Tính hợp hiến của phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Hoa Kỳ là vấn đề gây tranh cãi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phiên tòa luận tội sắp tới của cựu Tổng thống Donald Trump tại Thượng viện là một thủ tục tố tụng chưa từng có và các học giả pháp lý bày tỏ nhiều ý kiến ​​trái chiều về tính hợp hiến của phiên tòa.

Ngày 25/1, Thượng nghị sĩ Rand Paul đưa ra vấn đề thủ tục tại Thượng viện để buộc Thượng viện phải có lập trường về tính hợp hiến của thủ tục tố tụng. Mặc dù kết quả biểu quyết cho phiên luận tội là 55-45, có nghĩa là phiên tòa sẽ được tiến hành, nhưng nó cũng cho thấy gần một nửa khán phòng cho rằng thủ tục tố tụng là vi hiến.

Nhiều học giả tranh luận rằng phiên tòa là vi hiến đã dựa trên cơ sở của Điều II, Mục 4, Hiến pháp Hoa Kỳ, vốn quy định, "Tổng thống, Phó Tổng thống và tất cả các quan chức chính quyền của Hoa Kỳ, sẽ bị cách chức nếu bị luận tội và bị kết án với tội danh phản quốc, hối lộ, hoặc các trọng tội và tội nhẹ khác”.

Theo những gì viết trong quy định, các học giả này nói rằng việc luận tội là dành cho các quan chức đương nhiệm và vì ông Trump đã rời nhiệm sở, thẩm quyền xét xử của Thượng viện để tổ chức một phiên tòa luận tội đã hết hạn vào ngày 20/1, khi nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc.

Ông Robert A. Levy, chủ tịch hội đồng quản trị tại Viện Cato đã giải thích trong một bài đăng trên blog. Ông cho biết, nếu cựu Tổng thống Trump vẫn còn tại vị, thì ông sẽ có thể bị luận tội và kết tội, theo Điều II. Nhưng, kể từ khi nhiệm kỳ của ông kết thúc, ông sẽ không còn bị kết án nữa, ngay cả khi ông vẫn bị luận tội.

Giáo sư Robert Natelson, chuyên gia cao cấp về hiến pháp tại Viện Độc lập, nói với The Epoch Times qua email rằng khi ông đọc Hiến pháp, ông thấy trong đó chỉ nói ngụ ý, chứ không nêu rõ bản luận tội dành cho các quan chức đương nhiệm.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm, "chính sách chung của Hiến pháp chống lại lệnh [Quốc hội] tước quyền công dân và tịch thu tài sản, đã cho thấy nội hàm hẹp của quyền luận tội". Lệnh tước quyền công dân hoặc tịch thu tài sản là hành động tuyên bố của cơ quan lập pháp đối với một người hoặc một nhóm người phạm tội.

Điều khoản này của Hiến pháp được chia sẻ bởi nhiều Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, những người không đồng ý với việc tiến tới phiên tòa, dự kiến ​​sẽ mở vào tuần ngày 8/2.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer của đảng Dân chủ đến dự một cuộc họp báo ở Washington vào ngày 22/5/2019. (Alex Wong / Getty Images)

Ở phe kia, các học giả pháp lý và nhiều thành viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện đang tranh luận rằng cựu quan chức vẫn phải chịu quyền luận tội sau khi rời nhiệm sở vì Hiến pháp cho phép trừng phạt những người không đủ tư cách sau khi bị phế truất.

Các học giả này dựa vào Điều I, Phần 3, trong đó nêu rõ, “Phán quyết trong các trường hợp luận tội sẽ không vượt quá phạm vi phế truất khỏi Văn phòng, và không cho phép nắm giữ và hưởng bất kỳ quà tặng nào từ các chính phủ nước ngoài, không được phép nhận ủy thác hay có lợi nhuận nào trên đất nước Hoa Kỳ”.

Một nhóm các học giả luật Hiến pháp đã viết trong một bức thư ngỏ để ủng hộ phiên tòa của Thượng viện lập luận rằng do Điều 1, Phần 3, quyền lực của Hiến pháp có hai khía cạnh.

