Thượng viện Texas kiềm chế nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, kêu gọi phản đối toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Loại việc mổ cướp nội tạng này “chống lại bất kỳ lương tâm đạo đức nào mà [các y bác sĩ Trung Quốc] có thể có. Họ cần phải làm việc để cứu mạng sống, chứ không phải để lấy đi mạng sống".

Các nhà lập pháp Thượng viện Texas đã nhất trí thông qua một nghị quyết lên án "hành vi hèn hạ của chế độ Trung Quốc là cưỡng bức lấy nội tạng người để cấy ghép", đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ có lập trường mạnh mẽ hơn về vấn đề này.

Trao đổi với kênh truyền hình NTD hôm 21/4, Thượng nghị sĩ Angela Paxton, tác giả chính của nghị quyết nói: “Không, điều này đang xảy ra, và chúng tôi lên án nó”.

Một phần động lực thúc đẩy bà Paxton đưa ra nghị quyết này là do công chúng thiếu chú ý đến vụ bức hại cấy ghép nội tạng, khiến nhiều người coi đó là “tin đồn”. Bà đã dành ít nhất hai năm để thúc đẩy động thái này.

Thượng nghị sĩ Paxton khẳng định: “Chúng tôi biết điều này là thật, chúng tôi biết điều đó là sai, và nó lại đi vào tận sâu trong bản chất của việc hủy hoại phẩm giá của mỗi con người”.

Mọi người trên khắp thế giới đã đổ xô đến Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội thực hiện phẫu thuật cấy ghép, khi biết rằng họ có thể tìm được một cơ quan nội tạng trọng yếu trong vòng nhanh nhất là khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, nghị quyết của Texas cảnh báo, tốc độ tìm được cơ quan ghép tạng nhanh chóng như vậy có thể phải trả giá bằng những mạng sống vô tội. Được thông qua vào ngày 15/4, hiện luật này đang chờ thông qua một cuộc bỏ phiếu của Hạ viện trước khi được chuyển đến bàn của thống đốc Texas để ký ban hành.

Vào năm 2019, Tòa án độc lập về Trung Quốc kết luận rằng các tù nhân lương tâm đang bị sát hại để lấy nội tạng ở "quy mô lớn" - phần lớn trong số họ là tín đồ bị đàn áp của pháp môn tu luyện cổ xưa Pháp Luân Công.

Tiến sĩ Howard Monsour là một trong những bác sĩ đầu tiên tham gia vào việc cấy ghép gan sau khi được phê duyệt vào năm 1984. Nhắc đến một trong những bệnh nhân của ông từ 10 năm trước, người này bị ung thư gan đã di căn quá xa khiến ông không thể phẫu thuật cấy ghép. Sau khi nhiều bệnh viện ở Mỹ từ chối, người đàn ông tuyệt vọng này đã thực hiện một chuyến đi đến Trung Quốc và nhận được một lá gan mới với giá 88.000 USD, mặc dù Tiến sĩ Monsour đã khuyên bệnh nhân này không nên làm vậy. Ông đã ra cảnh báo rằng, phẫu thuật khi căn bệnh ung thư đã bước vào giai đoạn cuối có thể đẩy nhanh sự phát triển của tế bào ung thư. Dù vậy, bệnh nhân này vẫn tiếp tục thực hiện cuộc phẫu thuật và chết 8 tháng sau đó.

Trong một phiên điều trần trước các thượng nghị sĩ bang Texas, ông Monsour hiện là chuyên gia tiêu hóa của Lakeside Physicians Express Care có trụ sở tại Granbury cho biết: “Hãy nghĩ nó giống như một người bị mắc kẹt dưới nước. Họ sẽ làm mọi cách để có thể hớp được một ngụm khí hòng kéo dài mạng sống". Ông nhận định, việc phẫu thuật ở Trung Quốc “gây bất lợi cho công dân Texas này và đặc biệt là đối với người hiến tạng nếu nó đến từ một tù nhân”.

Tại sàn của thượng viện bang, các học viên Pháp Luân Công sống sót sau khi bị tra tấn ở Trung Quốc vì đức tin của họ kể lại rằng, họ đã bị cưỡng bức trích xuất máu mà không có lời giải thích. Họ còn phải chứng kiến ​​sự biến mất “kinh hoàng” của các tù nhân cũng là học viện khác, mà sau này họ phát hiện ra những người ấy bị vướng vào việc mổ cướp nội tạng.

