Thủ tướng Anh thúc đẩy quyền nhập tịch Anh cho tất cả người dân Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Vương quốc Anh có nghĩa vụ đạo đức là phải hành động đối kháng” trong bối cảnh Bắc Kinh muốn nghiền nát quyền tự trị của Hong Kong, Thủ tướng Anh lên tiếng.

Ngày 2/6, thành viên Nghị viện Anh Alistair Carmichael đã kêu gọi chính phủ mở lại chương trình hộ chiếu Quốc gia Anh ở nước ngoài (BNO) cho người dân Hong Kong, với lý do Vương quốc Anh phải cung cấp cho họ cơ hội đăng ký quốc tịch Anh hoặc thường trú nhân.

Hồi tháng Hai, ông Carmichael (thuộc Đảng Dân chủ Tự do) đã giới thiệu Dự luật Hong Kong đa đảng để mở lại đề nghị cấp hộ chiếu Quốc gia Anh (ở nước ngoài) hoặc BNO cho tất cả người dân Hong Kong và cho họ quyền sinh sống ở Anh.

“Có tương đối ít người có hộ chiếu BNO vì chương trình này đã bị dừng từ nhiều năm trước”, ông Carmichael nói.

“Đây là một hành động giành quyền lực ‘trần trụi’ của Bắc Kinh, là sự điều hành thô bạo bỏ mặc quyền của người dân Hong Kong. Chúng ta không thể ngồi đây và nhìn ngắm sự vi phạm các quyền và tự do này”, ông Carmichael đã giải thích cho đề xuất về dự luật của mình khi đề cập đến dự luật vừa được cơ quan lập pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông qua để ban hành luật An ninh Quốc gia (LANQG) ở Hong Kong.

Trong một tuyên bố trên trang web của Đảng Dân chủ Tự do, ông Carmichael cho biết, việc kéo dài thời gian lưu trú cho những người mang hộ chiếu BNO đến 12 tháng như đề xuất của chính phủ Anh là không đủ vì không ai dám chắc liệu “Bắc Kinh có thay đổi chính sách đối với Hong Kong hay không”.

Phần mở rộng sẽ không bao gồm “cả một thế hệ người Hong Kong, trong đó có nhiều nhà hoạt động dân chủ”.

“Chính phủ [Anh] không chỉ phải mở lại Hộ chiếu BNO để tất cả người dân Hong Kong có đủ điều kiện tham gia, mà họ còn phải đảm bảo [BNO] sẽ mang lại quyền công dân hoặc quyền sống vĩnh viễn ở Vương quốc Anh [cho người dân Hong Kong]”, ông Carmichael viết.

Đảng Dân chủ Tự do Anh (từ giữa sang trái) bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quyền và tự do của Hong Kong, đồng thời lên án mạnh mẽ sự xâm lấn của Bắc Kinh đối với quyền tự trị của đặc khu này và với thỏa thuận bàn giao giữa 2 nước Trung-Anh. Đảng này đã phát động một chiến dịch kiến ​​nghị, kêu gọi chính phủ Anh ủng hộ Dự luật Hong Kong.

Đề xuất của Chính phủ Anh

Thủ tướng Vương quốc Anh là ông Boris Johnson đã tuyên bố trên tờ The Times vào ngày 3/6 rằng, nếu Trung Quốc tiến hành các kế hoạch áp đặt luật mới đối với Hong Kong, Anh sẽ tôn trọng các “nghĩa vụ của mình và cung cấp một giải pháp thay thế”.

Theo lời ông Johnson, Vương quốc Anh sẽ thay đổi luật nhập cư của mình để mở rộng quyền nhập cảnh miễn thị thực vào Vương quốc Anh cho người Hong Kong với hộ chiếu BNO, với thời gian hiệu lực được gia hạn thêm, từ 6 tháng chuyển thành 12 tháng.

Một người biểu tình ủng hộ dân chủ giữ hộ chiếu Anh trong cuộc biểu tình” Bữa trưa với bạn” vào ngày 1/6/2020 tại Hong Kong, Trung Quốc. (Hình ảnh của Billy H.C. Kwok / Getty)
Một người biểu tình ủng hộ dân chủ giữ hộ chiếu Anh trong cuộc biểu tình” Bữa trưa với bạn” vào ngày 1/6/2020 tại Hong Kong, Trung Quốc. (Hình ảnh của Billy H.C. Kwok / Getty)

Hơn nữa, những người mang hộ chiếu BNO từ Hong Kong đến Vương quốc Anh “sẽ được trao thêm quyền nhập cư, bao gồm cả quyền làm việc, trao cho họ cơ hội trở thành công dân [của Anh]”, Thủ tướng Johnson viết.