“Khía cạnh thứ nhất là phế truất, điều này tự động xảy ra khi một viên chức đương nhiệm bị kết án. Thứ hai là việc truất quyền giữ chức vụ trong tương lai, xảy ra trong những trường hợp mà Thượng viện cho rằng không đủ tư cách phù hợp với hành vi mà người bị luận tội đã bị kết án”, nhóm này tranh luận.

“Quyền luận tội phải được diễn giải để phát huy tác dụng đầy đủ cho cả hai khía cạnh của thẩm quyền này,” họ nói thêm.

Nhưng không phải tất cả các học giả đều đồng ý.

“Việc luận tội, như được các “tổ phụ” của đất nước này quy định, chỉ nhằm mục đích loại bỏ một cá nhân khỏi các cơ quan công quyền nhất định, nhưng không nhằm mục đích truất quyền thi hành của người đó khỏi chức vụ trong tương lai hoặc vì bất kỳ lý do nào khác”. Ông Juscelino F. Colares, giáo sư luật tại Đại học Case Western Reserve nói với The Epoch Times qua email.

Ông tiếp tục, như "một hình phạt có thể sau khi bị xét xử", việc truất quyền không thể xem là "thuộc thẩm quyền rõ ràng hoặc ngụ ý của quá trình xét xử đó".

Ông nói: “Khái niệm rằng bất kỳ cơ quan xét xử nào trước tiên đều phải có thẩm quyền để có thể đưa ra phán quyết, là điều căn bản, và các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ — những luật sư theo cách riêng của mình — biết rõ hơn ai hết".

Việc diễn giải Hiến pháp của Giáo sư Colares được ông Levy chia sẻ, người lập luận rằng, việc truất quyền [không đủ tư cách] là một biện pháp khắc phục hạn chế đối với một người đã phải đối mặt với “bản án trong các trường hợp bị luận tội”.

“Như chúng ta biết, cựu Tổng thống Trump đã bị luận tội nhưng không bị kết tội. Theo tôi thấy, ông ta giờ đây sẽ không thể bị kết tội theo Hiến pháp hoặc sẽ không thể bị "truất quyền", ông nói thêm.

Các ví dụ trong lịch sử

Các học giả pháp lý ủng hộ phiên tòa tiếp tục cho rằng lập luận của họ về phiên tòa luận tội các cựu quan chức là đúng đắn và được minh chứng bởi các tiền lệ trong lịch sử.

Giáo sư luật Frank Bowman tại Đại học Missouri và là người đã viết một bài báo về việc luận tội ngày 11/1, và Giáo sư luật Brian C. Kalt tại Đại học Michigan, đồng tác giả của bài viết, lập luận rằng “lịch sử, cơ cấu, cơ sở lý luận và ứng dụng” của các điều khoản luận tội cho phép tiến hành một phiên luận tội đối với một cựu tổng thống.

Họ nói rằng đã có ba ví dụ là các cựu quan chức trong lịch sử Hoa Kỳ bị luận tội và bị Thượng viện xét xử. Một là Thượng nghị sĩ William Blount, được Thượng viện cuối cùng xác định là không thể bị luận tội vì ông không phải là "quan chức" theo Hiến pháp. Một người khác là Thẩm phán liên bang George English. Phiên tòa xét xử của ông bị bác bỏ sau khi các lãnh đạo Hạ viện cho rằng có rất ít lý lẽ để tiến hành thủ tục luận tội.

Người thứ ba là William Belknap, Bộ trưởng chiến tranh của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Ulysses S. Grant. Phiên tòa luận tội của ông cũng bị tranh luận tại Thượng viện về tính hợp hiến. Các thượng nghị sĩ cuối cùng đã bỏ phiếu biểu quyết rằng Thượng viện có thẩm quyền xét xử các quan chức chính phủ cũ. Cuối cùng, ông Belknap được trắng án.

