Tàu hải cảnh Trung Quốc bị đuổi khỏi EEZ của Indonesia

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tàu hải cảnh Trung Quốc đã tranh cãi nảy lửa sau khi xâm nhập trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia nhưng cuối cùng vẫn bị trục xuất.

Tàu hải cảnh CCG 5204 của Trung Quốc được trang bị một súng máy gắn ở phía trước, bị radar của Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia phát hiện lúc 10h sáng ngày 12/9 trong vùng biển của nước này, theo trang Express (Anh).

Indonesia lập tức phản đối hành vi xâm nhập trái phép của tàu CCG 5204 vào vùng EEZ và yêu cầu con tàu rời đi. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc trên CCG 5204 cố tranh cãi rằng, họ đang tuần tra trong vùng biển mà Trung Quốc sở hữu và khẩu súng máy trên tàu chỉ để phòng thủ chống lại cướp biển.

Tàu hải cảnh Trung Quốc khẳng định họ đang tuần tra "đường chín đoạn", khu vực được Bắc Kinh đơn phương vẽ ra và bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông, dù trái ngược với quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, theo hãng tin AFP.

Sau đó, phía Indonesia vẫn quyết liệt yêu cầu tàu hải cảnh Trung Quốc rời khỏi vùng biển Natuna, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

"Tàu hải cảnh Trung Quốc đang ở trong lãnh thổ Indonesia và phải lập tức rời khỏi vùng biển thuộc quyền tài phán của Indonesia", Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia tuyên bố.

Tàu hải cảnh Trung Quốc 5204 hoạt động trong vùng biển gần tỉnh Quần đảo Riau của Indonesia. Ảnh: Bakamla
Tàu hải cảnh Trung Quốc 5204 hoạt động trong vùng biển gần tỉnh Quần đảo Riau của Indonesia. Ảnh: Bakamla

Sau một thời gian tranh cãi qua radio, tàu hải cảnh Trung Quốc cuối cùng đã phải rời khỏi khu vực vào hôm 14/9, theo South China Morning Post. Trong quá trình rời đi, CCG 5204 bị các các tàu tuần tra của Indonesia giám sát chặt chẽ.

Sau đó, Bộ Ngoại giao Indonesia đã gửi thông điệp phản đối và yêu cầu Đại sứ quán Trung Quốc giải thích.

“Chúng tôi nhắc lại với phó đại sứ Trung Quốc rằng vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia không chồng lấn với vùng biển của Trung Quốc ”, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Indonesia, Teuku Faizasyah nói.

Chính phủ Indonesia bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc, vì nó không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết.

Hồi tháng 1, Indonesia đã huy động chiến đấu cơ và tàu chiến tuần tra quần đảo Natuna, ngăn tàu nước ngoài đánh cá trái phép, đặc biệt là tàu Trung Quốc. Indonesia cho rằng các hoạt động đánh bắt hải sản như vậy khiến nước này thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm.

Các chuyên gia cho rằng động thái xua đuổi tàu Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy Indonesia đang “cứng rắn hơn” với những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đây, Indonesia chỉ giám sát các tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập EEZ.

Chính quyền Trung Quốc gần đây tăng cường các hoạt động đòi chủ quyền phi pháp trên Biển Đông như điều tàu bám theo tàu khoan của Malaysia, đâm chìm tàu cá Việt Nam, trồng rau trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa,...

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Tàu hải cảnh Trung Quốc bị đuổi khỏi EEZ của Indonesia