Thẩm phán mới của Hoa Kỳ - Hy vọng của ông Trump để đảo ngược luật nạo phá thai

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Donald Trump tin rằng, bà Amy Coney Barrett - người ông đề cử cho vị trí Thẩm phán tại Tối cao Pháp viện - có thể đưa ra quyết định đảo ngược quyết định cho phép phá thai (án lệ Roe vs Wade cho phép nạo phá thai năm 1973), bằng cách cho phép từng tiểu bang tự ra phán quyết xem liệu họ có nên cấm phá thai hay không.

“Cô ấy chắc chắn là người giữ quan điểm truyền thống trong các phán quyết của mình, và chúng ta sẽ phải xem mọi việc diễn ra như thế nào, nhưng tôi nghĩ mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp”, Tổng thống Trump nói với Fox News hôm 27/9.

Khi được hỏi về việc liệu phán quyết phá thai mang tính bước ngoặt có thể bị lật ngược hay không, ông Trump nói: “Chắc chắn là có thể. Và có thể họ làm điều đó theo một cách khác. Có thể họ sẽ trả [quyền quyết định] lại cho các tiểu bang".

“Chỉ là bạn không biết điều gì sẽ xảy ra,” ông nhấn mạnh. Đương kim Tổng thống Hoa Kỳ cũng nói thêm rằng, bà Barrett cũng như các Thẩm phán Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh sẽ “đưa ra phán quyết [liên quan đến] sinh mệnh”.

Theo The Guardian, các thế lực cánh Tả và đảng Dân chủ đều e ngại việc bà Barrett - một người mang đức tin Công giáo truyền thống chuẩn mực - sẽ lật ngược các phán quyết liên quan đên quyền phá thai, trong số 17 vụ kiện hiện đang được thông qua tại tòa án.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Trump nhấn mạnh rằng, các thẩm phán mà ông bổ nhiệm sẽ không nhất thiết phải ra các phán quyết đối với một số quyết định của tòa án mà ông không ủng hộ, bao gồm một quyết định vào tháng Bảy về việc liệu ông Trump có thể bỏ qua trát đòi hầu tòa kêu gọi ông công bố các bản khai thuế hay không. Thẩm phán Gorsuch cũng tham gia cùng phe cánh tả của Tối cao Pháp viện, tuyên bố việc phân biệt đối xử tại nơi làm việc đối với nhân viên có xu hướng LGBT là bất hợp pháp.

Ông Trump nói: “Tôi đã rất ngạc nhiên trước một số phán quyết mà chúng tôi đã đưa ra trong năm ngoái. Bạn biết đấy, bạn nghĩ rằng bạn biết ai đó và sau đó bạn nhận được các phán quyết hơi khác một chút so với những gì bạn nghĩ có thể xảy ra". Tổng thống cho biết, ông “chủ yếu” tìm kiếm một Thẩm phán "có thể hiểu những gì [được viết trong] Hiến pháp”.

Báo BBC giải thích, chín vị Thẩm phán tại Tối cao Pháp viện sẽ cống hiến trọn đời tại vị trí này, và các phán quyết của họ có thể định hình chính sách công của Hoa Kỳ về mọi mặt, từ quyền sở hữu súng, quyền bỏ phiếu cho đến phá thai và tài chính chiến dịch.

Thẩm phán Barrett là người thứ 3 do Tổng thống Donald Trump thuộc Đảng Cộng hòa bổ nhiệm, sau khi ông chỉ định Thẩm phán Neil Gorsuch vào năm 2017 và Thẩm phán Brett Kavanaugh vào năm 2018.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thẩm phán Amy Coney Barrett đi bộ đến Vườn Hồng của Nhà Trắng ở Washington, DC, vào ngày 26/9/2020. Ông Trump đề cử bà Barrett vào Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. (Ảnh của Olivier DOULIERY / AFP) OLIVIER DOULIERY / AFP qua Getty Images)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thẩm phán Amy Coney Barrett đi bộ đến Vườn Hồng của Nhà Trắng ở Washington, DC, vào ngày 26/9/2020. Ông Trump đề cử bà Barrett vào Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. (Ảnh của Olivier DOULIERY / AFP) OLIVIER DOULIERY / AFP qua Getty Images)

Ngày 26/9, bà Barrett được xướng tên là ứng cử viên thay thế cho Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, người đã qua đời hồi đầu tháng vì biến chứng ung thư. Cuộc chiến phán quyết đề cử này tại Thượng viện, diễn ra chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tháng 11, dự kiến ​​sẽ đặc biệt gay gắt.

Các thành viên đảng Cộng hòa ở Thượng viện đang hướng tới một quá trình xác nhận phê chuẩn nhanh chóng và hy vọng sẽ phê chuẩn vị trí Thẩm phán của bà Barrett trước Ngày bầu cử, do Tối cao Pháp viện có thể đưa ra phán quyết về cuộc bầu cử nếu có tranh cãi nổ ra.

Đảng Dân chủ đã mạnh mẽ chỉ trích động thái đề cử bà Barrett của Đảng Cộng hòa. Các thành viên của phe cánh tả đe dọa sẽ "lấp đầy các tòa án" với nhiều thẩm phán hơn nữa, nếu lựa chọn của ông Trump được phê chuẩn và đảng Dân chủ thắng cử tổng thống hoặc kiểm soát cả 2 viện của Quốc hội. Đảng này cũng nói rằng người chiến thắng trong cuộc bầu cử phải là người chọn ra người được đề cử thay thế vị trí Thẩm phán Ginsburg. Khái niệm "lấp đầy tòa án" có nghĩa là sẽ bổ sung thêm số lượng thẩm phán vào Tối cao Pháp viện vốn hiện đã có số lượng là 9 thẩm phán.

Nhưng ông Trump và Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Mitch McConnell nói rằng, Hiến pháp yêu cầu bắt buộc Tổng thống là người lựa chọn một Thẩm phán tại Tối cao Pháp viện.

Hôm 26/9 tại Nhà Trắng, ông Trump đã kêu gọi tôn trọng quy trình đề cử.

Tổng thống Trump nói: “Xác nhận cần được đưa ra nhanh chóng và ngay lập tức — [đây vốn là một quyết định] rất dễ dàng. Chúc may mắn. [Quyết định này] sẽ rất nhanh chóng. Tôi chắc chắn rằng [việc này] sẽ hoàn toàn không gây tranh cãi”.

Vào năm 2018, khi ông Trump đề cử Thẩm phán Kavanaugh, các thành viên Dân chủ đã cố gắng đào bới lại những cáo buộc trong quá khứ về ông Kavanaugh, khi ông còn học trung học và đại học.

“Tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các thành viên ở phía bên kia [Quốc hội] (ám chỉ đảng Dân chủ) thực hiện một buổi điều trần tôn trọng và trang nghiêm đối với Thẩm phán Barrett vì bà ấy xứng đáng, và thẳng thắn mà nói đất nước chúng ta xứng đáng [với điều đó]", Tổng thống nói.

Du Miên

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Thẩm phán mới của Hoa Kỳ - Hy vọng của ông Trump để đảo ngược luật nạo phá thai