Thượng nghị sĩ Úc: Tôi không xin lỗi, tất cả phải đứng vững trước một chế độ độc tài xấu xa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ba nhân chứng tham dự phiên điều trần của Thượng viện Úc về vấn đề can thiệp đến cộng đồng người Hoa ở Úc đã từ chối lên án chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và công khai chỉ trích các câu hỏi chất vấn của Thượng nghị sĩ Eric Abetz dành cho họ.

Một ủy ban của Thượng viện Úc đang xem xét các vấn đề mà cộng đồng người hải ngoại tại nước này đang phải đối mặt và 3 người Úc gốc Hoa đã được mời tham dự một phiên điều trần hôm 13/10.

Tổ chức Tình báo An ninh Úc đã thông tin cho uỷ ban rằng, các cộng đồng người hải ngoại thường là nạn nhân của sự can thiệp từ các chính phủ nước ngoài và các cá nhân đã bị đe dọa khi họ đưa ra chính kiến ​​của bản thân.

Ba công dân Úc gốc Hoa được mời đến phiên điều trần là Yun Jiang, Osmond Chiu và Wesa Chau. Họ được hỏi về các vấn đề như sự đe dọa của Bắc Kinh đối với người Úc gốc Hoa, nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống và việc các cá nhân trong cộng đồng người Hoa tránh lên tiếng về ĐCSTQ do lo ngại bị chính quyền Trung Quốc nhắm mục tiêu.

Tại phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Eric Abetz hỏi các nhân chứng rằng, họ “có sẵn sàng lên án vô điều kiện chế độ độc tài ĐCSTQ hay không?”. Ông cũng nói thêm rằng, "đây không phải là một câu hỏi khó [trả lời]".

Cả 3 nhân chứng đều đưa ra câu trả lời chung chung về việc ủng hộ nhân quyền, và bày tỏ sự không đồng tình với việc chính quyền Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Tất cả họ đều né tránh trực tiếp lên án ĐCSTQ.

Xem thêm: Tại sao chính quyền Trung Quốc sợ hãi Đoàn Biểu diễn Nghệ thuật Shen Yun?

Sau phiên điều trần, nhân chứng Osmond Chiu đã viết một bài báo trên Sydney Morning Herald nói rằng, ông không muốn trả lời câu hỏi của Thượng nghị sĩ Eric Abetz vì phiên điều trần là một “trò chơi chính trị” và các câu hỏi là nhằm “chia rẽ lòng trung thành”.

Ông Chiu là thành viên nghiên cứu của tổ chức tư vấn Per Capita và là cựu thư ký của Tổ chức xã hội chủ nghĩa Fabians của Úc.

Thượng nghị sĩ Eric Abetz đã trả lời rằng, ông không xin lỗi về cuộc trao đổi và nói: "Ông Chiu sẵn sàng chỉ trích nước Úc từ quan điểm sắc tộc nhưng lại không lên án Trung Quốc về các giá trị".

“Mối quan tâm của ông ấy rõ ràng là về chính trị sắc tộc / chủng tộc chứ không phải về các giá trị, niềm tin và nhân cách”, ông Eric Abetz bổ sung thêm.

Trong đại dịch virus Corona Vũ Hán, Bắc Kinh đã tận dụng sự nhạy cảm của Úc đối với vấn đề phân biệt chủng tộc và cáo buộc rằng người Trung Quốc đang trải qua "sự gia tăng đáng kể" về nạn phân biệt chủng tộc. Các cáo buộc của ĐCSTQ được đưa ra sau khi Úc ban hành luật đầu tư nước ngoài mới chặt chẽ hơn, giúp ngăn chặn các công ty Trung Quốc.

Hai nhân chứng khác cũng đưa ra bình luận về phiên điều trần.

Bà Yun Jiang, một nhà phân tích về Trung Quốc, từng làm việc trong Văn phòng Thủ tướng và Nội các Úc, nói với Reuters hôm 15.10 rằng: “Thượng nghị sĩ Abetz đã tiến hành thẩm vấn từng người trong chúng tôi về quan điểm của chúng tôi đối với ĐCSTQ, như một kiểu phép thử lòng trung thành vậy”, theo Reuters.

