Tổ Chức Y Tế Thế Giới từng hy vọng sớm ngăn chặn dịch Covid-19, liệu có quá lạc quan?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kể từ khi Trung Quốc thông báo chính thức ca nhiễm virus corona đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào 9/1, không có một ngày nào mà thế giới không có một ca nhiễm mới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng hy vọng ngăn chặn được dịch lây lan trên toàn cầu nhưng dường như các ca nhiễm vẫn tăng lên từng ngày với thêm nhiều quốc gia được xác nhận là có ca nhiễm.

Diễn biến của dịch virus corona trên toàn thế giới

Các ca nhiễm tăng lên hàng ngày từ khi dịch khởi phát từ Vũ Hán và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại. Đặc biệt một số quốc gia như Italia, Iran, Hàn Quốc, số ca nhiễm mới liên tục tăng. Tính trên toàn thế giới, theo số liệu thống kê trên Worldometers, hôm 09/03/2020, dịch bệnh Covid-19 đã lan ra hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng số người bị nhiễm Covid-19 đã vượt qua ngưỡng 100.000, cụ thể 110.064 người nhiễm bệnh, 3.830 ca tử vong; hôm 08/03/2020, tổng số người bị nhiễm 106.069 người bị nhiễm, tăng 3.995 ca nhiễm.

Các quốc gia bị nặng nhất ngoài Trung Quốc vẫn là Hàn Quốc (7.3821 ca, 53 người tử vong), Iran ( 6.566 ca nhiễm, 194 người chết), Ý ( 7.375 ca, 366 người chết).

Ở Hàn Quốc lây nhiễm cộng đồng bùng phát sau thánh lễ ngày 16/2 tại nhà thờ Tân Thiên Địa ở Daegu do một nữ tín đồ, 61 tuổi có xét nghiệm dương tính với virus vào ngày 18/2 - theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) kết luận ngày 26/2, Yonhap đưa tin.

Số ca nhiễm hiện tại ở hai cụm dịch Daegu và Bắc Gyeongsang là hơn 6.000, chiếm 90,6% tổng số ca nhiễm trên toàn quốc, trong đó có khoảng 5.000 bệnh nhân ở Daegu. Đây cũng là địa phương liên quan đến bệnh nhân Covid-19 thứ 18 ở Việt Nam.

Ở Ý, ban đầu chỉ có 01 trường hợp nhiễm virus Corona được xác nhận vào cuối tháng 1 và một trường hợp khác vào đầu tháng 2, trước khi hàng loạt các trường hợp được phát hiện vào cuối tuần trước. Quốc gia này hiện tại có số ca tử vong nhiều nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục và ở châu Âu.

Hôm 9/3, Ý đã ghi nhận hơn 230 trường hợp tử vong và hàng nghìn ca nhiễm Covid-19. Ngày 10/3, trong vòng 24h, số ca nhiễm đã tăng thêm gần 1.500 ca và thêm 133 ca tử vong. Hai quan chức cấp cao của nước này đã được xác nhận nhiễm virus: Nghị sĩ Alberto Cirio - thành viên nghị viện châu Âu và lãnh đạo đảng Dân chủ - ông Nicola Zingaretti.

Chủ nhật (8/3), Thủ tướng Ý - ông Giuseppe Conte - đã ký một sắc lệnh về việc cách ly hàng 16 triệu người ở miền Bắc. Ngày 10.3, các biện pháp ngăn chặn dịch sẽ được mở rộng ra toàn bộ đất nước với dân số hơn 60 triệu người, theo một sắc lệnh mới được Thủ tướng Conte ký vào tối 9.3, theo AFP đưa tin.

Tại Iran, dịch bệnh được cho là bắt nguồn từ một thương nhân ở thành phố Qom. Người này thường xuyên đi lại giữa hai nước Iran và Trung Quốc - Bộ trưởng Y tế Saeed Namaki cho biết vào 23/2, theo Reuters đưa tin.

Chiều 9/3, Iran cho biết đã thả khoảng 70.000 tù nhân do dịch virus corona, theo Reuters trích thông tin từ Mizan, cổng thông tin của ngành tư pháp Iran.

Trong vòng 24h qua, Iran có thêm khoảng 800 ca nhiễm virus corona mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 6.566, theo Worldometers.

Ở Iran, không ai biết chính xác Covid-19 đã lây lan rộng đến mức nào và như thế nào. Thủ đô Tehran là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 1.500 ca được xác nhận, tình hình ở các tỉnh khác cũng đang ngày càng tồi tệ. Hơn 300 trường hợp được báo cáo ở tỉnh Mazandaran, điểm du lịch hàng đầu ở phía bắc Tehran, theo The Epoch Times.

Các ca nhiễm cũng tăng vọt tại Mỹ với 708 ca nhiễm và 26 ca tử vong tính đến ngày 10/3.

Nhận định của các chuyên gia và giới chức về mức độ dịch lây lan

Bác sĩ Daniel Lévy-Bruhl, chuyên gia bộ Y Tế Pháp nhận định rằng: virus sẽ lây lan sang nhiều quốc gia khác, còn tại những nước mà dịch đã xuất hiện thì cường độ sẽ tăng thêm, theo tờ L’Express.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhận định: “Hãy nhớ rằng, đây là loại virus corona đã lan ra từ Vũ Hán”. Virus này có tên thông thường là SARS-CoV-2, là chủng virus mới. “Và thông tin mà chúng ta nhận được ở giai đoạn đầu của sự việc này là không đầy đủ, đã tạo ra thử thách lớn hiện nay”, theo The Epoch Times.

Ông Pompeo cũng cho biết thêm: “Chúng tôi biết khá chắc chắn về nguồn gốc của dịch này và chúng tôi có đủ tự tin, có những thông tin lẽ ra có thể được cung cấp nhanh hơn và dữ liệu lẽ ra cần được chia sẻ với các chuyên gia y tế trên toàn thế giới”, Ông nói. “Quả là quá đáng tiếc”.

Nhà nghiên cứu dịch tễ học của Đại học Harvard, ông Marc Lipsitch, dự đoán sự lây lan của virus Corona "cuối cùng sẽ không thể ngăn chặn được" và trong vòng một năm, virus này sẽ lây nhiễm cho khoảng 40% đến 70% nhân loại, theo tin từ The Atlantic.

Theo các chuyên gia, mức độ lây truyền của COVID-19 cao hơn nhiều so với dự báo của WHO. Giáo sư Joacim Rocklöv và các cộng sự tại đại học Thụy Điển Umeå đã tập hợp 12 nghiên cứu gần đây nhất về virus COVID-19, qua đó họ thấy rằng chỉ số R0 đại diện cho sức lây truyền của virus này cao hơn rất nhiều so với con số mà WHO đã dự đoán.

Minh Dũng - Nguyễn Minh



BÀI CHỌN LỌC

Tổ Chức Y Tế Thế Giới từng hy vọng sớm ngăn chặn dịch Covid-19, liệu có quá lạc quan?