Thượng nghị sĩ Mỹ: Trung Quốc cần cho LHQ điều tra cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Cory Gardner đang kêu gọi Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải đồng ý để Liên Hợp Quốc (LHQ) điều tra các vấn đề liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ ở Khu tự trị Tân Cương.

Trong bức thư hôm thứ Sáu (24/7), ông Gardner viết: “Một cuộc điều tra với máy ảnh không chỉ được bảo đảm mà còn cần thiết để thế giới có thể nhìn thấy sự thật ở Tân Cương. Vì vậy, tôi yêu cầu ông và chính phủ [Trung Quốc] đồng ý với một cuộc điều tra đầy đủ của LHQ, bao gồm cả hành động quay phim chụp ảnh, để xem xét chế độ đãi ngộ với dân tộc thiểu số này”.

Thượng nghị sĩ Gardner đã lên tiếng chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì các cảnh quay từ máy bay drone tự động cho thấy một sự thật hoàn toàn trái ngược với lời tuyên bố của chính quyền này, rằng những người Duy Ngô Nhĩ đang “tận hưởng [cảnh] thái bình”. Ông Gardner hiện là Chủ tịch Tiểu ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện về Đông Á, Thái Bình Dương và Chính sách an ninh mạng quốc tế.

“Cảnh quay gần đây từ máy bay drone cho thấy những người Duy Ngô Nhĩ bị xiềng xích, bị ép cạo râu, đang được quân đội Trung Quốc có vũ trang dẫn đi với dây xích gắn vào xe ô tô làm dấy lên quan ngại và đi ngược lại các quyền cơ bản của con người”, ông Gardner nhận định.

“Có bằng chứng rõ ràng rằng PRC [Cộng hòa nhân dân Trung Hoa] sử dụng các kỹ thuật giám sát xâm lấn để giam giữ người Duy Ngô Nhĩ. Những vụ giam giữ này hoàn toàn tùy tiện và đã gây ra tác hại ghê gớm”, ông nói tiếp.

Ông còn bổ sung rằng: “Đáng lo ngại hơn nữa, một cuộc điều tra của Associated Press đã tiết lộ rằng nhiều phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đã [bị ép phải] trải qua các thủ tục triệt sản bắt buộc và thậm chí phá thai trong một nỗ lực biến thái nhằm giảm dân số của họ”.

Trong khi đó, giữa tháng Bảy, đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh Lưu Hiểu Minh đã phải đối mặt trên truyền hình với cùng đoạn phim từ máy bay drone mà ông Gardner đề cập đến trong thư.

Đại sứ Lưu không phủ nhận tính chính xác của các cảnh quay khi được phóng viên Andrew Marr của đài BBC hỏi, nhưng ông nói đó có thể đơn giản là một vụ chuyển tù nhân.

Tiếp tục truy vấn ông Lưu về đoạn phim, phóng viên Marr hỏi: “Liệu tôi có thể hỏi tại sao những người này lại quỳ xuống, bịt mắt, bị cạo râu, và bị dẫn thành hàng ở Trung Quốc vào thời hiện đại không? Chuyện gì đang xảy ra ở đó vậy?"

Đại sứ Lưu trả lời: “Tôi không biết bạn lấy cuốn băng video này ở đâu. Đôi khi bạn phải chuyển nhà tù, tù nhân, ở bất kỳ quốc gia nào”.

Có một loạt bằng chứng cho thấy, hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị chuyển đến các trại cải tạo và bị ngược đãi dưới hình thức lao động cưỡng bức.

Những người Duy Ngô Nhĩ từng bị giam giữ trước đây nói với The Epoch Times rằng họ bị tra tấn, bị ép buộc phải chối bỏ đức tin và buộc phải cam kết trung thành với ĐCSTQ, trong khi bị giam giữ tại những cơ sở đã quá tải, vì những lý không xác định. Đồng thời, những người phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đã bị chính quyền ép buộc triệt sản, phải phá thai và chịu cưỡng chế kế hoạch hóa gia đình, một báo cáo gần đây tiết lộ.

Người Duy Ngô Nhĩ là một dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu theo đạo Hồi. Bản thân họ tự nhìn nhận dân tộc mình có sự gần gũi về văn hóa và sắc tộc với các quốc gia Trung Á. Phần lớn người dân tộc này sống ở khu tự trị Tân Cương, với dân số vào khoảng 11 triệu người.

Chính quyền Tổng thống Trump đã lên tiếng chỉ trích ĐCSTQ về cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Ngày 17/6, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành luật kêu gọi trừng phạt những quan chức ĐCSTQ chịu trách nhiệm đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương.

Trong bản tuyên bố về điều luật này, Tổng thống Trump cho biết: “Đạo luật này buộc các thủ phạm phải có trách nhiệm đối với các [hành vi] vi phạm và ngược đãi nhân quyền như sử dụng có hệ thống các trại truyền giáo, lao động cưỡng bức và giám sát xâm phạm để xóa bỏ bản sắc dân tộc và tín ngưỡng tôn giáo của người Duy Ngô Nhĩ, cũng như các nhóm thiểu số khác ở Trung Quốc”.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thượng nghị sĩ Mỹ: Trung Quốc cần cho LHQ điều tra cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