Ông cũng cho biết, đây là “một trong những thay đổi lớn nhất đối với hệ thống thị thực của chúng ta trong lịch sử”, và khẳng định rằng nếu cần thiết, chính phủ Anh sẽ sẵn sàng thực hiện bước này.

Tuy nhiên, chỉ những cư dân Hong Kong có quốc tịch Anh trước khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997 mới đủ điều kiện nhận hộ chiếu BNO. Hiện tại, khoảng 350.000 người Hong Kong có hộ chiếu BNO và 2,5 triệu người khác có thể có được chúng, Thủ tướng Anh cho biết.

Ông Jimmy Lai, một doanh nhân và nhà tài phiệt truyền thông Hong Kong viết trên Twitter rằng, điều đó có nghĩa là những người Hong Kong trẻ sinh ra sau khi bàn giao sẽ không đủ điều kiện nhận hộ chiếu BNO.

“Họ là nguồn hy vọng của chúng tôi và nên được ưu tiên, hơn là những người già đang ở gần cuối đời như tôi”, ông Lai viết trên Twitter và gửi gắm thông điệp của mình tới Thủ tướng Johnson.

Nhà tài phiệt Lai, 72 tuổi, là một trong những người đóng góp chính cho trại dân chủ ở Hong Kong và đã lên tiếng chống lại phiên bản LANQG mà ĐCSTQ cố gắng áp đặt lên Hong Kong. Vào ngày 18/4, ông Lai đã bị cảnh sát Hong Kong bắt giữ vì tham dự một cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ được công bố lần đầu hồi năm ngoái.

Luật An ninh mới có ý nghĩa gì đối với Hong Kong?

Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc (NPC), cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Quốc, đã thông qua dự thảo nghị quyết về cái gọi là LANQG đối với Hong Kong vào ngày 28/5. Điều luật mới này sẽ được soạn thảo tại Trung Quốc bởi Ủy ban Thường trực của NPC và bổ sung vào bản tiểu Hiến pháp của Hong Kong, được gọi là Luật Cơ bản.

LANQG này dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào tháng 9, ban hành các lệnh cấm đối với các hoạt động ly khai, lật đổ và khủng bố, cũng như các hoạt động có sự can thiệp nước ngoài. Hơn nữa, các cơ quan an ninh Bắc Kinh sẽ được phép thiết lập hoạt động tại Hong Kong.

Cảnh sát chống bạo động bắt giữ một người biểu tình trong một cuộc biểu tình chống lại điều luật An ninh Quốc gia của Bắc Kinh tại Vịnh Causeway ở Hong Kong vào ngày 24/5/2020. (AP Photo / Vincent Yu, File)
Cảnh sát chống bạo động bắt giữ một người biểu tình trong một cuộc biểu tình chống lại điều luật An ninh Quốc gia của Bắc Kinh tại Vịnh Causeway ở Hong Kong vào ngày 24/5/2020. (AP Photo / Vincent Yu, File)

Một số nhà lập pháp Hong Kong và các tổ chức quốc tế nói rằng điều luật mới này đã phá hoại nghiêm trọng hệ thống “một quốc gia, hai chế độ” nhằm tách biệt cơ sở hạ tầng chính trị, pháp lý và tài chính của Hong Kong khỏi Trung Quốc đại lục; hệ thống này vốn được đưa vào Luật cơ bản Hong Kong.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết trong một tuyên bố rằng quyết định “áp đặt LANQG đối với Hong Kong”, sẽ “làm suy yếu quyền tự trị và tự do của Hong Kong và lời hứa của chính Trung Quốc đối với người dân Hong Kong theo Tuyên bố chung Trung-Anh, một bản Hiệp ước đã được đệ trình lên Liên Hợp Quốc".

Hong Kong trở thành thuộc địa của Anh vào thế kỷ 19 khi Anh đánh bại vương triều nhà Thanh của Trung Quốc trong Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất, và Hong Kong được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, sau 155 năm cai trị của Anh.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Anh thúc đẩy quyền nhập tịch Anh cho tất cả người dân Hong Kong