lai, bao gồm trí tuệ nhân tạo, dược phẩm và hàng không vũ trụ.

Kể từ khi Trung Quốc ban hành kế hoạch công nghiệp năm 2015, DOJ đã truy tố các vụ án trộm cắp bí mật thương mại ở trong 8/10 lĩnh vực công nghệ dự kiến ​​phát triển mạnh mẽ, ông Barr cho biết.

FBI có khoảng 1.000 cuộc điều tra liên quan đến nỗ lực đánh cắp công nghệ Hoa Kỳ của Trung Quốc, trong tất cả 56 chi nhánh của FBI, bao gồm hầu hết mọi ngành và lĩnh vực, ông Wray nói.

Trong năm tài chính 2019, FBI đã bắt giữ 24 người trong các vụ án phản gián điệp liên quan đến Trung Quốc, theo John Brown, trợ lý giám đốc bộ phận phản gián. Con số này sẽ vượt trội trong năm tài chính 2020. Hiện nay đã có 19 nghi phạm bị bắt.

Gần đây nhất, DOJ đã công bố ba vụ truy tố liên quan đến các hành động bị cáo buộc hỗ trợ chính quyền Trung Quốc: trưởng khoa hóa học đại học Harvard bị buộc tội nói dối về mối quan hệ của ông với kế hoạch tuyển dụng nhân tài Trung Quốc để hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu và công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ về Trung Quốc; một sĩ quan quân đội Trung Quốc đang theo học tại Đại học Boston đã bị cáo buộc che giấu mối quan hệ của mình với quân đội Trung Quốc; và một nhà nghiên cứu Trung Quốc bị cáo buộc cố gắng buôn lậu các lọ chứa chất nghiên cứu sinh học bị đánh cắp.

Để hiểu được quy mô của những nỗ lực liên bang, ông Wray lưu ý rằng cả ba trường hợp đều được điều tra bởi FBI Boston, một trong số 56 chi nhánh của FBI, và bị buộc tội sau hơn một tháng điều tra.

Làm việc với doanh nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu

Các quan chức DOJ và FBI cho biết họ đang tăng cường phối hợp với khu vực tư nhân và giới hàn lâm để nâng cao nhận thức về mối đe dọa của gián điệp kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này không có nghĩa là các doanh nghiệp và tổ chức học thuật của Hoa Kỳ phải ngừng kinh doanh với Trung Quốc, ngừng đón nhận khách Trung Quốc hoặc ngừng cháo đón sinh viên Trung Quốc, ông Wray lưu ý. Đúng hơn là các công ty và giới hàn lâm Hoa Kỳ cần phải biết nhìn xa và cảnh giác khi làm việc với Trung Quốc.

“Chúng ta phải sáng suốt và cẩn trọng với mối đe dọa từ Trung Quốc, và sẽ làm mọi cách có thể để đảm bảo một sân chơi bình đẳng giữa hai nước”.

William Evanina, giám đốc Trung tâm phản gián và an ninh quốc gia, đã phản bác những chỉ trích rằng chiến dịch liên bang là do “vấn đề chủng tộc” khởi phát, ông nói rằng “đây là một vấn đề có cơ sở thực tế về hành vi trộm cắp của một đất nước cộng sản đối với tài sản trí tuệ và bí mật cũng như sáng kiến thương mại của Hoa Kỳ”.

Ông Wray cho biết FBI đang yêu cầu các giám đốc kinh doanh cẩn thận xem xét ý nghĩa của việc hợp tác với các công ty Trung Quốc, chẳng hạn như dưới hình thức liên doanh.

“Hôm nay có thể kiếm được rất nhiều tiền; có thể nghe rất nhiều điều tuyệt vời trong các cuộc họp online tiếp theo”, ông nói. “Nhưng một vài năm sau, có thể không còn tuyệt vời như trước, khi phát hiện thấy mình bị chảy máu tài sản trí tuệ hoặc xuất huyết dữ liệu nhạy cảm nhất”.

Chính quyền cũng đang khuyến khích các trường đại học bảo vệ sinh viên khỏi sự đe dọa của chính phủ nước ngoài, có được sự minh bạch trong các thỏa thuận với các tổ chức nước ngoài và tiến hành thẩm định đối với các công dân nước ngoài làm việc và học tập tại các cơ sở của trường, ông Wray cho biết.

“Trường đại học và các viện nghiên cứu chiến lược: Không để xảy ra những vụ đánh cắp công nghệ bởi sinh viên hoặc nhà nghiên cứu trá hình”, ông Barr nói.

“Không cho phép chính quyền Trung Quốc sai khiến bạn thực hiện nghiên cứu hoặc gây áp lực để bạn bỏ qua các ý kiến trái chiều về các chủ đề gây tranh cãi. Cần phải cân nhắc trước bất kỳ sự đánh đổi nào đối với lòng trung thực hoặc sự tự do trong nghiên cứu”.

Vũ Thanh



BÀI CHỌN LỌC

Tổng chưởng lý Hoa Kỳ cảnh báo về “chiến tranh công nghệ chớp nhoáng” của Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