Thủ tướng Anh Johnson: Chúng tôi sẽ không bỏ rơi người dân Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 3/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, nước Anh sẽ không bỏ rơi người dân Hong Kong nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn kiên quyết áp đặt Luật An ninh Quốc gia (LANQG) tại đặc khu này.

Vương quốc Anh đã thúc giục Trung Quốc thoái lui khỏi bờ vực liên quan đến LANQG tại Hong Kong. Chính phủ Anh cho rằng việc làm này có nguy cơ phá hủy một trong những viên ngọc quý của nền kinh tế Châu Á, đồng thời cũng hủy hoại danh tiếng của Trung Quốc.

Cảnh sát chống bạo động bắt giữ một nhóm người trong cuộc biểu tình ở quận Causeway Bay của Hong Kong, khi cơ quan lập pháp của đặc khu này đang tranh luận về một đạo luật cấm xúc phạm quốc ca Trung Quốc vào ngày 27/5/2020. (Isaac Lawrence / AFP qua Getty Images)
Cảnh sát chống bạo động bắt giữ một nhóm người trong cuộc biểu tình ở quận Causeway Bay của Hong Kong, khi cơ quan lập pháp của đặc khu này đang tranh luận về một đạo luật cấm xúc phạm quốc ca Trung Quốc vào ngày 27/5/2020. (Isaac Lawrence / AFP qua Getty Images)

Trong bài viết của mình trên tờ Times of London, ông Johnson khẳng định: “Hong Kong thành công vì người dân của họ được tự do. Nếu [ĐCSTQ] vẫn tiến hành [quyết định áp đặt LANQG], điều này sẽ gây mâu thuẫn trực tiếp với các nghĩa vụ của [chính quyền này] theo tuyên bố chung [Trung-Anh], một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý đã được đăng ký với Liên Hợp Quốc (LHQ)”.

Nhiều người ở Hong Kong lo sợ rằng lối sống của họ mà trước đó ĐCSTQ cam kết sẽ tuân thủ, đang phải đối mặt với mối đe dọa, ông Johnson nói.

Tuần trước, Quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn quyết định áp đặt LANQG tại Hong Kong nhằm kiềm chế các âm mưu lôi kéo, ly khai, khủng bố và các can thiệp từ nước ngoài. Lần đầu tiên, các nhân viên tình báo và an ninh đại lục sẽ có thể đóng quân tại đặc khu này.

“Nếu Trung Quốc [ĐCSTQ] tiến hành [áp đặt LANQG] để biện minh cho nỗi sợ hãi của họ, thì nước Anh không thể với lương tâm của mình mà nhún vai và bỏ đi; thay vào đó, chúng tôi sẽ tôn trọng các nghĩa vụ của mình và cung cấp một giải pháp thay thế”, ông Johnson cho biết.

Hong Kong đã được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997 sau hơn 150 năm cai trị của Anh - có hiệu lực sau khi Anh đánh bại Trung Quốc trong cuộc Chiến Nha phiến Đầu tiên.

Trung Quốc quở trách Anh

Trung Quốc cho biết các quyết định của họ liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia ở Hong Kong là vấn đề của riêng họ, và sự can thiệp của Anh với lãnh thổ này bắt nguồn từ “xâm lược thuộc địa và hiệp ước bất bình đẳng”.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho biết: “Những phát ngôn và lời buộc tội vô trách nhiệm của Vương quốc Anh đã can thiệp quá sâu vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, bao gồm các vấn đề về Hong Kong. Chúng tôi khuyên phía Anh nên thoái lui khỏi bờ vực[đó]”.

Đáp lại, Thủ tướng Anh lặp lại cam kết của Anh nhằm trao cho những người dân Hong Kong mang hộ chiếu ở nước ngoài (BNO) của Anh một cơ hội có được quốc tịch Anh, cho phép họ định cư ở Vương quốc Anh.

Có khoảng 350.000 người mang hộ chiếu BNO ở Hong Kong và 2,5 triệu người khác đủ điều kiện có được dạng hộ chiếu đặc biệt này, ông Johnson nói.

Nhà hoạt động dân chủ Hong Kong Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) kêu gọi Vương quốc Anh tiến xa hơn và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.

Anh nói: “Tôi kêu gọi chính phủ Anh áp đặt các biện pháp trừng phạt cần thiết và các biện pháp hạn chế [đối với ĐCSTQ]”.

Dù bị hủy bỏ lần đầu tiên vì lo ngại về virus Corona Vũ Hán, người Hong Kong đã lên kế hoạch tụ họp để kỷ niệm ngày 4/6 - ngày diễn ra cuộc thảm sát đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, khi quân đội ĐCSTQ nổ súng vào những người biểu tình sinh viên ủng hộ dân chủ tại Bắc Kinh. Hiện nay vẫn không biết chính xác đã có bao nhiêu người thiệt mạng trong sự kiện “Lục Tứ” này, do ĐCSTQ liên tục đàn áp mọi thông tin liên quan đến sự kiện. Tuy nhiên, ước tính số người tử vong trong sự kiện đẫm máu năm 1989 có thể lên đến hơn 10.000 người, theo một đường dây ngoại giao bí mật của Anh được công bố vào năm 2017 và các tài liệu của Hoa Kỳ đã giải mật vào năm 2014. Ngoài ra, có đến hàng chục nghìn người khác bị thương.

Người dân Hong Kong cũng lên kế hoạch các cuộc biểu tình để kỷ niệm ngày 9/6 - ngày diễn ra cuộc diễu hành triệu người vào năm ngoái nhằm chống lại một dự luật dẫn độ gây tranh cãi tại Hong Kong, cũng như các cuộc biểu tình trong 3 ngày sau đó bị cảnh sát hung hãn trấn áp bằng hơi cay và đạn cao su..

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Anh Johnson: Chúng tôi sẽ không bỏ rơi người dân Hong Kong