Ông Natelson, một giáo sư luật hiến pháp trước đây và là tác giả của cuốn “Hiến pháp gốc: thực sự quy định những gì và ý nghĩa", nói thêm rằng lập luận này cũng được minh chứng bằng các ví dụ của Quốc hội Anh, mà các tổ phụ của Hoa Kỳ đã lấy cảm hứng từ đó. Ông Natelson cũng là một người đóng góp cho The Epoch Times.

Ông nói: “Ý nghĩa của từ 'luận tội ’được xác định theo cách hiểu khi đọc Hiến pháp, và cả Quốc hội Anh và các cơ quan lập pháp của các bang sơ khai đều từng luận tội những người đã mãn nhiệm.

Ông Colares và ông Levy đều lập luận rằng vì trường hợp của Belknap chưa được xét xử tại tòa nên nó chưa thể được coi là tiền lệ hợp pháp.

“Chúng ta đang ở trong một tình thế mới của Hiến pháp”, ông Colares nói.

Một tình thế nữa đang thu hút sự quan tâm về Hiến pháp là quyết định của Chánh án Tối cao Pháp viện John Roberts khước từ vai trò chủ tọa phiên tòa luận tội. Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Chủ tịch Thượng viện tạm quyền sẽ thay thế vị trí chủ tọa phiên tòa.

Điều I, Mục 3, Khoản 6, của Hiến pháp quy định, "Khi Tổng thống Hoa Kỳ bị xét xử, Chánh án [Tối cao Pháp viện] sẽ là chủ tọa",

Chánh án Tối cao Pháp viện John Roberts đến Thượng viện tại Điện Capitol ở Washington vào ngày 16/1/2020. (Drew Angerer / Getty Images)

Thượng nghị sỹ Rand Paul đã lập luận trong một bài xã luận vào đầu tuần này rằng nếu Chánh án Roberts không chủ tọa, thì phiên tòa không có giá trị.

Ông Paul nói: “Nếu Chánh án Roberts không chủ trì việc này, thì đó không phải là thủ tục luận tội. Trò chơi đố chữ này sẽ không khác gì sự cay cú mang tính đảng phái và là sân khấu chính trị”, ông Paul nói.

Tối cao Pháp viện đã không trả lời yêu cầu bình luận từ The Epoch Times hoặc các hãng tin tức khác về việc Chánh án Roberts không tham gia vào phiên tòa sắp tới.

Giáo sư Colares phỏng đoán rằng, khả năng Chánh án Roberts quyết định như vậy là do phiên tòa này chống lại một vị tổng thống đã mãn nhiệm. Ông nói thêm, "chắc sẽ không có trường hợp bị kết tội, và như vậy Tối cao Pháp viện, nơi Chánh án [Roberts] ngồi và là người đứng đầu có thể phải giải quyết một vụ kiện về tính hợp hiến của thẩm quyền của Thượng viện".

Ngày 13/1, Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu biểu quyết với tỉ lệ 232–197 để luận tội cựu Tổng thống Trump với điều khoản luận tội duy nhất, cáo buộc rằng cựu Tổng thống đã kích động một “cuộc nổi dậy” gây ra vụ xâm phạm Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 6/1.

Việc luận tội được hoàn thành trong một phiên họp duy nhất kéo dài bảy giờ và đã bị các thành viên Đảng Cộng hòa chỉ trích vì thiếu minh bạch và thiếu quy trình thích hợp.

Mặc dù Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Chuck Schumer đang gấp rút chuẩn bị cho phiên tòa, nhưng tỷ lệ biểu quyết 55-45 cho yêu cầu thủ tục tố tụng của Thượng nghị sĩ Rand Paul có thể là một dấu hiệu cho thấy khả năng cựu Tổng thống Trump không bị kết tội, bởi vì để có thể kết tội ông, Thượng viện phải biểu quyết với tỉ lệ cần thiết 2/3 .

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times

 

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Tính hợp hiến của phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Hoa Kỳ là vấn đề gây tranh cãi