Còn bà Wesa Chau, người đang tranh cử chức Phó thị trưởng ở thành phố Melbourne cho biết, vụ việc đã khẳng định niềm tin của bà rằng, mỗi khi một người có ngoại hình Trung Quốc liên hệ với văn phòng công quyền thì “lòng trung thành của họ đối với nước Úc sẽ bị nghi ngờ”, theo Epoch Times tiếng Anh.

Bà Wesa Chau còn cáo buộc Thượng nghị sĩ Eric Abetz là theo "chủ nghĩa McCarthy lừa bịp chủng tộc".

Chủ nghĩa McCarthy đề cập đến chiến dịch của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Joseph McCarthy vào những năm 1950 nhằm vạch trần những người ủng hộ chủ nghĩa Cộng sản ở Hoa Kỳ, bao gồm cả ở Hollywood và nền nghệ thuật nói chúng. Chủ nghĩa này thường xuyên được ĐCSTQ sử dụng khi chỉ trích các động thái mạnh mẽ của Washington đối với Bắc Kinh.

Hiện tại, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Úc đang trở nên ngày càng căng thẳng. Có nhiều thảo luận chính trị trong nước và truyền thông đưa nhiều thông tin về việc chính phủ Trung Quốc có các hoạt động can thiệp vào nước Úc.

Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 15/10, Thượng nghị sĩ Abetz nói: “Đứng vững trước những chế độ độc tài xấu xa là nhiệm vụ của tất cả mọi người. Do đó, tôi không đưa ra lời xin lỗi nào về cuộc trao đổi này”, Reuters đưa tin.

Xem thêm: 49 nhà lập pháp Mỹ kêu gọi ngừng tra tấn và mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc

Trong một bản đệ trình cho cuộc điều tra của Thượng viện Úc, Ủy viên Phân biệt chủng tộc Chin Tan đã viết rằng, một chiến lược quốc gia chống phân biệt chủng tộc là cần thiết để bảo vệ xã hội đa văn hóa của Úc, vì an ninh quốc gia của một đất nước cũng phụ thuộc vào khả năng bảo vệ sự thống nhất.

Ủy viên Tan nói: “Không người Úc nào nên bị nghi ngờ về lòng trung thành, cũng như không cần phải chứng minh lòng trung thành của họ đối với đất nước này vì nguồn gốc dân tộc của họ”, theo đài truyền hình đa văn hóa SBS đưa tin hôm 15/10.

Úc và các quốc gia đồng minh chiến lược đang gia tăng sức ép lên Bắc Kinh vì quan ngại các hoạt động của ĐCSTQ trong vùng xám, và sự xâm lược địa chính trị ở các khu vực bao gồm Biển Đông và biên giới Ấn Độ - Trung Quốc.

Trong khi một số người ở Úc từ chối và lên tiếng chỉ trích khi được yêu cầu lên án ĐCSTQ, thì hiện tại ít nhất 365 triệu công dân ở Trung Quốc đại lục và trên toàn thế giới, đã công khai ký vào tuyên bố từ bỏ mọi liên kết với chế độ ĐCSTQ, theo Epoch Times tiếng Anh.

Trung tâm Dịch vụ Toàn cầu về thoái xuất khỏi ĐCSTQ có trụ sở tại Thành phố New York, Hoa Kỳ đã nhận được đăng ký thoái xuất của hơn 365 triệu cá nhân tuyên bố cắt đứt quan hệ của họ với ĐCSTQ.

Phong trào thoái xuất này là để đáp trả việc ĐCSTQ, trong suốt những năm cầm quyền của mình, đã phá hủy các giá trị và văn hóa truyền thống của Trung Quốc, gây ra những biến động chính trị và xã hội, đồng thời khiến khoảng 60 đến 80 triệu người dân Trung Quốc tử vong một cách bất thường.

Nguyễn Minh



BÀI CHỌN LỌC

Thượng nghị sĩ Úc: Tôi không xin lỗi, tất cả phải đứng vững trước một chế độ độc tài xấu xa