Thư cầu cứu trong thiệp Giáng sinh từ nhà tù Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lễ Giáng sinh đang đến gần, một cô bé người Anh mua thiệp giáng sinh tại siêu thị Tesco đã phát hiện bên trong thiệp một lá thư cầu cứu từ nhà tù Trung Quốc. Hiện tại, Tesco - chuỗi siêu thị bán lẻ hàng đầu của Anh đã dừng nhập hàng hóa từ nhà cung cấp Trung Quốc.

Cô bé 6 tuổi Florence Verdicom, sống ở Tooting, phía nam thành phố London, Anh đã mua một hộp thiệp giáng sinh từ thiện ở siêu thị Tesco. Cô bé rất ngạc nhiên khi phát hiện có một tấm thiệp trong đó đã được sử dụng, trên đó viết một lá thư cầu cứu.

Cô bé Florence nói: "Có lẽ trên tấm thiệp thứ 6 hoặc thứ 8 ở trong hộp, cháu mở ra thấy ai đó đã viết gì vào đó."

Nội dung trong thiệp viết là: "Chúng tôi là tù nhân nước ngoài tại nhà tù Thanh Phố, Thượng Hải, Trung Quốc. Chúng tôi bị cưỡng bức làm việc trái với mong muốn của mình. Xin hãy giúp chúng tôi và thông báo cho các tổ chức nhân quyền. Vui lòng liên hệ với Peter Humphrey. Chúc Giáng sinh vui vẻ!"

Chủ Nhật (22/12), phát ngôn viên của Tesco đã đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi phản đối việc sử dụng lao động trong tù và sẽ không bao giờ cho phép việc này xuất hiện trong chuỗi cung ứng của chúng tôi. Chúng tôi đã bị sốc trước nội dung bức thư và ngay lập tức đình chỉ mua hàng từ các nhà máy sản xuất các thiệp giáng sinh này, đồng thời tiến hành điều tra. Trong quá trình điều tra, chúng tôi đã ngừng bán những thiệp giáng sinh này".

Trong lá thư cầu cứu có nhắc tới ông Peter Humphrey, là người cũng từng bị giam tại nhà tù Thanh Phố, Thượng Hải. Ông là người Anh, từng làm nhà báo và điều tra viên về gian lận doanh nghiệp. Sau khi được phóng thích trở về Anh, ông đã đưa ra một bài viết mô tả về sự đối xử tàn bạo mà ông phải chịu trong khi ở tù từ năm 2014 - 2015. Trong bài viết, ông có đề cập tới việc bị ép buộc phải làm việc, chế tạo các sản phẩm thương hiệu nổi tiếng quốc tế. Bài viết của ông đã gây sự chú ý trong cộng đồng quốc tế.

Ông Peter Humphrey cho biết: "Tôi đã bị giam ở Thượng Hải trong hai năm từ 2013 - 2015, và chín tháng cuối cùng tôi bị giam ở trong nhà tù Thanh Phố này. Bức thư cầu cứu được tìm thấy kia đến từ chính nhà tù này. Vì vậy, nó được viết bởi một số các bạn tù của tôi, những người vẫn đang thụ án".

Ông nghĩ rằng các nhà sản xuất phương Tây nên tránh mua hàng từ Trung Quốc.

"Nếu bạn biết rủi ro đến từ đâu thì bạn tốt nhất nên tránh nó. Bởi vì môi trường Trung Quốc mang tính chất rất đặc thù".

Đây không phải là bức thư cầu cứu đầu tiên đến từ Trung Quốc.

Tháng 10 năm 2012, một bức thư cầu cứu từ trại lao động Mã Tam Gia, Trung Quốc đã vượt đại dương xuất hiện trong món đồ trang trí Halloween tại Mỹ. Học viên Pháp Luân Công, anh Tôn Nghị là tác giả của bức thư này.

Tháng 12 năm 2016, sau khi anh ra nước ngoài, câu chuyện của anh đã được chuyển thể thành bộ phim "Lá thư cầu cứu". Bộ phim được phát sóng trên toàn thế giới và đã gây sốc cho khán giả. Bộ phim đã lọt vào danh sách phim tài liệu hay nhất của Oscar năm ngoái.

Minh Thanh

Theo NTD



BÀI CHỌN LỌC

Thư cầu cứu trong thiệp Giáng sinh từ nhà tù Trung Quốc