Thượng viện Hoa Kỳ thông qua Dự luật Dân quyền và Dân chủ Hồng Kông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 19 tháng 11, Thượng viện Hoa Kỳ nhất trí thông qua dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông với toàn bộ 100 phiếu thuận, kết thúc nhiều tuần đàm phán hậu trường trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng ở Hồng Kông.

Dự luật được Thượng nghị sĩ Marco Rubio đưa ra vào tháng 6/2019, yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ có đánh giá hàng năm về mức độ tự chủ của Hồng Kông đối với sự can thiệp từ Trung Quốc đại lục, để lấy căn cứ cho việc ban các đặc quyền thương mại đặc biệt hiện dành cho Hồng Kông.

“Người dân Hồng Kông nhìn thấy những gì sắp xảy ra, họ thấy âm mưu không ngừng gây xói mòn quyền tự chủ và quyền tự do của họ”, Nghị sĩ Rubio phát biểu tại Thượng viện vào tối thứ Ba. “Và phản ứng của chính quyền Hồng Kông dưới áp lực khủng khiếp từ Bắc Kinh là bạo lực và đàn áp.”

Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho biết thêm rằng dự luật sẽ là một "bước quan trọng trong việc quy trách nhiệm cho các quan chức chính phủ Trung Quốc và Hồng Kông về việc làm xói mòn quyền tự trị và vi phạm nhân quyền tại Hồng Kông".

Dự luật này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và ngăn họ vào Hoa Kỳ. Dự luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao cung cấp một báo cáo hàng năm cho các nhà lập pháp về việc liệu Hồng Kông có còn "quyền tự trị đầy đủ" từ Trung Quốc hay không.

Kể từ năm 1997 khi lãnh thổ được Anh giao lại cho Trung Quốc, nhằm đảm bảo quyền tự chủ của Hồng Kông được duy trì, trong các vấn đề thương mại, đầu tư và thị thực, Hoa Kỳ luôn đối xử với Hồng Kông như một thực thể tách biệt khỏi Trung Quốc đại lục. Ví dụ, Hồng Kông không phải chịu thuế mà Hoa Kỳ đang áp đặt đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Người Hồng Kông đã xuống đường từ tháng 6 phản đối nguy cơ Trung Quốc phá hoại tự do và quyền tự trị của thành phố.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã khởi xướng đưa ra luật nhân quyền khi chính phủ Hồng Kông đang tìm cách thông qua dự luật cho phép chính quyền Trung Quốc tìm cách dẫn độ các cá nhân từ Hồng Kông sang Trung Quốc.

Ngày 18/11/2019, bên trong trường Đại học Bách Khoa Hồng Kông, cảnh sát động đã bắn hơi cay và đạn cao su vào người biểu tình (Photo by Anthony Kwan/Getty Images)

Dự luật của Hoa Kỳ được hầu hết người biểu tình Hồng Kông xem như một hình thức gây áp lực kinh tế đối với chính phủ Hồng Kông và ĐCSTQ, vốn dựa vào trung tâm tài chính như một nguồn dự trữ ngoại tệ và vốn đầu tư.

Dự luật này đã được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua vào ngày 15/10. Hiện giờ, dự luật sẽ cần sự chấp thuận của Tổng thống trước khi chính thức được ban hành thành luật.

Dự luật này cũng sẽ ban hành lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các quan chức nước ngoài có bất kỳ hành vi vi phạm tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế nào, như giam giữ tùy tiện, tra tấn hoặc cưỡng chế buộc tội các cá nhân ở Hồng Kông.

Nó cũng xác định rõ rằng những người xin thị thực từ Hồng Kông muốn học tập hoặc làm việc tại Hoa Kỳ sẽ không bị phân biệt đối xử do ‘bị bắt giữ vì động cơ chính trị, giam giữ hoặc các hành động bất lợi khác của chính phủ.’

Thượng viện cũng nhất trí thông qua luật S.2710, cấm Hoa Kỳ xuất khẩu thiết bị kiểm soát đám đông cho lực lượng cảnh sát Hồng Kông. Tổ chức Ân xá Quốc tế trước đây xác định cảnh sát Hồng Kông đã sử dụng những thiết bị đó của một số nhà sản xuất Mỹ, bao gồm bình xịt hơi cay của Saber, dùi cui của Armament Systems and Procedures, đạn cao su của ALS và súng ngắn của Remington Arms.

Tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Ben Cardin nói rằng những người biểu tình ôn hòa, những người đòi hỏi không gì hơn là thực thi các quyền của họ, được bày tỏ quan điểm và yêu cầu dân chủ ở Hồng Kông’ họ cần được bảo vệ.

“Hoa Kỳ ban cho Hồng Kông những đãi ngộ đặc biệt, nhưng chính quyền Trung Quốc không hài lòng với điều này. Hiện giờ nếu quyền tự trị của Hồng Kông không đạt tiêu chuẩn, chúng tôi sẽ không ban những đãi ngộ đặc biệt cho Hồng Kông nữa”, ông nói thêm và kêu gọi Hoa Kỳ ký kết giao dịch thông thường với Hồng Kông.

Thượng nghị sỹ Marco Rubio (Photo by Tasos Katopodis/Getty Images for Kelly Craft)

Nghị sĩ Dân chủ cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Bob Menendez đề cập đến cuộc trấn áp tại Đại học Bách khoa đã biến Hồng Kông thành một khu vực chiến tranh. Ông kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng "một quốc gia, hai chế độ" và nói: "Chúng tôi phải đưa ra tuyên bố rõ ràng tới Bắc Kinh và chính phủ Hồng Kông, cần phải bảo vệ quyền tự trị của Hồng Kông."

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz nhấn mạnh rằng ông đã chứng kiến sự ôn hòa của người biểu tình ở Hồng Kông và bạo lực quá mức của cảnh sát, đồng thời lên án Trung Quốc tước đoạt niềm tin tín ngưỡng của người dân trong nước và thậm chí là tội ác mổ cướp nội tạng.

Lãnh đạo phe thiểu số của Thượng viện, Chuck Schumer, thậm chí còn nhắm thẳng tới ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc nói: "Vì việc này, ông không thể là một nhà lãnh đạo vĩ đại, và ĐCSTQ hoặc là cải biến hoặc là sụp đổ."

“Chúng tôi ở đây hôm nay là vì những người biểu tình”, Nghị sĩ Josh Hawley (R-Mo.) nói với phóng viên The Epoch Times sau khi bỏ phiếu. “Những người biểu tình đã lay động Quốc hội. Những người biểu tình đang khiến cả thế giới xúc động.”

Tại Hồng Kông chứng kiến ​​bạo lực leo thang tồi tệ nhất kể từ khi các cuộc biểu tình rầm rộ bắt đầu, đã có thêm 7 thượng nghị sĩ ký tên với ủng hộ dự luật vào ngày hôm trước, tăng số lượng ủng hộ lên 49 người. Cảnh sát Hồng Kông đã bao vây khuôn viên trường Đại học Bách khoa, nơi hàng trăm người biểu tình bị mắc kẹt kể từ cuối tuần.

Cảnh sát công bố với các phóng viên tại một cuộc họp báo ngày 19/ 11, họ đã bắn 1.458 viên đạn hơi cay, 1.391 viên đạn cao su, đạn nhựa và 265 quả lựu đạn xốp. Khoảng 5.000 người biểu tình đã bị bắt giữ kể từ tháng Sáu.

Minh Thanh



BÀI CHỌN LỌC

Thượng viện Hoa Kỳ thông qua Dự luật Dân quyền và Dân chủ Hồng Kông