Ảnh chụp Trại lao động Mã Tam Gia ở đông bắc Trung Quốc, là nơi diễn ra nhiều vụ ngược đãi nghiêm trọng đối với các học viên Pháp Luân Công, như được ghi lại bởi các nhóm nhân quyền. (Minghui.org)
Ảnh chụp Trại lao động Mã Tam Gia ở đông bắc Trung Quốc, là nơi diễn ra nhiều vụ ngược đãi nghiêm trọng đối với các học viên Pháp Luân Công, như được ghi lại bởi các nhóm nhân quyền. (Minghui.org)

Tại Trại lao động Mã Tam Gia, nơi cư dân Houston là bà Wang Haiying từng bị giam giữ, bà đã tận mắt nhìn thấy các lính canh đang rút một ống máu lớn từ một học viên nữ trong cùng phòng giam, trong khi người phụ nữ này bị khống chế về thể chất.

Bà nói với các thượng nghị sĩ tiểu bang: “Chúng tôi sống trong kinh hoàng mỗi ngày. Một số học viên đã bị đánh chết và bị mang đi. Những người khác bị cảnh sát đưa đi và sau đó mất tích”.

Cư dân Yu Xinhui hiện sống ở Austin nhớ rằng, hàng chục đến hàng chục tù nhân đã được đưa ra khỏi nhà tù Sihui ở Quảng Đông, nơi anh bị giam giữ từ năm 2001 đến năm 2007. Anh cho biết đã không thể nào gặp lại những người này.

Vào năm 2006, anh đã chứng kiến ​​một số xe buýt, xe quân sự và xe cấp cứu đến vào lúc nửa đêm, với cảnh sát vũ trang bảo họ nằm trên giường quay mặt vào tường và "hãy ra ngoài khi tên bạn được gọi, và đừng mang theo bất cứ thứ gì”.

Anh nói: “Mọi người đều kinh hãi. Ba người đã bị bắt khỏi phòng giam của tôi. Đồ đạc của họ bị bỏ lại trong phòng giam. Không ai trong số những người đó từng quay trở lại”.

Trong khi bị giam cầm, anh Yu đã gặp một bác sĩ ở quê nhà, người đã xác nhận với anh rằng việc mổ cướp nội tạng sống đang diễn ra.

Anh nhớ lại lời người bác sĩ nói: “Các bạn học viên Pháp Luân Công có cơ thể tốt nhất, và các cơ quan nội tạng đương nhiên là tốt nhất. Nội tạng của các tù nhân khác có thể không tốt để sử dụng vì họ lạm dụng ma túy, rượu hoặc tham gia vào các thói quen xấu khác".

Một phụ nữ điều chỉnh các biểu ngữ ủng hộ pháp môn tu luyện Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) - vốn bị đàn áp ở Trung Quốc đại lục - tại Tung Chung, một khu vực phổ biến với du khách từ đại lục, ở Hong Kong, Trung Quốc, vào ngày 25/4/2019. (Anthony Wallace / AFP qua Getty Images)
Một phụ nữ điều chỉnh các biểu ngữ ủng hộ pháp môn tu luyện Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) - vốn bị đàn áp ở Trung Quốc đại lục - tại Tung Chung, một khu vực phổ biến với du khách từ đại lục, ở Hong Kong, Trung Quốc, vào ngày 25/4/2019. (Anthony Wallace / AFP qua Getty Images)

Vì thông cảm với Yu, người bác sĩ từng đề nghị anh giả vờ từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công để cứu lấy mạng sống của mình.

Người bác sĩ nói: "Nếu không, ai biết được điều gì sẽ xảy ra với tim, lá lách và phổi của bạn?".

Thượng nghị sĩ bang Donna Campbell, đồng tác giả và là một trong 12 nhà ủng hộ của dự luật, cho biết buổi điều trần đã giúp bà “mở mang tầm mắt”.

Trao đổi với NTD, bà nói: “Tôi thấy nỗi buồn, nỗi buồn sâu sắc đi kèm với sự tàn bạo như vậy”. Bà hy vọng nghị quyết mới của Texas có thể là một sự khởi đầu của một phong trào rộng rãi nhằm ngăn chặn cuộc đàn áp tàn nhẫn tại Trung Quốc.

Bà tuyên bố: “Cần phải có một sự phản đối kịch liệt trên toàn cầu rằng điều này là sai. Các quốc gia cần phải trừng phạt Trung Quốc vì loại hành vi này".

Với tư cách là một bác sĩ phòng cấp cứu, bà cũng kêu gọi các y bác sĩ Trung Quốc “từ bỏ” và “nói không” với những cách làm như vậy. Bà khẳng định, loại việc mổ cướp nội tạng này “chống lại bất kỳ lương tâm đạo đức nào mà họ có thể có. Họ cần phải làm việc để cứu mạng sống, chứ không phải để lấy đi mạng sống".

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Thượng viện Texas kiềm chế nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, kêu gọi phản đối toàn cầu