Thương chiến Mỹ - Trung căng thẳng hơn thời Chiến tranh Lạnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới chuyên gia nhận định rằng Trung Quốc là đối thủ đáng gờm nhất của Hoa Kỳ trong những năm gần đây. Washington cần có các biện pháp hiệu quả để đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Ngày 22/7, Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Hoa Kỳ tổ chức phiên điều trần có tiêu đề “Mỹ - Trung: Chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế”. Tại đây, các chuyên gia đã đề xuất các cách thức cạnh tranh và đánh bại Trung Quốc.

Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch tiểu ban chính sách kinh tế - Thượng nghị sĩ Tom Cotton nói: “Trung Quốc là đối thủ đáng gờm nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong thời đại ngày nay. Năm 1980 khi Liên Xô ở đỉnh cao quyền lực, nền kinh tế của nước này bằng 40% quy mô của nền kinh tế Mỹ".

Ông bổ sung rằng năm 1943, nền kinh tế của Đức Quốc xã và Đế quốc Nhật Bản gộp lại mới bằng 40% kinh tế Mỹ.

"Ngày nay, nền kinh tế Trung Quốc bằng 2/3 quy mô nền kinh tế của chúng ta. Như vậy, Trung Quốc giàu có hơn bất kỳ đối thủ nào mà chúng ta phải đối mặt", ông Cotton cho biết.

Giáo sư về đối ngoại và nhân văn tại Đại học Bard, ông Walter Russell Mead, cho biết, tình hình của nhiều vấn đề hiện nay phức tạp hơn nhiều so với những thách thức mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong Chiến tranh Lạnh với Liên Xô.

Ông Mead nói: "Không giống như [mối quan hệ với Liên Xô], các nền kinh tế của Hoa Kỳ và các đồng minh có mối liên hệ sâu sắc với nền kinh tế Trung Quốc".

Ông nhấn mạnh rằng mối quan hệ của Hoa Kỳ với Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “không thể chỉ đơn giản là kinh doanh thông thường”.

Ông Mead nói: "Với tham vọng của ĐCSTQ, các quốc gia không có lựa chọn nào khác ngoài việc giám sát dòng vốn đầu tư và tài chính của Trung Quốc, kiểm toán chuỗi cung ứng của các nguyên liệu chính, loại bỏ sự phụ thuộc chiến lược vào Trung Quốc, và tránh sử dụng công nghệ Trung Quốc gây nguy hại đến viễn thông và cơ sở hạ tầng an ninh của các quốc gia".

Ông Mead kiến nghị, Chính phủ Hoa Kỳ cũng cần đảm bảo rằng các tập đoàn phải kiểm soát chuỗi cung ứng của chính họ để không sử dụng lao động cưỡng bức.

Ông nói: "Một điều mà chúng ta cần làm là xem xét một số trường hợp mà chúng ta đã thấy từ thời Thế chiến II, trong đó, các công ty Nhật Bản và các công ty Đức đã phải bồi thường cho [nạn nhân của] lao động cưỡng bức. Chúng ta cần xây dựng một khung [pháp lý] để các công ty đang sử dụng lao động cưỡng bức phải tuân theo".

‘Canh bạc’ Trung Quốc

Chính phủ Hoa Kỳ gần đây đã công bố danh sách các công ty có liên kết với quân đội Trung Quốc đang hoạt động tại Hoa Kỳ. Danh sách này bao gồm: công ty hàng không AVIC, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc, Huawei và Hàng Châu Hikvision.

Trong phiên điều trần, thành viên cấp cao thuộc Viện Hudson khẳng định: "Không ai lại nghĩ rằng sẽ cho phép Liên Xô và các doanh nghiệp nhà nước [của nước này] đầu tư vào mạng lưới điện và hệ thống công nghệ thông tin của Hoa Kỳ. Và tôi cho rằng chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình điều chỉnh canh bạc mà chúng ta đã thực hiện, [chúng ta cho rằng] nếu Trung Quốc có McDonald, thì sẽ có một tương lai hòa bình".

Ông Morrison đề xuất rằng không chỉ các công ty Trung Quốc trên bị cấm hoạt động ở Hoa Kỳ, mà các nhà vận động hành lang của họ ở Washington và các đối tác liên doanh của họ cũng cần phải xem xét.

Để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc, ông Morrison đề nghị Washington thành lập một khối thương mại với các đồng minh để duy trì các giá trị phương Tây. Ngoài ra, ông đề xuất có thể mở rộng hiệp định thương mại tự do mới giữa Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) để bao gồm các quốc gia như Anh, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và New Zealand.

Thành viên cấp cao thuộc Trung tâm An ninh Mỹ, ông Martijn Rasser, cho biết, hợp tác đa phương lâu dài giữa các nước cùng chí hướng là chìa khóa để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc.

Ông Rasser cho biết: "Hoa Kỳ nên đa dạng hóa và bảo đảm nguồn cung cho các đầu vào công nghệ quan trọng như nguyên tố hiếm và chất bán dẫn, bằng cách đầu tư vào các ngành công nghiệp trong nước và hợp tác với các đối tác để xây dựng chuỗi cung ứng quốc tế đáng tin cậy".

Dòng tiền ảo

Các chuyên gia cảnh báo, tiền ảo là một trong các lĩnh vực cạnh tranh mà Hoa Kỳ đang tụt lại phía sau so với Trung Quốc.

Cựu chủ tịch của Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ (CFTC), ông Christopher Giancarlo nói: "Sẽ thật ngu ngốc khi bỏ qua ưu thế toàn cầu của đồng đô-la Mỹ. Chúng ta phải chứng minh đồng đô-la Mỹ là tương lai công nghệ số".

Ông Giancarlo là người xây dựng Dự án Số hóa Đồng Đô-la Mỹ. Ông nhận định, Hoa Kỳ cần tăng cường chính sách công nghệ của đồng đô-la Mỹ trên thế giới và đề nghị xem xét một đồng đô-la Mỹ số hóa trong một loạt chương trình thí điểm.

Ông Giancarlo cho biết, đó là những gì Trung Quốc và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới đang tìm cách thực hiện với đồng tiền của họ.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thương chiến Mỹ - Trung căng thẳng hơn thời Chiến tranh Lạnh